Dồn sức giúp dân bản nơi tâm lũ quét sớm ổn định cuộc sống

Liên tục trong các ngày 28/5 đến rạng sáng 30/5, trên địa bàn các huyện miền núi, vùng cao, biên giới phía Tây tỉnh Nghệ An như Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương… đã xảy ra mưa cường suất lớn, lũ ống, lũ quét cục bộ gây thiệt hại lớn về nhà cửa, tài sản, công trình dân sinh, cây trồng, vật nuôi…

Chú thích ảnh
Lực lượng Bộ đội biên phòng Đồn biên phòng Hạnh Dịch (Bộ đội biên phòng Nghệ An) giúp dân xã bản Long Thắng (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong) gặt lúa sau khi lũ quét đi qua. Ảnh: TTXVN phát

Để sớm ổn định đời sống nhân dân vùng thiên tai, cấp ủy, chính quyền địa phương, các đoàn thể, lực lượng vũ trang đang ngày đêm trực tiếp có mặt tại hiện trường hỗ trợ, giúp đỡ người dân vùng thiệt hại sớm ổn định cuộc sống, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, thể hiện tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, tấm lòng sẻ chia “tương thân, tương ái”.

Tình quân dân nơi tâm lũ quét

Khoảng 21 giờ ngày 28/5 tại cụm bản Long Thắng (bản Mường Đán cũ), cách trung tâm xã Hạnh Dịch (huyện Quế Phong) khoảng gần 20km, xảy ra mưa cường suất lớn, diễn ra trong nhiều giờ đồng hồ gây hiện tượng tích bong bóng nước và bị vỡ khiến lũ quét bất ngờ xảy ra. Dòng khe Pùng vốn dĩ hiền hòa đột nhiên dâng tràn một cách bất thường, màu nước đục ngầu, dòng chảy cực mạnh và hung hãn. Không lâu sau đó, lượng nước, đất đá, thân cây, cành cây, gỗ, củi mục từ thượng nguồn đổ về làm sập và cuốn trôi 3 nhà dân, vùi lấp hơn 10ha lúa, 2,1 ha hoa màu, 0,8 ha keo và quế. Nhiều gia súc, gần 200 con gia cầm cùng nhiều máy tuốt lúa, máy cày, máy xát, điện thoại di động, xe máy và vật dụng sinh hoạt bị lũ cuốn trôi. Ngoài ra, một đập tràn bị sập, 7 cột điện bị gãy, đổ. Sau khi lũ quét đi qua, có 34 hộ dân trong tổng số 204 hộ của cụm bản Long Thắng sinh sống dọc hai bên khe Pùng bị ảnh hưởng.

Phạm vi trận lũ quét hoành hành, càn quét tại bản Long Thắng rất rộng nên cụm bản Long Thắng trở nên tan hoang. Trên chiều dài khoảng gần 2km của khe Pùng đất đá nằm ngổn ngang. Những cây gỗ lớn bị gãy đổ, bật gốc trôi từ thượng nguồn đổ về vẫn còn nằm trên lòng suối, dưới chân nhà sàn. Đứng ở bất cứ đâu nơi bản Long Thắng cũng nhìn ra ngọn nguồn dấu tích của trận lũ quét. Trên ngọn núi cao phía thượng nguồn khe Pùng, một vùng sạt lở loang lổ, nham nhở còn hằn nguyên giữa màu xanh của rừng.

Từ chiều 28/5, khi mưa lớn, kéo dài xảy ra trên địa bàn, khiến mực nước tại các sông, suối dâng nhanh, dòng chảy mạnh. Chủ động phòng tránh với thiên tai cực đoan ngập lụt, lũ ống, sạt lở, bộ đội biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Hạnh Dịch (Bộ đội Biên phòng Nghệ An) đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang nhanh chóng tuyên truyền, vận động các hộ dân sinh sống ở vùng xung yếu, nguy cơ cao chủ động sơ tán đến nơi an toàn. Do đó, trận lũ quét đã không gây thiệt hại về người.

