Những năm qua người Xơ Đăng ở đỉnh núi Ngọc Linh đã chung tay cùng chính quyền địa phương không chỉ bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh mà còn xác định đây là cây giúp người dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình.

Tu Mơ Rông là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum. Toàn huyện có gần 30.000 dân, trong đó người Xơ Đăng chiếm hơn 96% dân số. Hiện, địa phương này đã trồng được gần 2.900 ha sâm, trong đó người dân trồng gần 87 ha. Sâm Ngọc Linh được người dân trồng ở 9 xã trong huyện gồm: Măng Ri, Tê Xăng, Ngọk Lây, