Đắk Lắk đang bước vào mùa hè, thời điểm thuận lợi để các bệnh truyền nhiễm phát sinh, phát triển và có nguy cơ bùng phát mạnh mẽ. Ngành Y tế tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Gia tăng các ca bệnh
Số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho thấy, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang diễn biến với số ca mắc tăng cao ở nhiều nhóm bệnh, đặc biệt là tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi và dại. Tính đến ngày 19/5, toàn tỉnh ghi nhận 1.440 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó, có 367 trường hợp dương tính với virus gây sởi; 440 ca bệnh tay chân miệng; 185 trường hợp sốt xuất huyết; 4 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại; cùng nhiều ca bệnh lây qua đường hô hấp khác như cúm, viêm đường hô hấp, viêm não Nhật Bản…

Ghi nhận thực tế tại Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, Trưởng khoa cho biết, từ đầu năm đến nay, khoa đã tiếp nhận và điều trị khoảng 300 ca bệnh tay chân miệng, trong đó có nhiều ca chuyển nặng. Riêng trong tháng gần đây, số ca nhập viện tăng đột biến, đa phần là trẻ nhỏ độ tuổi mầm non.
“Tay chân miệng là bệnh lý nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nhiều trường hợp khi nhập viện đã ở mức độ 2B nhóm 1 và 2B nhóm 2 có chỉ định cấp cứu. Hiện nay, bệnh biểu hiện lâm sàng đa dạng hơn so với trước, các nốt ban không chỉ xuất hiện ở tay, chân mà có thể lan toàn thân, gây khó khăn trong chẩn đoán sớm”, bác sĩ Minh cảnh báo.
Trường hợp của bé T.K.N (sinh năm 2023), trú tại xã Ea Knốp, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk là ví dụ điển hình. Bé N bị tay chân miệng sau khi đi nhà trẻ về. Bé có biểu hiện sốt, biếng ăn, nổi bọng nước toàn thân, khó chịu, quấy khóc liên tục khiến gia đình hết sức lo lắng.
Chị Hà Thị Lệ Thùy (mẹ bé) chia sẻ, ban đầu cháu chỉ ngứa, nổi vài nốt nhỏ nhưng sau đó lan nhanh, sốt cao, bỏ ăn. Gia đình rất lo lắng vì cháu khóc suốt, mong nhà trường tăng cường vệ sinh để tránh lây lan cho các bé khác.
Bên cạnh tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng là bệnh đang gia tăng nhanh trên địa bàn tỉnh. Tính đến giữa tháng 5, toàn tỉnh ghi nhận 185 ca sốt xuất huyết, tập trung nhiều nhất tại thành phố Buôn Ma Thuột, nơi có nhiều ổ dịch cũ.
Bệnh nhân Đào Thị Nhung (phường Khánh Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột) đang điều trị sốt xuất huyết ngày thứ 6 cho biết, chị bị đau nhức, sốt cao không giảm, tiểu cầu hạ, có chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da, mệt mỏi không ngủ được, choáng váng không thể đi lại. Khu nhà chị Nhung ở đang làm đường, nước đọng thành vũng, muỗi rất nhiều, có thể chị bị đốt từ đó mà không hay biết.

Bác sĩ tại Khoa Nhi Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, khám cho bệnh nhi bị tay chân miệng.
Bác sĩ chuyên khoa II H’Nuen H’Đơk, Phó Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, từ đầu năm đến nay khoa đã ghi nhận 90 ca sốt xuất huyết dengue, trong đó có 15 ca nặng với biểu hiện suy gan, cần truyền tiểu cầu. Đối với bệnh sốt xuất huyết diễn biến thường phức tạp, ngoài sốt, chảy máu, bệnh nhân còn thoát huyết tương ra ngoài. Mức độ nặng nhẹ của bệnh phụ thuộc vào thoát huyết tương nhiều hay ít. Ngoài ra, bệnh nhân có thể rối loạn tuần hoàn, rối loạn đông máu, sốc, nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
“Hiện nay, bệnh vẫn chưa có thuốc đặc trị, vaccine mới chỉ đáp ứng với một số type virus nhất định. Để phòng bệnh, người dân cần phát quang bụi rậm, vệ sinh môi trường, không để nước tù đọng quanh nhà, đồng thời đến ngay cơ sở y tế khi có biểu hiện sốt, đau đầu, nhức mắt… để được chẩn đoán và điều trị kịp thời”, bác sĩ H’Nuen nhấn mạnh.
Chủ động ứng phó
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, nguyên nhân khiến dịch bệnh gia tăng nhanh trong thời gian gần đây một phần do điều kiện thời tiết mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều, thay đổi thất thường, là môi trường lý tưởng cho virus, vi khuẩn phát triển. Ngoài ra, sự giao lưu đi lại cao, cộng với thói quen sinh hoạt, vệ sinh cá nhân, vệ sinh an toàn thực phẩm của người dân còn hạn chế đã tạo điều kiện cho dịch bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng.
Ông Hoàng Hải Phúc, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, trước tình hình trên, Trung tâm đã tham mưu các văn bản chỉ đạo đến các trung tâm y tế huyện, thành phố nhằm tăng cường giám sát, điều tra, phát hiện và xử lý ca bệnh kịp thời. Đồng thời, công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và việc đảm bảo cơ sở vật chất, hóa chất, trang thiết bị y tế cũng đã được chuẩn bị sẵn sàng.
Ông Hoàng Hải Phúc cho biết, ngành Y tế đã tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, không chỉ các mũi trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà cả các loại vaccine dịch vụ như sởi, cúm, thủy đậu… nhằm tăng cường miễn dịch cộng đồng. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh cũng ghi nhận 4 trường hợp mắc và tử vong do bệnh dại - một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đây là hồi chuông cảnh báo về sự chủ quan trong phòng bệnh, tiêm phòng dại sau khi bị chó, mèo cắn vẫn còn bị xem nhẹ tại một số địa phương.

Các nốt phát ban của bệnh nhi bị tay chân miệng.
Trước nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm bùng phát mạnh trong mùa hè, ngành Ytế tỉnh Đắk Lắk đã chủ động triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị đã được Sở Y tế cấp kinh phí cho mua thêm 10 máy phun hóa chất và đăng ký đấu thầu khoảng 150 lít hóa chất diệt khuẩn, đảm bảo đầy đủ thuốc men, trang thiết bị, vật tư y tế và nhân lực để sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát.
“Chúng tôi đã có công văn chỉ đạo các đơn vị y tế tăng cường giám sát dịch bệnh dựa vào sự kiện, đặc biệt chú trọng các bệnh có liên quan đến vaccine như sởi, tay chân miệng, cúm… Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương để đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong việc chủ động phòng bệnh và tiêm chủng đầy đủ”, ông Phúc cho biết thêm.
Ngành Y tế tỉnh khuyến cáo người dân tuyệt đối không được chủ quan, cần thực hiện nghiêm các biện pháp vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống, ăn chín, uống sôi, tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh truyền nhiễm và đưa trẻ đi tiêm phòng đúng lịch, đủ mũi. Khi có biểu hiện bất thường, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Mùa hè là thời điểm nhiều bệnh truyền nhiễm có cơ hội bùng phát mạnh. Với sự chủ động từ ngành Y tế và ý thức hợp tác của người dân, Đắk Lắk kỳ vọng sẽ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng./.