Chú thích ảnh
Lực lượng Bộ đội biên phòng Đồn biên phòng Hạnh Dịch (Bộ đội biên phòng Nghệ An) giúp dân xã bản Long Thắng (xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong) gặt lúa sau khi lũ quét đi qua. Ảnh: TTXVN phát

Rạng sáng 29/5, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch đã khẩn trương điều động 20 cán bộ, chiến sĩ do Phó Đồn trưởng Vi Thái Đạt trực tiếp chỉ huy, có mặt tại hiện trường ngày đêm phối hợp cùng chính quyền địa phương thu dọn bùn đất, dựng lại các chòi tạm, di chuyển đồ đạc, vật dụng, tìm kiếm và khiêng vác các vật dụng máy móc, xe máy cho người dân.

Mặc cho thời tiết mưa nắng thất thường gây ngột ngạt, bức bí, các chiến sĩ biên phòng tham gia hỗ trợ giúp dân vẫn nêu cao tinh thần, trách nhiệm, bám sát địa bàn, cần mẫn lội bùn đất, băng qua những bãi đá ngổn ngang để hỗ trợ người dân thu dọn đồ đạc, gia cố công trình tạm, khôi phục sản xuất, góp phần giúp bà con sớm ổn định cuộc sống sau thiên tai. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng tiến hành thống kê thiệt hại, xây dựng phương án hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả… Ngoài ra, đơn vị cũng trích kinh phí hỗ trợ nguồn nhu yếu phẩm cần thiết như mì tôm, gạo và nước uống cho các hộ bị thiệt hại, đặc biệt là hộ có nhà bị cuốn trôi hoàn toàn.

Chú thích ảnh
Lực lượng Bộ đội Biên phòng Nghệ An, đoàn viên thanh niên huyện Đoàn Tương Dương và người dân hỗ trợ, giúp đỡ dân bản sửa chữa nhà ở bị thiệt hại sau lũ quét. Ảnh: TTXVN phát

Không chủ quan trước tình hình mưa lớn có thể tiếp diễn, gây hình thái thiên tai cực đoan, khó lường, lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng chân trên địa bàn còn tổ chức kiểm tra an toàn khu vực bị lũ quét, khu vực xung quanh bản làng. Cùng với đó, tranh thủ lúc trời hửng nắng, Đồn Biên phòng Hạnh Dịch phân công lực lượng đi gặt lúa trên những diện tích ruộng chưa bị vùi lấp rồi vận chuyển bằng phương thức thủ công (gùi, gánh, vác) về bản và tổ chức tuốt lúa, phơi nắng giúp bà con dân bản.

Trung tá Bạch Trọng Sơn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hạnh Dịch cho biết, trước diễn biến phức tạp của thời tiết, đơn vị đã chỉ đạo tổ công tác địa bàn vận động nhân dân sơ tán khỏi các khu vực nguy hiểm. Sau khi lũ quét đi qua, đơn vị đã nắm tình hình, kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương có các biện pháp hỗ trợ nhân dân. Khẩn trương điều động 20 cán bộ, chiến sĩ hành quân gần 20km đường đồi núi vào địa bàn biên giới phối hợp cùng với các lực lượng tại chỗ để giúp dân khắc phục hậu quả. Khối lượng công việc nhiều, trong điều kiện khó khăn, vất vả, trở ngại nhưng các cán bộ, chiến sĩ tham gia hỗ trợ người dân đều thể hiện tinh thần, nêu cao quyết tâm với mục tiêu giúp người dân vùng tâm lũ ổn định đời sống sản xuất, sinh hoạt trong thời gian sớm nhất.

Tinh thần xung kích của đoàn viên, thanh niên

Chú thích ảnh
Đoàn viên thanh niên Huyện đoàn Tương Dương (Nghệ An) tham gia hỗ trợ, giúp đỡ người dân biên giới xã Nhôn Mai (huyện Tương Dương) khắc phục hậu quả sau lũ quét. Ảnh: TTXVN phát

Đêm 29/5 và rạng sáng 30/5, trên địa bàn các xã biên giới, vùng cao Nhôn Mai, Hữu Khuông (huyện Tương Dương), xã Tri Lễ (huyện Quế Phong), xã Mỹ Lý, Na Loi, Đoọc Mạy, Mường Típ… (huyện Kỳ Sơn) cũng xảy ra mưa lớn kéo dài, gây lũ cục bộ và sạt lở nghiêm trọng.

