Nhằm chủ động di dời người dân ra khỏi vùng thiên tai trước ảnh hưởng của cơn bão số 3, các lực lượng chức năng tại các xã, phường trên địa bàn tỉnh Lào Cai tích cực hỗ trợ người dân di dời khỏi các vị trí có nguy cơ sạt lở, lũ quét và ngập lụt đến nơi an toàn nhằm bảo đảm tính mạng và tài sản của nhân dân và Nhà nước.

Lực lượng chức năng xã Đông Cuông kiểm tra các vị trí xung yếu và có nguy cơ sạt lở. Ảnh: TTXVN phát
Những ngày gần đây, các địa phương trong tỉnh Lào Cai đồng loạt rà soát tại các thôn, xóm, ngõ ngách, những điểm nguy cơ sạt lở, có dấu hiệu sạt lở để vận động, tuyên truyền người dân di dời đến nơi an toàn.
Đối với các vị trí sông, suối, khe, ngòi, lực lượng chức năng tiến hành cắm biển cảnh báo, đồng thời cắt cử cán bộ trực 24/24h để đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ. Nhiều địa phương huy động cán bộ văn hóa, các lực lượng công an, dân quân đến từng ngóc ngách, dùng loa phát thanh di động để phổ biến đến người dân đề phòng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tin tức, thời tiết, hướng dẫn bà con nhận biết các dấu hiệu của lũ quét, sạt lở cần lưu ý.
Tại xã Đông Cuông, tỉnh Lào Cai, gần 22 giờ ngày 21/7, tổ xung kích của xã vẫn túc trực tại nhà văn hóa các thôn để chủ động nắm bắt tình hình, sẵn sàng ứng phó với mưa bão. Nhiều thành viên trong tổ công tác phối hợp cùng lực lượng công an đội mưa đến các hộ dân ở trong các vị trí dưới taluy cao, có nguy cơ sạt lở, nhưng chưa di dời đến nơi an toàn.
Ông Trần Thống Nhất, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cuông, tỉnh Lào Cai cho biết, ngay khi có thông tin về cơn bão số 3, xã đã thành lập các tổ xung kích trực 24/24h tại các nhà văn hóa thôn để chủ động trong công tác phòng chống bão lũ có thể xảy ra trên địa bàn. Ngoài ra, in các pano, áp phích treo tại nhà văn hóa các thôn hướng dẫn bà con nhận biết những dấu hiệu của nguy cơ sạt lở đất, kỹ năng an toàn trước sạt đất. Đặc biệt, trong ngày 21/7, địa phương đã tổ chức, vận động, hỗ trợ di dời 24 hộ dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để đến nơi an toàn.
Tương tự, tại xã Châu Quế, tỉnh Lào Cai, với địa hình xã nằm ở vùng sâu, vùng xa, nhiều điểm có vị trí nguy cơ sạt lở cao. Ngay trong đêm 21/7, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của xã và thôn bản vận động di dời 98/154 hộ nằm trong khu vực nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Theo ông Phạm Trung Kiên, Bí thư Đảng ủy xã Châu Quế, chính quyền xã huy động lực lượng dân quân, công an, lực lượng thôn bản chia làm hai hướng để di chuyển đồ dùng sinh hoạt của các hộ dân trong khu vực nguy cơ sạt lở và bố trí chỗ ở tạm thời cho họ để sinh hoạt hàng ngày. Cùng đó, địa phương cắm biển cảnh báo tại 11 điểm có nguy cơ sạt lở taluy dương và ngập úng trên các trục giao thông.
Ngoài ra, tại phường Yên Bái, tỉnh Lào Cai, phường được sáp nhập trên cơ sở 5 phường Yên Ninh, Minh Tân, Đồng Tâm, Nguyễn Thái Học, Hồng Hà, thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái trước đây. Thời điểm này, phường đang tập trung các giải pháp và tuyên truyền, vận động nhân dân nằm trong vùng nguy cơ cao về sạt lở, ngập úng chủ động di dời trước cơn bão số 3.

