Tỉnh Hậu Giang đang bước vào cao điểm mùa khô, nguy cơ xảy ra cháy tại các khu rừng trên địa bàn hiện ở mức cao (cấp III). Ngành chức năng và đơn vị chủ rừng chủ động tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng nhằm giữ an toàn cho những “lá phổi xanh”.

Với gần 2.713 ha, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (huyện Phụng Hiệp) là nơi có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Hậu Giang. Bước vào cao điểm mùa khô, khu bảo tồn thành lập các tổ phục vụ phòng cháy, chữa cháy rừng gồm: trực tháp canh, trực camera, hậu cần, tuần tra bảo vệ rừng, máy chữa cháy và tổ tuyên truyền cùng lực lượng quần chúng.
Ông Lư Xuân Hội - Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng cho biết, đơn vị đang thực hiện ứng trực phòng cháy kể cả ngày thứ 7 và chủ nhật theo thông báo cáp dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên. Vào lúc cao điểm mùa khô năng nóng kéo dài sẽ tăng thời gian ứng trực từ 9 giờ đến 21 giờ. Hằng năm, trước mùa khô, đơn vị tổ chức dọn dẹp ở các tuyến bờ có vật liệu cháy cao nhằm làm giảm khả năng cháy lan xuống rừng và tạo đường băng cản lửa khi có cháy xảy ra; thường xuyên kiểm tra độ ẩm chân rừng, mở cống đưa nước vào khi thủy triều lên, đắp đập giữ nước khi thủy triều xuống, giữ ẩm thường xuyên hạn chế thực bì chết khô tăng vật liệu cháy trong rừng.

Đồng thời, Khu bảo tồn thường xuyên bảo quản, bảo dưỡng máy chữa cháy đảm bảo máy móc, thiết bị chữa cháy chuẩn bị sẵn sàng trên phương tiện vận chuyển và hoạt động tốt; thực tập vận hành máy chữa cháy và thao tác chữa cháy nhằm nâng cao kỹ năng chữa cháy; tổ chức tuyên truyền về các vấn đề bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và động vật hoang dã; tuyên truyền phương án phòng cháy, chữa cháy rừng đến người dân khu vực xung quanh và học sinh.
Ngoài đơn vị chủ rừng, ngành chức năng huyện Phụng Hiệp thực hiện tốt khâu tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng đến người dân với nội dung thiết thực, ngắn gọn, dễ hiểu; rà soát, bổ sung vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng ngoài thực địa vào bản đồ phân vùng trọng điểm; tổ chức phân công ứng trực và báo cáo công tác phòng cháy, chữa cháy rừng khi dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên; thường xuyên cập nhật kịp thời cấp dự báo cháy rừng đến người dân, chủ rừng.

Theo ông Trần Thanh Phong - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Phụng Hiệp, Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy rừng huyện đã tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn bằng nhiều hình thức; chỉ đạo các xã, thị trấn, đồng thời phối hợp chủ rừng phân vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng ngoài thực địa là trên 1.253 ha; phối hợp công an xã, thị trấn tổ chức tập huấn, hướng dẫn những vấn đề cơ bản về phòng cháy, chữa cháy rừng.
Cùng đó, tổ chức lực lượng liên ngành gồm kiểm lâm, công an, quân sự để kiểm tra ngăn chặn các đối tượng ra vào rừng trái phép để săn bắt động vật rừng, thủy sản ở những điểm nóng dễ xảy ra cháy rừng, đến nay, chưa phát hiện đối tượng vào rừng trái phép.

Hậu Giang có trên 5.883 ha đất rừng, trong đó 3.776 ha diện tích có rừng.Có 4 đơn vị có diện tích rừng lớn gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, Công ty CP Nông nghiệp Mùa Xuân Hậu Giang, Công ty CP Đầu tư du lịch Miền Nam, Khu du lịch sinh thái Việt - Úc Hậu Giang và một số diện tích rừng trồng phân tán của hộ dân, tập trung ở thành phố Vị Thanh, thành phố Ngã Bảy, thị xã Long Mỹ, huyện Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp. Theo Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2023 – 2025, diện tích khoanh vùng trọng điểm dễ xảy ra cháy được xác định là 1.656 ha.
Ông Huỳnh Thế Anh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Kiểm lâm tỉnh Hậu Giang thông tin, từ đầu mùa khô đến nay, đội kiểm lâm cơ động về phòng cháy, chữa cháy rừng của tỉnh và cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn thường xuyên phối hợp với các đơn vị chủ rừng thực hiện tuần tra, xác định mục trắc, độ ẩm, mực nước dưới chân rừng. Kiểm tra thực tế cho thấy, thực bì tại một số khu vực gò cao trong rừng đã khô, mực nước dưới chân rừng khá thấp. Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có xuất hiện một số cơn mưa trái mùa, tuy nhiên, sau khi dứt mưa thì nắng lại gay gắt hơn, các cơn mưa cũng rửa trôi phần bùn bám trên lớp thực bì làm nguy cơ xảy ra cháy cao hơn.

Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đề nghị Ban chỉ đạo Phòng cháy, chữa cháy rừng các địa phương tiếp tục triển khai, nắm bắt thông tin, quy định về phòng cháy chữa cháy rừng; rà soát các vùng trọng điểm để tiếp tục tổ chức tuyên truyền bằng nhiều hình thức.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tuần tra, kiểm tra liên ngành; cắm bảng cấm lửa ở những nơi người dân sản xuất nông nghiệp gần khu vực rừng. Tổ chức thực tập chữa cháy rừng, rà soát các lực lượng tham gia chữa cháy, phương tiện di chuyển thiết bị chữa cháy để có thể huy động kịp thời khi xảy ra cháy.
Bên cạnh đó, khuyến cáo các chủ rừng tranh thủ khi có triều cường dâng cao thì đưa nước vào rừng để tăng độ ẩm dưới chân rừng nhằm chuẩn bị tốt cho công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. Đối với các hộ dân sống xung quanh rừng cần chấp hành nghiêm những nội quy, quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng góp phần không để xảy ra cháy rừng.
Hồng Thái