Tuy diễn biến thiên tai cực đoan, dị thường không gây thiệt hại về người nhưng nhiều tài sản, nhà cửa, công trình, diện tích hoa màu trên các địa bàn bị cuốn trôi, đổ gãy, bị thiệt hại. Trong đó, Tương Dương là địa bàn chịu hậu quả nặng nề nhất với 35 nhà dân hư hỏng, đất đá sạt lở vào nhà và bị cuốn trôi. Trong đó có 6 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 4 hộ dân phải di dời khẩn cấp, 25 nhà hư hỏng nặng; 3 cầu dân sinh bị cuốn trôi, hơn 50ha lúa và cây trồng cùng nhiều công trình giao thông (cầu, tràn), thủy lợi, điện trên địa bàn bị thiệt hại; 6 thuyền bị chìm, 10 lồng cá và nhiều gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi.

Chung tay với cấp ủy, chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng trong việc giúp dân khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống, lực lượng đoàn viên thanh niên tại các xã vùng tâm lũ, thiên tai đã “kích hoạt” tinh thần xung kích, sẵn sàng xuống địa bàn giúp bà con thu dọn đồ đạc, đất đá, làm sạch vật dụng, sửa chữa nhà cửa, chỉnh trang không gian bản làng…

Chú thích ảnh
Lực lượng Bộ đội biên phòng Đồn biên phòng Mỹ Lý (Bộ đội biên phòng Nghệ An) giúp dân biên giới xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn) san gạt, di chuyển bùn đất sạt lở vào nhà dân. Ảnh: TTXVN phát

Tại xã biên giới Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn), trong sáng 30/5, hàng chục đoàn viên thanh niên đã nhanh chóng phối hợp với lực lượng biên phòng, công an, dân quân và người dân địa phương triển khai các hoạt động hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai như: dọn dẹp bùn đất, gia cố lại nhà cửa, dựng nhà, vận chuyển vật dụng ra khỏi khu vực nguy hiểm. Các đoàn viên thanh niên đã không quản ngại mưa gió, đường sá trơn trượt, quần áo lấm lem bùn đất, người nhễ nhại mồ hôi vẫn miệt mài, cần mẫn bên từng mái nhà, từng góc bếp, dưới nhà sàn, bên mảnh ruộng của người dân để giúp đỡ dân bản.

Tinh thần xung kích, tự nguyện, sẵn sàng sẻ chia cùng nhân dân vùng thiên tai của đoàn viên thanh niên đã trở thành phong trào và lan tỏa mạnh mẽ ở nhiều địa bàn. Tại các xã biên giới xa xôi, cách trở về giao thông, chia cắt bởi sông suối như Na Loi, Đoọc Mạy, Mường Típ…(huyện Kỳ Sơn) dễ dàng bắt gặp hình ảnh lực lượng đoàn viên, thanh niên trong sắc áo xanh đang giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả lũ ống, lũ quét.

Công tác hỗ trợ người dân các cộng đồng dân tộc ở những vùng tâm lũ sau thiên tai đang được các tổ chức Đoàn - Hội tại các huyện Tương Dương, Quế Phong phối hợp chặt chẽ với chính quyền và lực lượng chức năng triển khai thực hiện, qua góp phần giúp người dân sớm ổn định cuộc sống, đồng thời chủ động ứng phó với diễn biến thời tiết cực đoan trong thời gian tới.

Chú thích ảnh
Lực lượng Bộ đội biên phòng Nghệ An, các đoàn thể, thanh niên đoàn xã hợp sức giúp người dân vùng tâm lũ dựng lại nhà ở. Ảnh: TTXVN phát

Anh Lữ Xuân Hà, Bí thư Huyện đoàn Tương Dương cho biết, sau khi nhận được thông tin về tình thiệt hại thiên tai tại các địa bàn, Huyện đoàn đã chỉ đạo đoàn xã cố gắng huy động từ 15 đến 20 đoàn viên thanh niên tại địa bàn tham gia để cùng Đảng ủy, chính quyền địa phương, lực lượng biên phòng, công an, dân quân làm tốt công tác tuyên truyền, sơ tán người dân, di chuyển đồ đạc thoát khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét có thể xảy ra khi mưa lớn tiếp diễn. Đồng thời giúp người dân khắc phục hậu quả để sớm ổn định cuộc sống cho bà con nhân dân.

Các đoàn viên tham gia hỗ trợ đều nêu cao tinh thần xung kích, phát huy sức trẻ, năng động, không ngại khó, ngại khổ và đều trang bị cho bản thân những kỹ năng, đảm bảo an toàn trong suốt quá trình bám dân, bám bản, thực hiện công tác hỗ trợ, giúp dân. Coi đây là trách nhiệm, thể hiện vai trò của tuổi trẻ trong việc đồng hành cùng người dân vùng tâm lũ vượt qua khó khăn.

