Ảnh hưởng của mưa lớn từ đêm 22/5 và sáng 23/5 đã gây thiệt hại một số diện tích sản xuất nông nghiệp, hạ tầng giao thông tại các tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang.

Mưa lớn khiến nhiều diện tích lúa và ngô của người dân tại huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) bị gãy đổ. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Yên Bái, do chịu ảnh hưởng của rìa Nam rãnh áp thấp có trục ở khoảng 25 - 28 độ vĩ Bắc bị nén bởi áp cao lục địa phía Bắc, nên các khu vực trong tỉnh Yên Bái đêm 22/5 và sáng 23/5 có mưa rào, mưa lớn và dông. Mưa lớn gây thiệt hại 2ha nông nghiệp của người dân và sạt lở trên tuyến Quốc lộ 32.
Cụ thể, đến 18 giờ ngày 23/5, mưa lớn gây thiệt hại 2 ha nông nghiệp ở huyện Lục Yên, trong đó có 1,5 ha lúa bị đổ gãy còn lại là cây ngô. Mưa lớn cũng gây sạt 36 vị trí tại Quốc lộ 32 với khối lượng trên 722 mét khối đất và tắc 4 cống ngang đường.
Tuyến đường Văn Chấn - Nghĩa Lộ (đường tỉnh 174) bị sạt với khối lượng trên 38 mét khối tại 2 vị trí; đường Trạm Tấu - Bắc Yên (Sơn La) với khối lượng sạt 36 mét khối tại 4 vị trí.

Ngoài ra, trên tuyến đường tỉnh 163 có nguy cơ xảy ra sạt lở đất đá với chiều cao khoảng 50m vị trí tại lý trình Km79+970, hiện Sở Xây dựng đã chỉ đạo đơn vị bảo dưỡng thường xuyên, trực và tiếp tục theo dõi 24/24 giờ.
Ngay sau khi nhận được tin báo của địa phương bị thiệt hại, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Lục Yên chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã khẩn trương kiểm tra, thống kê thiệt hại; huy động các lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục hậu quả để đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân.
Các địa phương, đơn vị chức năng duy trì công tác trực 24/24 giờ đối với các điểm có nguy cơ sạt lở, cắm biển cảnh báo để người dân chủ động phòng tránh đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.

Tại Tuyên Quang, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn từ đêm 22 và sáng ngày 23/5 đã gây ngập úng cục bộ tại nhiều vị trí trên địa bàn các huyện, thành phố, thiệt hại đến nhà ở và sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân các địa phương trong tỉnh.
Mặc dù không thiệt hại về người, nhưng tính đến 17 giờ 30 ngày 23/5, mưa lớn đã gây thiệt hại 23 nhà dân ở các huyện Lâm Bình, Na Hang, Hàm Yên và Chiêm Hóa, nhất là nhà vệ sinh của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Xuân Lập (huyện Lâm Bình) bị sạt ta luy âm; khoảng 170 ha lúa, ngô, rau màu, cây lâm nghiệp, cây trồng hằng năm bị gãy, đổ; thiệt hại 102 con gia súc, gia cầm và nhiều ao nuôi cá bị tràn bờ.
Ngoài ra, nhiều điểm, đường giao thông bị sạt lở, ách tắc với trên 5.000 m3 đất, đá taluy; nhiều đoạn đường Quốc lộ 2C, Quốc lộ 279, Quốc lộ 2 bị ngập úng và bùn đất chảy lấp kín nền mặt đường khiến người và phương tiện đi lại khó khăn; 92 m kênh bê tông tại các huyện Lâm Bình và Chiêm Hóa bị hư hỏng. Một số công trình cấp nước bị hư hỏng, bục vỡ đường ống dẫn nước, làm gián đoạn hoạt động cấp nước tại các xã Phúc Yên, Lăng Can (huyện Lâm Bình); xã Kim Quan (huyện Yên Sơn); các xã Nhân Mục, Thái Sơn (huyện Hàm Yên)… Ước tính giá trị thiệt hại gần 3,9 tỷ đồng.

Nhà vệ sinh của Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Xuân Lập, huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) bị sạt lở. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo các địa phương trong tỉnh đã phân công cán bộ phụ trách xuống cơ sở để nắm bắt tình hình và chỉ đạo các xã, phường, thị trấn thống kê thiệt hại, hướng dẫn nhân dân khắc phục hậu quả, bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang đề nghị UBND, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nội dung theo Văn bản số 1196/SNNMT-TL ngày 21/5 của Sở Nông nghiệp và Môi trường về việc chủ động, sẵn sàng triển khai ứng phó ảnh hưởng của mưa lớn trên địa bàn tỉnh.
Đối với các khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai cần tiếp tục theo dõi thường xuyên và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân, tài sản. Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ; theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết và xử lý thông tin kịp thời. Khi phát sinh các tình huống, thực hiện tốt phương án đã xây dựng và phương châm “4 tại chỗ” để xử lý trước mắt, cập nhật số liệu thiệt hại và báo cáo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tuyên Quang./.