Xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ đàn vật nuôi, phát triển chăn nuôi bền vững, nhất là nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm động vật, phục vụ xuất khẩu. Đây là đánh giá được đưa ra tại Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Giải pháp xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu”. Diễn đàn do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại tỉnh Lạng Sơn vào chiều 6/5 với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện 200 hộ chăn nuôi các tỉnh phía Bắc.

Chăn nuôi giữ vai trò quan trọng
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, những năm qua, ngành chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, thực phẩm của đất nước. Ngành chăn nuôi hiện chiếm tỷ trọng lớn (trên 25%) trong cơ cấu của ngành nông nghiệp và là sinh kế quan trọng của hơn 10 triệu hộ gia đình nông thôn. Năm 2024 tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 8,26 triệu tấn, tăng 5,4% so với năm 2023; trong đó, thịt lợn hơi 5,16 triệu tấn, tăng 6,6%; thịt gia cầm 2,43 triệu tấn, tăng 5,4%. Sản lượng sữa tươi đạt 1,23 triệu tấn, tăng 6%; trứng đạt 20,2 tỷ quả, tăng 5%.
Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt 533,6 triệu USD, tăng 6,5% so với năm 2023; trong đó, có 122,9 triệu USD là sữa và sản phẩm từ sữa; 172,1 triệu USD thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, việc xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sang các nước hiện chưa được như mong muốn, bởi tổng đàn vật nuôi của cả nước lớn (đàn gia cầm đạt hơn 520 triệu con, đàn lợn có hơn 28 triệu con...) cơ bản vẫn nuôi theo hình thức truyền thống, manh mún, nhỏ lẻ, chưa bảo đảm an toàn dịch bệnh. Dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi.
Báo cáo của các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cho thấy, từ đầu năm 2025 đến ngày 21/4/2025, cả nước xảy ra 7 ổ dịch cúm gia cầm tại 5 tỉnh, thành phố với trên 18.000 con gia cầm mắc bệnh và khoảng 22.000 con gia cầm buộc tiêu hủy; 93 ổ dịch dịch tả lợn châu Phi tại 24 tỉnh, thành phố với gần 5.500 con lợn mắc bệnh và hơn 5.600 con lợn chết, tiêu hủy; 10 ổ dịch lở mồm long móng tại 7 tỉnh, thành phố với 235 gia súc mắc bệnh và 34 gia súc chết, tiêu hủy; 22 ổ dịch viêm da nổi cục tại 6 tỉnh, thành phố với 74 gia súc mắc bệnh và 21 gia súc chết, tiêu hủy; 73 ca bệnh dại trên động vật tại 25 tỉnh, thành phố…
Nguy cơ các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới vẫn rất cao, do mầm bệnh lưu hành trên đàn vật nuôi và ngoài môi trường. Giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số; tỷ lệ tiêm phòng các loại vaccine thấp. Việc giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời. Chính quyền và các cơ quan chuyên môn ở một số nơi đôi lúc vẫn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, để người dân bán chạy động vật mắc bệnh làm dịch bệnh lây lan. Cơ sở hạ tầng trong các vùng quy hoạch chăn nuôi, giết mổ tập trung còn thiếu, chưa đồng bộ...
Xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Minh Lịnh cho hay, những năm gần đây, tại các địa phương trong cả nước đã chứng kiến nhiều đợt dịch bệnh nghiêm trọng trong ngành chăn nuôi, gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế. Những dịch bệnh như cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục ở trâu, bò, bệnh lở mồm long móng trên gia súc đã và đang đe dọa không chỉ ngành nông nghiệp mà còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia trong việc xuất khẩu các sản phẩm động vật.
