Sau khi tập trung để hoàn thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang tiếp tục triển khai thực hiện, phát huy mọi nguồn lực và sức mạnh toàn dân, chung sức, đồng thuận, quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2024, về đích trước một năm so với dự kiến.

Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang khẳng định: Qua quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới nâng cao tạo điều kiện thuận lợi phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn huyện đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội huyện trong những năm qua phát triển khá mạnh.
Là huyện ven biển, có vị trí địa lý thuận lợi, nằm trong vùng ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, gắn với chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh Tiền Giang, huyện Gò Công Đông tập trung phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, đẩy mạnh nuôi trồng và khai thác thủy sản gắn với chế biến xuất khẩu; đồng thời chú trọng hạ tầng khu công nghiệp, thúc đẩy du lịch sinh thái biển và thu hút các dự án quy mô lớn, tạo động lực phát triển toàn diện.
Để khai thác tốt tiềm năng cùng thế mạnh này, thời gian qua, huyện Gò Công đã triển khai khai thác đồng bộ hai lợi thế đặc thù là nuôi trồng và đánh bắt thủy, hải sản gắn với phát triển công nghiệp chế biến xuất khẩu. Đặc biệt, chú trọng chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững, tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản.
Huyện Gò Công Đông hiện tại có 704 tàu cá đánh bắt xa bờ với 4.905 lao động trên biển có sản lượng khai thác trung bình hàng năm đạt trên 10.000 tấn hải sản. Nỗ lực vươn ra các ngư trường xa như Hoàng Sa, Trường Sa… của ngư dân Gò Công đã góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương còn thúc đẩy phát triển các dịch vụ hậu cần nghề cá truyền thống của huyện nhà. Bên cạnh đó, có trên 35 cơ sở cơ, 3 doanh nghiệp đóng, sửa tàu thuyền nằm trên các xã ven biển, 7 doanh nghiệp chế biến thủy sản cùng trên 30 cơ sở cá thể chế biến thủy sản phục vụ tốt nhu cầu đánh bắt thủy hải sản.
Ông Huỳnh Thanh Toàn, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết, dịch vụ hậu cần nghề cá đã giải quyết việc làm không chỉ cho hàng nghìn lao động ở địa phương mà còn ở các xã lân cận trong khu vực với thu nhập bình quân khoảng 6-7 triệu đồng/lao động/tháng.
Ngoài ra, huyện Gò Công Đông duy trì và phát triển vùng nuôi nghêu với diện tích 2.200 ha, tập trung tại xã Tân Thành, sản lượng khai thác bình quân hàng năm đạt khoảng 20.000 tấn. Nghêu Gò Công có chất lượng cao được nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Sau khi xây dựng và đạt chứng nhận tiêu chuẩn MSC của Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC - Aquaculture Stewardship Council) vào đầu tháng 11/2023, nghêu Gò Công có thêm cơ hội xuất khẩu sang thị trường các nước phát triển như châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản...
Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện Gò Công Đông, cùng với đầu tư phát triển kinh tế biển, huyện tập trung quy hoạch sản xuất gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, huyện đã hình thành vùng chuyên canh sản xuất lúa áp dụng mô hình “1 phải 5 giảm theo hướng hữu cơ”, tưới ướt khô xen kẽ là 4.327,9 héc ta. Qua thống kê của Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Gò Công Đông, năng suất lúa của mô hình năm 2022, 2023, 2024 đạt bình quân 7,6 tấn/héc ta (lúa tươi) với giá bán bình quân 8.300 đồng/kg (lúa tươi) nông dân có lợi nhuận hơn 43 triệu đồng/héc ta.
Ông Đỗ Hữu Cao, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đánh giá: Mô hình “Sản xuất lúa 1 phải 5 giảm theo hướng hữu cơ” không chỉ tạo ra những sản phẩm có lợi cho sức khỏe con người mà còn nâng cao nhận thức, thay đổi phương thức canh tác cũ sang phương thức sản xuất mới, hiệu quả, bền vững, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Đồng thời, huyện Gò Công Đông cũng tập trung nhiều giải pháp trong việc khai thác tiềm năng thế mạnh của vùng biển, các di tích văn hóa lịch sử để phát triển du lịch. Ngoài điểm du lịch biển tại xã Tân Thành, địa phương còn có các địa điểm du lịch sinh thái ở Tân Điền, Kiểng Phước, Phước Trung; Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định (xã Gia Thuận), Lăng Ông Nam Hải (thị trấn Vàm Láng), Đình Tân Đông, điểm du lịch vườn táo Sáu Hồi (xã Tân Thành), điểm du lịch Trương Gia Phủ (xã Bình Nghị) thu hút đông du khác đến tham quan vui chơi, giải trí vào dịp lễ, tết, ngày nghỉ cuối tuần…. Riêng trong năm 2024, huyện Gò Công Đông thu hút hơn 160.000 lượt du khách đến tham quan, tắm biển, cũng như thưởng thức các món hải sản đặc trưng của địa phương.
Cùng với việc tập trung khai thác những thế mạnh trên, huyện Gò Công Đông tập trung kêu gọi đầu tư, thu hút phát triển ngành công nghiệp có lợi thế như cảng biển, công nghiệp chế biến, cơ khí,…; khuyến khích phát triển các ngành, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp; tập trung đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Soài Rạp và 2 Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 và Gia Thuận 2. Hiện nay, Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 đã tiếp nhận 5 nhà đầu tư thứ cấp, đạt tỉ lệ lấp đầy 54,53% đất công nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực như: chế biến, may giày, bê tông..., diện tích còn lại đang tiếp tục kêu gọi đầu tư. Ngoài ra, Cụm công nghiệp Gia Thuận 2, chủ đầu tư đang triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật, dự kiến mời gọi tiếp nhận nhà đầu tư thứ cấp vào năm 2025.Nhiều dự án đã được UBND tỉnh Tiền Giang cấp Giấy chấp thuận nhà đầu tư, thống nhất chủ trương nghiên cứu dự án như: Dự án Nhà máy Hydro xanh Tiền Giang; Dự án Cảng tổng hợp Gò Công; Dự án Điện gió Tân Thành; Dự án Khu đô thị thông minh Tân Điền…Bên cạnh sự hỗ trợ, đầu tư của nhà nước, huyện Gò Công Đông đã huy động được nguồn lực lớn từ xã hội, cộng đồng dân cư để xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2020-2024, người dân đã tự nguyện hiến 46.104 mét vuông đất, trên 3.897 ngày công lao động, ủng hộ kinh phí trên 27 tỉ đồng để xây dựng nhiều công trình thủy lợi, đường giao thông nông thôn… dựa trên phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Từ phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế - xã hội ở khu vực nông thôn ngày càng được đầu tư đồng bộ để phục vụ phát triển sản xuất và đời sống của người dân.
Đến cuối năm 2024, tỉ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện Gò Công Đông giảm còn 2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 75,32 triệu đồng, tăng 19,52 triệu đồng/người/năm so với năm 2020. Tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung theo quy chuẩn đạt 92,3%... Với sự nỗ lực cùng thành quả trên, tại cuộc họp vào ngày 12/2/2025, huyện Gò Công Đông được Hội đồng thẩm định Trung ương thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Gò Công Đông đạt chuẩn huyện nâng cao năm 2024.
Hữu Chí