Có thể bạn quan tâm

Quân đội hỗ trợ người dân Hà Tĩnh ứng phó bão số 3

Quân đội hỗ trợ người dân Hà Tĩnh ứng phó bão số 3

Là địa phương có hàng nghìn hộ dân sinh sống ven biển, phần lớn nhà ở là cấp 4, Hà Tĩnh đang đối mặt với nhiều nguy cơ thiệt hại khi bão số 3 đổ bộ. Trước diễn biến phức tạp và cường độ mạnh của cơn bão, lực lượng quân đội dân quân tự vệ đã đồng loạt ra quân chằng chống nhà cửa, hỗ trợ người dân di dời tài sản; đồng thời, kêu gọi tàu thuyền vào nơi neo đậu an toàn.

Nghệ An: Di dời khẩn cấp 19 hộ dân bản Xói Voi đến nơi an toàn

Nghệ An: Di dời khẩn cấp 19 hộ dân bản Xói Voi đến nơi an toàn

Ông Lê Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, tỉnh Nghệ An cho biết, trước tình trạng địa bàn liên tục xảy ra mưa lớn kèm dông lốc trong thời gian trước đó, trong chiều 21/7, chính quyền và các lực lượng chức năng đã chủ động di dời khẩn cấp 19 hộ dân với 65 khẩu thuộc nhóm dân cư số 1, bản Xói Voi ra khỏi nơi ở, đến nhà văn hóa cộng đồng tạm trú để tránh nguy cơ sạt lở núi, lũ quét.

Xả tràn hồ Đại Lải do mực nước dâng cao

Xả tràn hồ Đại Lải do mực nước dâng cao

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Thọ cho biết, để đảm bảo an toàn hồ Đại Lải cũng như tài sản của Nhà nước và tính mạng của nhân dân, ngày 21/7, UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản ra lệnh xả tràn cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hồ Đại Lải do mực nước đo được tại hồ Đại Lải (tỉnh Vĩnh Phúc cũ) lúc 7 giờ ngày 21/7 đã lên tới cao trình +19,65m và đang tiếp tục dâng lên.

Nghệ An chủ động ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Nghệ An chủ động ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất

Chiều 21/7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An ban hành công văn hoả tốc số 115, chỉ đạo các biện pháp ứng phó với lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ở vùng trung du và miền núi; ngập lụt tại các vùng thấp trũng.

Khẩn trương phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi

Khẩn trương phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi

Tại tỉnh Quảng Trị, thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa rào và dông đã tạo điều kiện thuận lợi cho các sâu bệnh hại lúa bùng phát. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh yêu cầu các địa phương tăng cường triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa.

Sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ nhân dân khi có tình huống xảy ra trong bão số 3

Sẵn sàng ứng cứu, hỗ trợ nhân dân khi có tình huống xảy ra trong bão số 3

Ngày 21/7, để chủ động ứng phó với diễn biến của bão số 3 (Wipha), Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã thực hiện, triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của cấp trên và tỉnh; phối hợp chặt chẽ với chính quyền và cơ quan chức năng địa phương khẩn trương triển khai công tác ứng phó bão; sẵn sàng, chủ động các phương án, lực lượng và phương tiện kịp thời ứng cứu, hỗ trợ, giúp nhân dân phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn.

Hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh với nhiều hoạt động ý nghĩa

Hưởng ứng Ngày Chủ nhật xanh với nhiều hoạt động ý nghĩa

Ngày 20/7, 100% cơ sở Đoàn trên địa bàn tỉnh Điện Biên đồng loạt ra quân triển khai ngày cao điểm “Tình nguyện chung tay xây dựng nông thôn mới” và “Ngày Chủ nhật xanh” lần thứ IV năm 2025, với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa.

Hành trình tri ân thầm lặng đưa các liệt sỹ về với đất mẹ

Hành trình tri ân thầm lặng đưa các liệt sỹ về với đất mẹ

Hàng nghìn hài cốt liệt sỹ đã được cán bộ, chiến sĩ Đội K93 (Đội chuyên trách tìm kiếm, cất bốc, hồi hương hài cốt liệt sỹ hy sinh qua các thời kỳ chiến tranh) - Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh An Giang tìm kiếm, quy tập, đưa về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sỹ Dốc Bà Đắc (xã Thới Sơn, tỉnh An Giang) và các nghĩa trang liệt sỹ trong nước, hưởng sự chăm sóc của chính quyền, nhân dân và thân nhân liệt sỹ.