Lực lượng chức năng phường Yên Bái cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở. Ảnh: TTXVN phát
Chủ tịch UBND phường Yên Bái Phùng Tiến Thanh cho biết, ngay từ những ngày đầu hoạt động mô hình chính quyền hai cấp, song song với việc ổn định bộ máy, thông suốt giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, công tác phòng chống thiên tai luôn được phường chú trọng triển khai. Hiện trên địa bàn phường có nhiều điểm nguy cơ sạt lở và ngập úng cao; trong đó, tập trung tại các khu vực Yên Ninh, Đồng Tâm, Minh Tân và Hồng Hà. Phường đã kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để đánh giá, phân công nhiệm vụ kịp thời cho các thành viên ứng phó trong các đợt mưa, nhất là ảnh hưởng của bão số 3; rà soát, thống kê các khu vực sạt lở để chủ động di dời người dân đến nơi an toàn; yêu cầu các nhà thầu, các đơn vị đang thi công công trình chủ động di dời toàn bộ lán trại, công nhân, máy móc, phương tiện kỹ thuật tới vùng an toàn, tránh bị ngập lụt, lũ cuốn trôi gây thiệt hại tài sản. Song song đó, phường cũng rà soát trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng chống thiên tai nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.
“Về lâu dài, phường Yên Bái tiếp tục rà soát cụ thể các hộ gia đình cần di dời để lên phương án và báo cáo, đề xuất với tỉnh tạo quỹ đất an toàn để di dân ra khỏi vùng thiên tai. Mặt khác, hiện nay dự án kè chống lũ suối cầu Dài đang thi công, qua khảo sát một số trận mưa trước việc tiêu thoát nước bị ách tắc, gây ngập lụt một số điểm. Nguyên nhân do mưa lớn và do tốc độ triển khai thi công chậm, thanh thải dòng suối trong quá trình thi công chưa triệt để gây ảnh hưởng đến nhân dân. Phường Yên Bái đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ và cũng có phương án thoát nước để tránh ngập úng do ảnh hưởng của mưa bão”, Chủ tịch UBND phường Yên Bái cho biết thêm.
Ngoài các biện pháp của chính quyền địa phương, các lực lượng công an cũng đồng loạt triển khai Tổ công tác xuống tận thôn bản, cập nhật thường xuyên diễn biến mưa bão để người dân chủ động ứng phó, di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Đến nay, toàn tỉnh Lào Cai gần 500 điểm có nguy cơ sạt lở đất đá được rà soát, khoanh vùng. Những nơi cấp thiết, chính quyền địa phương đã sơ tán dân và tổ chức “3 tại chỗ” để ứng phó với tình huống khẩn cấp. Đặc biệt, người dân từ sau những vụ việc sạt lở, ngập úng gây thiệt hại lớn, bà con nâng cao cảnh giác cũng đã chủ động di dời người và tài sản ra khỏi các khu vực nguy hiểm.
Ông Đào Đức Thơm, Tổ 15 Đồng Tâm, phường Yên Bái cho biết, gia đình ông có taluy phía sau nhà cao, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ, ông bà đã chủ động di dời mỗi khi trời mưa. Không chỉ gia đình ông, tất cả các hộ dân sinh sống gần đây đều nâng cao cảnh giác, khi có mưa mọi người chủ động đến ở nhờ nhà người thân.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai, diễn biến bất thường của thời tiết trên địa bàn, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến của bão số 3, chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thông báo, hướng dẫn người dân thực hiện ngay các biện pháp phòng, tránh, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa, lũ gây ra; khẩn trương sơ tán, di dời người dân cùng phương tiện, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; bố trí lực lượng, phương tiện, bảo đảm an toàn giao thông, kiên quyết không để xảy ra thiệt hại về người do bất cẩn, chủ quan, kịp thời tổ chức cứu nạn, cứu hộ và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do bão, mưa lũ gây ra./.