Việc triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Bình Phước đã thực hiện nhân rộng nhiều mô hình chăn nuôi dê ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tạo sinh kế để thoát nghèo.

Tại Bình Phước, nhiều hộ gia đình chăn nuôi dê đang phấn khởi khi giá dê thương phẩm bất ngờ khởi sắc, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui giá tăng lên vẫn còn những nỗi lo về tính bền vững do giá cả bấp bênh và nguồn thức ăn ngày càng khan hiếm.
Gia đình ông Nguyễn Hoài Sơn, dân tộc Nùng ở xã Tân Thành (huyện Bù Đốp) duy trì đàn dê gần 100 con, nhưng do giá cả không ổn định, Ông Sơn đã phải thu hẹp quy mô xuống còn 40-50 con rồi bán dần để cân bằng trong đầu tư chăm sóc. Ông Nguyễn Hoài Sơn cho biết: “Mấy năm trước giá thấp quá, nuôi không có lãi nhiều nên bây giờ không ai dám mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại. Nhiều hộ vì đã gắn bó với nuôi dê nên nuôi cầm chừng. Giờ giá lên lại, bà con ai cũng mừng”, ông Sơn bộc bạch.
Gia đình ông Võ Ánh Sáng, ở xã Tân Tiến đã có thâm niên hàng chục năm với mô hình nuôi dê vỗ béo gối đầu. Ông luôn duy trì đàn dê từ 60-70 con và xuất bán khoảng 25-30 con sau mỗi chu kỳ 2-3 tháng. Ông Sáng cho biết, năm 2024, giá dê thương lái thu mua chỉ dao động quanh mức 100.000 đồng/kg, sang năm 2025, giá đã tăng lên 125.000 - 130.000 đồng/kg. “Với giá này, nuôi 100 con dê một lứa có thể lãi khoảng 100 triệu đồng. Nuôi dê phải có số lượng lớn mới có thu nhập đáng kể, còn nuôi nhỏ lẻ vài chục con chỉ đủ trang trải cuộc sống”, ông Sáng chia sẻ.

Hộ gia đình ở xã Tân Thành, huyện Bù Đốp chăm sóc đàn dê gần 50 con.
Theo ông Trần Văn Thành, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Bù Đốp, hiện nay, giá thu mua dê đã tăng lên nên bà con chăn nuôi cũng mừng. Thời gian qua, ngoài hỗ trợ thực hiện nhiều mô hình cấp dê giống, địa phương thường xuyên khuyến cáo người dân chủ động phòng trừ dịch bệnh, đảm bảo nguồn thức ăn, đặc biệt là trong mùa khô.
“Bà con cần cố gắng chăn nuôi tốt để nâng cao chất lượng thịt, chất lượng dê nái sinh sản, hướng đến phát triển bền vững. Đồng thời, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi cũng rất quan trọng để tăng trọng và chất lượng thịt”, ông Thành cho biết thêm.
Sau một thời gian giá thu mua dê ở mức thấp, từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, thị trường dê đã có những chuyển biến tích cực. Giá thương lái đi thu mua dê hơi bất ngờ tăng mạnh từ 20.000 - 30.000 đồng/kg.

Người dân chăn nuôi dê phấn khởi vì giá tăng cao.
Gia đình chị Bùi Thị Hà Tuyên cũng ở xã Tân Tiến lại chọn hướng nuôi dê nái sinh sản với số lượng 15 con. Với đàn dê này, mỗi năm gia đình chị thu về khoảng 50-60 triệu đồng. Chị Tuyên cho biết, hiện tại dê giống đực có trọng lượng từ 12-15kg có giá từ 190.000 - 200.000 đồng/kg, còn dê cái có giá thấp hơn, khoảng 130.000 đồng/kg. Những năm trước giá thấp dưới 100.000 đồng/kg, thu nhập chỉ đủ chi tiêu. Năm nay giá cao, gia đình ước tính thu về trên 100 triệu đồng.
Thời gian qua, người dân chăn nuôi dê tận dụng lợi thế cây tiêu trụ sống để làm nguồn thức ăn, đồng thời sử dụng phân dê để bón lại cho vườn tiêu, tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín. Những năm qua, giá tiêu xuống thấp, nhiều diện tích tiêu bị chết do sâu bệnh, chuyển đổi cây trồng... khiến nguồn thức ăn tự nhiên cho dê cũng giảm sút đáng kể. Giá dê tăng cao rõ ràng đã mang lại niềm hy vọng và lợi nhuận cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sau những năm giá cả bấp bênh, nhiều hộ đã giảm đàn và không còn mặn mà với việc đầu tư mở rộng.
Nhiều địa phương trên tỉnh Bình Phước đã khảo sát tình hình thực tế hoàn cảnh, tổ chức tập huấn, tuyên truyền kỹ thuật nuôi dê sinh sản cho nhiều hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, tổ hợp tác chăn nuôi dê... Việc trao tặng dê giống nhằm chăm lo đời sống, sản xuất của người dân nghèo, qua đó giúp các hộ dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình hiệu quả từ mô hình chăn nuôi nuôi dê./.