Bên cạnh việc phát triển cây lúa, nhiều địa phương tại Long An đã chủ trương thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với từng vùng đất, mang lại thu nhập cao cho nhân dân. Bằng sự tìm tòi, học hỏi nhiều huyện, thị ở Long An đã trồng được những loại cây, trái trước đây không trồng được.
Ông Ngô Văn Bảy, ngụ xã Nhơn Ninh, huyện Tân Thạnh hiện có hơn 2 ha đất – làm thành 9 nhà màng trồng dưa lưới. Mảnh đất này trước đây ông cũng trồng lúa. Cách nay 7-8 năm, con ông đi làm ở huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh), thấy người dân trồng dưa lưới rất đạt mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh mày mò học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật, bỏ phân, cách quấn dây. Mới đầu, con của ông Bảy sợ phèn, nhưng sau đo độ phèn thấy phù hợp, hiện nay ở đây trồng dưa lưới chủ yếu sợ giông gió và nước lớn thôi” - ông Ngô Văn Bảy cho biết. Từ đó, ông là người đi đầu trồng dưa lưới trên địa bàn huyện.
Ban đầu ông làm 2 nhà màng, mỗi nhà khoảng 1.000 m2, đầu tư mỗi nhà hơn 200 triệu đồng rồi lên liếp, làm giá thể, ủ đất… Thấy thu gấp nhiều lần so với trồng lúa, ông Bảy chuyển đổi hơn 2 ha với 9 nhà màng như hiện nay. Sau này, chi phí tiền công và nguyên vật liệu làm nhà màng tăng lên 300 – 400 triệu đồng mỗi nhà trồng dưa lưới, nhưng ông vẫn có lãi. Mảnh đất của ông phù hợp với các loại dưa lưới và còn cho trái ngon, ngọt. Đầu tư nhiều là vậy, nhưng ông Bảy cười nói: “dưa lưới làm mỗi năm ba vụ, thu lại lời nhanh. Hiểu được nó và làm quen rồi, thấy khoẻ hơn trồng lúa nhiều”.
Bên cạnh cây lúa là cây trồng chủ yếu như trước đây, hiện người dân trong xã Nhơn Ninh nuôi trồng nhiều loại cây con như: ươm cá bột, nuôi kết hợp ếch với cá, tôm thẻ chân trắng. Chăn nuôi gia súc, gia cầm: lợn, bò, dê, gà, vịt… Ngoài ra còn trồng các loại cây như: 308 ha mít, sầu riêng, chanh; 46,2 ha hoa màu sen, dưa hấu, dưa lưới, rau má, dưa leo.
Chủ tịch UBND huyện Tân Thạnh Lê Xuân Khang cho biết: Một trong những phương hướng nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trong năm 2025 là tập trung triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”; Thực hiện chuyển đổi các diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang các cây trồng khác, áp dụng quy trình sản xuất theo hướng GAP để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.
Diện tích nông nghiệp của huyện Vĩnh Hưng chủ yếu là trồng lúa với khoảng 27.700 ha. Bên cạnh đó, huyện chú trọng chuyển đổi cây trồng cho phù hợp từng vùng đất, đặc biệt là cây lâu năm. Hiện toàn huyện có 488 ha cây lâu năm; trong đó chủ yếu là cây ăn trái, đạt 98% kế hoạch năm 2024 và bằng 104,3% cùng kỳ năm trước. Hiện nay, diện tích cây ăn trái phát triển tốt, một số diện tích tiếp tục thu hoạch, tình hình tiêu thụ tương đối ổn định ở mức đảm bảo cho người nông dân có lợi nhuận khá.
Cây ăn trái chủ yếu gồm cây bưởi, cam sành, dừa, xoài, mít. Nhiều cây cho lợi nhuận bình quân cao như: cam sành đạt 350 triệu đồng/năm; cây dừa 75 triệu đồng/ha/năm; cây xoài 70 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Vĩnh Hưng cho biết: huyện đã chủ trương chuyển đổi nhiều loại cây trái cho phù hợp với thổ nhưỡng từng vùng, nhằm phát huy tối đa hiệu quả trong nuôi trồng. Về quản lý, giám sát mã số vùng trồng, hiện toàn huyện có 4 lượt mã số vùng trồng, trong đó: 1 mã số vùng trồng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc ( sản phẩm khoai lang).
Hiện huyện đã gửi hồ sơ về tỉnh, chờ thẩm định thủ tục cấp mã số vùng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm sầu riêng, bưởi của Trang trại Minh Phú, xã Khánh Hưng.
Thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; khuyến cáo phát triển các mô hình sản xuất chất lượng cao, mô hình sản xuất hữu cơ để nâng cao giá trị sản xuất. Huyện tập trung vận động nông dân và tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp để mở rộng diện tích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản.
Huyện cũng tập trung xây dựng, triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa kém hiệu quả, thích hợp với diễn biến nguồn nước và xâm nhập mặn để tăng hiệu quả sử dụng, tăng thu nhập cho bà con nông dân. Triển khai thực hiện đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn quả vùng Đồng Tháp Mười phục vụ chế biến và xuất khẩu tỉnh Long An giai đoạn 2021-2025. Khuyến khích người dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật, sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm, sản xuất an toàn, có chứng nhận để nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tập trung triển khai thực hiện việc quản lý mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý trên cây ăn quả, giám sát, hướng dẫn vùng trồng, cơ sở đóng gói đề xuất cấp hoặc duy trì.
“Ngành tăng cường phối hợp với các viện, trường và sở, ngành tỉnh tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân về cây ăn trái, nhất là đối với các giống cây mới như sầu riêng, đồng thời triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất”, ông Nguyễn Thanh Tùng thông tin./.