Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Cả nước còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó dự kiến sẽ hợp nhất hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Điều này được đông đảo cán bộ, các tầng lớp nhân dân đồng tình. Nhiều ý kiến cho rằng, việc hợp nhất sẽ tạo dư địa phát triển mạnh mẽ cho địa phương trong tương lai.

Khánh Hòa là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích 5.218 km2, dân số trên 1,3 triệu người, với 9 thành phố, huyện, thị xã, trong đó có huyện đảo Trường Sa; tăng trưởng GRDP của địa phương đạt 10,16%. Còn Ninh Thuận có diện tích 3.358 km2, có 7 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố, 6 huyện, dân số gần 600.000 người. Năm 2024, GRDP của Ninh Thuận tăng trưởng 8,74%, là địa phương có tiềm năng và lợi thế lớn để phát triển năng lượng điện tái tạo.
Hai tỉnh có lịch sử chung khi vào năm 1653, thời chúa Nguyễn Phúc Tần, vùng đất Kauthara từ núi Đá Bia - Đèo Cả (vùng giáp ranh giữa Phú Yên và Khánh Hòa) vào đến bờ bắc sông Phan Rang (thuộc tỉnh Ninh Thuận) là đơn vị hành chính của nước Đại Việt với tên gọi Dinh Thái Khang. Cả hai đều nằm trong vùng đất của vương quốc Chăm Pa xưa, hiện lưu giữ nhiều di tích kiến trúc Chăm đặc sắc như Tháp Bà Ponagar (thành phố Nha Trang) và quần thể tháp Po Klong Garai (thành phố Phan Rang Tháp Chàm). Dân tộc Chăm sinh sống tập trung tại các địa phương này, đóng vai trò quan trọng trong bản sắc văn hóa đa dạng và đặc thù của vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Dự kiến, khi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận hợp nhất sẽ có tên là tỉnh Khánh Hòa, trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa, với diện tích sau hợp nhất là 8.576 km2, dân số gần 1,9 triệu người.
Ông Phạm Văn Chi, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đồng tình và ủng hộ chủ trương hợp nhất Ninh Thuận và Khánh Hòa. Khánh Hòa có lợi thế phát triển mảng công nghiệp trước Ninh Thuận. Sau khi hợp nhất sẽ tạo đòn bẩy, giúp phát triển vùng đất phía Nam của tỉnh, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế và những cơ hội mà hai tỉnh này trước nay vẫn chưa có.
Hiện Ninh Thuận đang hướng đến trở thành thủ phủ năng lượng tái tạo của Việt Nam. Trong khi đó, Khánh Hòa phát triển mạnh về du lịch và định hướng phát triển mạnh ở lĩnh vực công nghiệp. Nếu hai tỉnh hợp nhất sẽ bổ trợ sự phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế biển, du lịch, công nghiệp hướng đến các mục tiêu quan trọng.
Sau hợp nhất, tỉnh mới có nhiều lợi thế về mặt địa lý, đều là tỉnh ven biển, có nhiều vịnh; người dân Khánh Hòa và Ninh Thuận đều có giọng nói tương đồng, tính cách hiền hòa. Hai địa phương cùng sở hữu những di tích văn hóa, lịch sử của người Chăm. Vì vậy khi hai tỉnh hợp nhất sẽ đảm bảo thuận lợi trong việc bảo tồn và phát huy mạnh mẽ những giá trị văn hóa Chăm.
Đối với tình hình giao thông, khi hợp nhất, ngoài tuyến Quốc lộ 1, cao tốc Bắc - Nam, giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận sắp có tuyến đường nối liền Khánh Sơn – Khánh Vĩnh và Ninh Thuận. Từ đây, việc giao thương đi lại, buôn bán của người dân rất thuận lợi, tạo dư địa phát triển cho vùng cao của Khánh Hòa.
Khánh Hòa mới trên cơ sở hợp nhất Khánh Hòa và Ninh Thuận không chỉ gia tăng về mặt địa lý mà còn phát triển chiều sâu văn hóa, kinh tế, tầm nhìn biển, giúp tỉnh có đủ nội lực và sự khác biệt để hướng mình ra “biển lớn”, ông Phạm Văn Chi đánh giá.
Chia sẻ về phát triển du lịch giữa Khánh Hòa và Ninh Thuận, ông Võ Quang Hoàng, Chủ tịch Hội Khách sạn Khánh Hòa (thuộc Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa) khẳng định: Du lịch của hai tỉnh có nét tương đồng, đều cùng có sản phẩm du lịch biển. Trước khi có thông tin dự kiến hợp nhất tỉnh, du lịch của hai tỉnh đã được quan tâm, chú trọng đầu tư, liên kết xây dựng sản phẩm, tổ chức gian hàng chung tại nhiều hội chợ du lịch. Hai tỉnh cùng tổ chức chương trình Famtrip, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, nhằm xây dựng tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng; phối hợp tổ chức quảng bá du lịch chung tại các thị trường tiềm năng… Hiện nay, du lịch Khánh Hòa có lợi thế hơn, nhờ ưu thế của thiên nhiên về vẻ đẹp của các vịnh biển, đảo, được đầu tư mạnh mẽ và khá sớm nên có hệ thống dịch vụ lữ hành, lưu trú đồng bộ, hoàn chỉnh. Tương lai hai tỉnh “về một nhà” thì việc nâng cấp sản phẩm du lịch biển ở Ninh Thuận sẽ được chú trọng hơn.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định, sắp tới, khi 2 tỉnh hợp nhất là một, toàn hệ thống chính trị vẫn tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo cách thức mới, kiên trì mục tiêu đưa Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Phan Sáu