Nghệ An có 82 km bờ biển, hơn 3.100 tàu, thuyền, hơn 12.000 lao động trực tiếp tham gia đánh bắt hải sản trên biển, 6 cảng cá, nhiều cửa lạch và hàng chục bến bãi, khu neo đậu tàu thuyền. Mỗi ngày, tại các cảng cá có hàng trăm lượt phương tiện tàu, thuyền của ngư dân ra, vào, neo đậu. Hoạt động bán buôn, trao đổi, bốc dỡ hải sản tại các cảng cá thu hút hàng ngàn người dân tham gia. Việc đảm bảo an ninh trật tự tại các cảng cá luôn được các đồn Biên phòng tuyến biển phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng gìn giữ ổn định.

Cảng Cửa Lò (thành phố Vinh) có chức năng đón nhận, xếp dỡ hàng hóa cho tàu vận tải trong nước và liên vận quốc tế. Những năm qua, tại cảng đầu mối này, nhiều tàu thuyền đánh cá của ngư dân các xã, phường ven biển của thành phố Vinh, huyện Nghi Lộc thường xuyên di chuyển, neo đậu trên luồng tuyến, làm ảnh hưởng lưu thông của các tàu hàng hải ra, vào cảng, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Thực tế đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy (Bộ đội biên phòng Nghệ An) đã thành lập các tổ, đội công tác thường xuyên dùng ca nô tiếp cận các tàu, thuyền cá neo đậu trên luồng tuyến trong cảng để trực tiếp nhắc nhở, tuyên truyền cho ngư dân về các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, không neo đậu phương tiện trên luồng tuyến lưu thông, gần khu vực bốc dỡ hàng hóa.
Trung tá Trần Văn Thế, Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Lò - Bến Thủy, Bộ đội Biên phòng Nghệ An cho biết, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng triển khai biên phòng, xử lý các vụ việc xảy ra trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật; góp phần giữ gìn an ninh chính trị trên địa bàn; làm tốt làm thủ tục xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu cho người, phương tiện hoạt động trong khu vực cảng theo đúng quy định của pháp luật.
Tại các cảng cá, khu neo đậu tàu, thuyền khác như lạch Cờn, lạch Quèn, lạch Thơi, lạch Vạn, thuộc các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai, lực lượng Biên phòng tuyến biển như các Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, Quỳnh Phương, Diễn Thành luôn nắm chắc địa bàn, dự báo sớm tình hình để kịp thời tham mưu cho chính quyền địa phương cùng phối hợp xử lý linh hoạt các vấn đề liên quan đến an ninh biên giới biển; đấu tranh, xử lý các vi phạm và tội phạm, đảm bảo an ninh vùng biển, các cảng cá, khu neo đậu.
Theo Thiếu tá Đặng Xuân Quang, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, những năm qua, đơn vị đã phối hợp các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương triển khai lực lượng, thành lập các tổ bám nắm địa bàn, thường xuyên tuần tra, kiểm soát để đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn quản lý, trọng tâm là tại cảng cá, các khu neo đậu tàu, thuyền.
Ngư dân Hoàng Trung Thành, phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An chia sẻ, lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên kiểm tra tại cảng cá, khu neo đậu để hướng dẫn ngư dân đậu đúng vị trí, đảm bảo luồng tuyến di chuyển, không xảy ra va chạm giữa các tàu, thuyền. Ngư dân trên địa bàn luôn nhận được sự hỗ trợ từ lực lượng Biên phòng, nhất là khi thiên tai, mưa bão xảy ra, các chiến sĩ đã trực tiếp có mặt tại bến bãi, cửa biển để kêu gọi, hướng dẫn cho ngư dân đưa tàu vào khu neo đậu, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Ông Nguyễn Văn Liên, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Bích, huyện Diễn Châu, Nghệ An cho biết, nhiều năm qua, lực lượng Bộ đội Biên phòng đóng chân trên địa bàn đã thực hiện rất tốt việc đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn quản lý, cử các đội tuần tra, kiểm soát phối hợp với địa phương, lực lượng Công an, dân quân thường xuyên kiểm tra các bến bãi, tàu thuyền để nắm bắt tình hình thực tế, đảm bảo an ninh trật tự ở các bến bãi, khu neo đậu. Ngoài ra, khi có sự việc xảy ra liên quan đến cạn tàu, trục vỡ, bị tai nạn ở ngoài biển, cửa lạch, lực lượng Biên phòng đều nhanh chóng phối hợp chặt chẽ với địa phương tổ chức đưa phương tiện, nhân lực ra hỗ trợ cứu người, cứu tàu.
Quản lý 34 xã, phường ven biển thuộc địa bàn 5 huyện, thành phố, năm 2024, các đơn vị Biên phòng tuyến biển tại Nghệ An đã tuần tra, kiểm tra, kiểm soát các cửa sông, cửa lạch, bến neo đậu tàu, thuyền và trên biển được hơn 560 đợt; phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản vùng ven bờ, vùng lộng được 5 đợt; cùng cấp ủy, chính quyền, ngành, đoàn thể địa phương và các lực lượng chức năng phát huy hiệu quả gần 140 tổ tàu, thuyền đoàn kết, an toàn với gần 1.500 tàu, thuyền, gần 5.500 thành viên tham gia; tổ chức 21 bến bãi tự quản với hơn 260 thành viên; thường xuyên tham gia sinh hoạt, động viên các chủ tàu, thuyền tích cực vươn khơi, bám biển.
Thời gian tới, các lực lượng Bộ đội Biên phòng tuyến biển tiếp tục phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương theo dõi, nắm chắc tình hình; tăng cường tuần tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn khu vực biên giới biển; đồng thời đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền về Luật Biên giới quốc gia, Luật Biển Việt Nam và các nghị định về quản lý hoạt động của người, phương tiện trong khu vực biên giới biển để nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật đến ngư dân các địa bàn ven biển.
Hải An