Xóa nhà tạm bằng những 'mảnh ghép' yêu thương

Xóa nhà tạm bằng những 'mảnh ghép' yêu thương

Ngày 20/7, Hội Chữ thập đỏ thành phố Huế phối hợp với UBND phường Hương An tổ chức lễ khánh thành ngôi nhà "Mảnh ghép yêu thương" cho gia đình chị Nguyễn Thị Đài Loan (trú tại tổ dân phố Thanh Chữ, phường Hương An). Đây là căn nhà thứ ba trong tổng số 6 căn nhà đang được Hội Chữ thập đỏ thành phố Huế xây dựng theo mô hình "Mảnh ghép nhà yêu thương".

Phú Thọ: Chuẩn bị chu đáo cho đại hội đảng bộ cấp xã, phường

Phú Thọ: Chuẩn bị chu đáo cho đại hội đảng bộ cấp xã, phường

Những ngày này, nhiều địa phương ở tỉnh Phú Thọ đã trang hoàng cờ hoa, biểu ngữ tại nhiều ngả đường, tạo không khí vui tươi chào mừng đại hội đảng bộ xã, phường. Khuôn viên trụ sở các địa phương đã chỉnh trang khang trang, sạch đẹp để chuẩn bị sự kiện lớn. Nhiều xã, phường đã chuẩn bị công phu văn kiện trình đại hội với nhiều đổi mới, phù hợp với tình thực tế tại địa phương.

Mưa dông gây thiệt hại nhiều nơi tại Cao Bằng

Mưa dông gây thiệt hại nhiều nơi tại Cao Bằng

Vào khoảng 12h30 ngày 19/7, theo ghi nhận từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Cao Bằng, vùng mây đối lưu phát triển đã gây mưa rào và dông lốc mạnh trên diện rộng, ảnh hưởng trực tiếp đến các xã Quảng Lâm, Nam Quang, Lý Bôn, Cốc Pàng, Hòa An, Trùng Khánh, Ca Thành, Tĩnh Túc, Minh Tâm, Quang Trung, cùng các phường Thục Phán, Nùng Trí Cao và lan sang nhiều khu vực khác trong tỉnh. Mặc dù trận mưa lớn chỉ kéo dài khoảng 1 giờ nhưng đã gây ra nhiều thiệt hại.

Nông dân Đồng Tháp tất bật thu hoạch lúa, đón mùa nước nổi

Nông dân Đồng Tháp tất bật thu hoạch lúa, đón mùa nước nổi

Hiện nay, nước từ thượng nguồn đang đổ về, tỉnh Đồng Tháp sắp bước vào mùa nước nổi. Nông dân ở phường Thường Lạc cũng như những địa phương khác thuộc khu vực đầu nguồn của tỉnh Đồng Tháp đang tất bật thu hoạch lúa vụ Hè thu để chuẩn bị đón mùa nước nổi.

Đồng Tháp xác định tăng trưởng dựa trên sự bổ trợ giữa ba khu vực kinh tế

Đồng Tháp xác định tăng trưởng dựa trên sự bổ trợ giữa ba khu vực kinh tế

Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương tổ chức thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng kinh tế GRDP 6 tháng cuối năm 2025 đạt trên 8,8% (hoàn thành kế hoạch năm trên 8%), dựa trên sự phát triển bổ trợ lẫn nhau và bền vững giữa ba khu vực kinh tế, gồm khu vực nông - lâm - thủy sản, khu vực công nghiệp - xây dựng và khu vực thương mại - dịch vụ.

Những mái ấm mới vùng biên cương - nền tảng phát triển nơi phên dậu của Tổ quốc

Những mái ấm mới vùng biên cương - nền tảng phát triển nơi phên dậu của Tổ quốc

Thực hiện phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” do Thủ tướng Chính phủ phát động, những ngày qua, các đơn vị thuộc Binh đoàn 15 đã phối hợp cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương tích cực triển khai xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ khó khăn tại khu vực biên giới tỉnh Gia Lai. Những mái nhà mới được hoàn thành giúp người dân có nơi ở kiên cố, góp phần giữ vững bình yên phên dậu Tổ quốc.