Do đó, chăn nuôi an toàn dịch bệnh đang là vấn đề cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày nay. Yếu tố “an toàn dịch bệnh” tại cơ sở và vùng chăn nuôi là điều kiện tiên quyết, bắt buộc để tham gia thị trường quốc tế. Việc xây dựng và duy trì cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh không chỉ giúp kiểm soát rủi ro dịch bệnh, giảm thiệt hại về kinh tế trong chăn nuôi mà còn góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tạo niềm tin với các đối tác quốc tế và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Những năm qua, các địa phương trong cả nước đã chú trọng xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn. Theo số liệu của Cục Chăn nuôi và Thú y, hiện cả nước có 3.768 cơ sở, vùng được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh tại 62 tỉnh, thành phố; trong đó, có một vùng an toàn dịch bệnh cấp tỉnh, 70 vùng an toàn dịch bệnh cấp huyện, 218 vùng an toàn dịch bệnh cấp xã và 3.479 cơ sở an toàn dịch bệnh. Nhiều địa phương bước đầu xây dựng được các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo hướng dẫn của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) và tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Dù vậy, thực tế cho thấy, ngành chăn nuôi vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh còn gặp không ít khó khăn, do nhận thức của một bộ phận người chăn nuôi còn hạn chế về yêu cầu kỹ thuật, quản lý dịch bệnh và lợi ích lâu dài của vùng an toàn dịch bệnh. Đặc biệt là sự thiếu đồng bộ giữa các ngành thú y, nông nghiệp, thương mại. Nguồn lực đầu tư còn phân tán, chưa có chính sách tài chính khuyến khích doanh nghiệp và người chăn nuôi tham gia xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Thủ tục đăng ký, công nhận còn phức tạp, một số quy trình chưa linh hoạt, gây khó khăn cho các cơ sở vừa và nhỏ; chưa có cơ chế liên kết chuỗi chặt chẽ giữa cơ sở chăn nuôi - doanh nghiệp chế biến - thị trường xuất khẩu...
Tại diễn đàn, các nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện hiệp hội chăn nuôi, chủ trang trại đã “hiến kế” rằng, để chăn nuôi an toàn dịch bệnh, các cơ sở chăn nuôi cần tổ chức theo quy mô lớn, theo quy trình khép kín từ cung ứng con giống, chăm sóc, thức ăn, phòng dịch bệnh đến tiêu thụ sản phẩm. Một trong những vấn đề người chăn nuôi cần lưu ý đó là việc sử dụng vaccine phòng bệnh đầy đủ, đúng cách theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Người chăn nuôi không mua vaccine không rõ nguồn gốc tại những cơ sở không đủ điều kiện cung ứng vaccine.
Các địa phương tăng cường phối hợp liên ngành, xây dựng cơ chế phối hợp rõ ràng giữa ngành chăn nuôi thú y - xuất khẩu - thương mại - khoa học công nghệ; triển khai hệ thống quản lý dịch bệnh chăn nuôi trực tuyến; tích hợp dữ liệu truy xuất, tiêm phòng, giám sát dịch bệnh vào hệ thống dữ liệu quốc gia; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chăn nuôi gắn với bao tiêu sản phẩm…
Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cho rằng, các hộ dân nếu chăn nuôi đơn lẻ gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro cao. Do đó, cần phát triển, xây dựng, nhân rộng các mô hình chăn nuôi hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp và hộ dân để thực hiện chặt chẽ quy trình chăn nuôi, đáp ứng các yêu cầu về an toàn dịch bệnh. Khi thực hiện tốt chuỗi liên kết trong chăn nuôi, các hộ chăn nuôi vẫn có thể tham gia xuất khẩu.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hà Nam, thời gian qua, việc giám sát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh được thực hiện thường xuyên tới tận hộ gia đình thông qua mạng lưới nhân viên thú y cơ sở. Tỉnh đã tăng cường quản lý chăn nuôi trong vùng bảo đảm an toàn dịch bệnh và chủ động tiêm phòng vaccine các bệnh theo quy định cho đàn gia súc, gia cầm, đạt tỷ lệ cao. Cơ quan chức năng của tỉnh kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào vùng an toàn dịch bệnh; kiểm soát giết mổ động vật và kiểm tra vệ sinh thú y; kịp thời phát hiện động vật được vận chuyển từ bên ngoài vào vùng an toàn dịch bệnh để giết mổ, tiêu thụ. Đồng thời, thu thập, quản lý thông tin, dữ liệu bảo đảm yêu cầu truy xuất nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật; tăng cường năng lực thú y các cấp để xây dựng, quản lý và duy trì hiệu quả vùng an toàn dịch bệnh. Nhờ đó, trong 3 tháng đầu năm 2025 trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm...
Theo số liệu ước tính của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), tính đến thời điểm cuối tháng 2/2025 (so với cùng kỳ năm 2024), đàn lợn tăng 3,2%; đàn gia cầm tăng 3,4%, riêng đàn bò giảm nhẹ 0,5%, đàn trâu do hiệu quả kinh tế không cao, diện tích chăn thả bị thu hẹp nên tiếp tục giảm 4,4%.