"Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tiêm phòng và tổ chức phòng chống dịch; chủ động nguồn lực, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó kịp thời khi dịch bệnh xảy ra" là chỉ đạo của ngành chức năng tỉnh Gia Lai sau khi tiêu hủy 202 con lợn dương tính với virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú Y tỉnh Gia Lai cho biết: Sau khi tổ chức tiêu hủy 202 con lợn (trọng lượng 20.553 kg) được xác định dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn châu Phi tại cơ sở chăn nuôi của ông Nguyễn Đình Thơ thuộc phường An Nhơn Đông; Chi cục đã hướng dẫn chủ cơ sở thực hiện bảo hộ, vệ sinh tiêu độc sát trùng chuồng nuôi và khu vực xung quanh, rắc vôi bột, cam kết không giết mổ bán chạy, theo dõi cách ly lợn bệnh, chết, chờ quyết định xử lý của cơ quan chức năng. Khu vực tiêu hủy lợn bệnh cũng đang được tiếp tục sát trùng tiêu độc định kỳ với tần suất phun 1 lần/ngày/tuần đầu tiên và 3 lần/tuần/2 tuần tiếp theo.
Bên cạnh việc hạn chế người không có nhiệm vụ ra vào cơ sở chăn nuôi để đề phòng lây lan mầm bệnh, Chăn nuôi và Thú Y tỉnh Gia Lai cũng đã phối hợp với UBND Phường An Nhơn Đông tuyên truyền các hộ chăn nuôi xung quanh khu vực thực hiện tiêu độc sát trùng chuồng trại và các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Đồng thời. yêu cầu các hộ chăn nuôi khi phát hiện ổ dịch mới kịp thời khai báo với UBND phường và cơ quan thú y gần nhất để có hướng dẫn, biện pháp xử lý an toàn, góp phần chăn nuôi hiệu quả, an toàn.
Trước tình hình thời tiết vẫn đang diễn biến thất thường làm suy giảm sức đề kháng, ảnh hưởng xấu đến sự sinh trưởng của vật nuôi; thêm vào đó mầm bệnh vẫn còn tồn tại trong môi trường, để đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi trên địa bàn, mới đây Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai đã có văn bản gửi UBND các xã, phường về việc tăng cường tiêm phòng, kiểm tra, giám sát, phòng chống dịch.
Trong số đó yêu cầu các địa phương chỉ đạo các phòng chuyên môn, phối hợp với Ban nhân dân các thôn tăng cường kiểm tra, theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Trường hợp phát hiện đàn vật nuôi có biểu hiện bất thường, nhanh chóng báo cáo chính quyền địa phương, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp để phối hợp kiểm tra, xử lý kịp thời, hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai cũng yêu cầu Chi cục Chăn nuôi và Thú Y phân công lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật đứng chân địa bàn, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn giám sát, tiêm phòng và tổ chức phòng chống dịch bệnh, nhất là khi chính quyền địa phương 2 cấp mới đi vào hoạt động.
Bên cạnh đó, chủ động nguồn lực, vật tư, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó kịp thời khi dịch bệnh xảy ra, sẵn sàng phối hợp với các địa phương khi tiếp nhận thông tin về dịch bệnh, nhanh chóng thu thập mẫu xét nghiệm, xác định dịch bệnh và phối hợp tổ chức chống dịch theo quy định./.