Ngày 18/7, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ tổ chức Diễn đàn "Phát triển sản xuất cây ăn quả đạt tiêu chuẩn phục vụ nội tiêu và xuất khẩu".

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, năm 2024, diện tích cây ăn quả cả nước đạt hơn 1,3 triệu ha, trong đó vùng Trung du và miền núi phía Bắc chiếm 21%, đứng thứ hai sau Đồng bằng sông Cửu Long, là vùng có tiềm năng lớn, đa dạng chủng loại và mang tính đặc sản cao. Sản lượng cây ăn quả đóng góp quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 7,1 tỷ USD.
Trên toàn vùng, đã hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn quả hàng hóa tập trung, quy mô lớn, phục vụ chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu như: Vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang - nay là Bắc Ninh); Cam, bưởi ở Hà Giang, Tuyên Quang, Hòa Bình, Phú Thọ; Mận Mộc Châu, Vân Hồ (Sơn La), Bắc Hà (Lào Cai); Na Chi Lăng (Lạng Sơn)...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ Bùi Duy Linh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Nhiều sản phẩm đã chiếm tỷ trọng lớn về diện tích, sản lượng và từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường quốc tế. Một số đặc sản như vải thiều, bưởi Diễn, bưởi Tân Lạc, chuối, mận... đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, Australia, EU và Mỹ, được người tiêu dùng đánh giá cao và có tiềm năng mở rộng thị trường. Nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, có mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và bước đầu tiếp cận thị trường xuất khẩu. Các mô hình kinh tế vườn, hợp tác xã, tổ hợp tác ngày càng phát triển.
Ông Trần Văn Thơ, Phó Giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Phú Thọ cho biết, Phú Thọ là một trong những tỉnh trọng điểm của vùng Trung du và miền núi phía Bắc với gần 32.000 ha cây ăn quả chủ lực như bưởi, cam, chuối, vải, nhăn...), trong đó, bưởi đạt trên 11.900 ha, chuối 5.500 ha, cam - quýt 4.000 ha. Tỉnh đã cấp hơn 370 mã số vùng trồng và xây dựng hàng chục cơ sở đóng gói, sản phẩm OCOP, một số sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và EU. Các mô hình sản xuất ứng dụng VietGAP, tưới tiết kiệm, sử dụng phân hữu cơ vi sinh, quản lý dịch hại tổng hợp IPM… đang ngày càng được nhân rộng, góp phần nâng cao chất lượng và năng suất cây trồng.

Phó Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp tỉnh Sơn La Ngần Thị Minh Thanh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Tỉnh đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với vùng sản xuất tập trung đã tạo thuận lợi cho việc tổ chức sản xuất, áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật, cơ giới hóa, một số vùng có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho hiệu quả tăng 15 - 20% so với sản xuất đại trà như: liên kết sản xuất chuối phục vụ xuất khẩu tại xã Vĩnh Chân, hiệp hội sản xuất và kinh doanh bưởi đặc sản Đoan Hùng...
Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, hiện nay, sản xuất cây ăn quả tại vùng Trung du miền núi phía Bắc đối mặt với nhiều thách về thiếu vốn, kỹ thuật và tiêu chuẩn hóa sản phẩm, thiếu vùng nguyên liệu quy mô lớn, đồng nhất về giống và kỹ thuật, phần lớn vùng trồng chưa được quy hoạch bài bản, phân tán theo địa hình, địa giới hành chính, không thuận lợi để cơ giới hóa hoặc xây dựng mô hình chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, các thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc áp dụng những yêu cầu khắt khe về kiểm dịch, mã số vùng trồng và quy trình canh tác sạch. Trong nước, người tiêu dùng ngày ưu tiên các sản phẩm sạch, đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ hay các sản phẩm được xếp hàng OCOP, tạo ra động lực nhưng cùng là áp lực cho các địa phương và nông hộ trong việc thay đổi phương thức canh tác.

Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển cây có múi (Viện nghiên cứu Rau quả) Cao Văn Chí trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Tại diễn đàn, các nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp, quản lý đã đối thoại, trao đổi trực tiếp các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển cây ăn quả vùng Trung du và miền núi phía bắc. Trong đó, trọng tâm là vấn đề đề kết nối, tiêu thụ sản phẩm, các vấn đề về giống cây trồng, kỹ thuật trồng cây ăn quả, công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến để phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả bền vững; vấn đề tiêu chuẩn chất lượng nông sản cho doanh nghiệp, nhà máy chế biến phục vụ nội tiêu và xuất khẩu.
Đại diện một số nông dân, hợp tác xã đã kiến nghị các chuyên gia hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc xử lý sâu bệnh trên cây ăn quả có múi; cách thức sử dụng chế phẩm sinh học; phương pháp nhân giống tốt nhất hiện nay là ghép giống; công nghệ bảo quản sau thu hoạch; khắc phục hiện tượng rụng quả bưởi non, khô tép; quy định về sản xuất giống, kinh doanh giống; sản xuất nông nghiệp an toàn VietGAP, việc cấp mã số vùng trồng và duy trì nhãn hiệu tập thể sản phẩm…

Các đại biểu tham dự diễn đàn. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Diễn đàn đã đánh giá đầy đủ thực trạng và tiềm năng phát triển sản xuất cây ăn quả tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Diễn đàn cũng đã giúp cho người sản xuất và nông dân hiểu rõ hơn về các yếu tố kỹ thuật cần tác động trong quá trình sản xuất; các biện pháp tổ chức sản xuất quy mô hàng hóa, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng, sản lượng cũng như năng lực cạnh tranh của ngành hàng cây ăn quả, thúc đẩy liên kết giữa các các bên trong chuỗi giá trị cây ăn quả.
Trong khuôn khổ diễn đàn, chiều ngày 17/7, Đoàn đại biểu đã đi tham quan mô hình "Thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng bưởi Đoan Hùng" tại xã Chân Mộng, tỉnh Phú Thọ./.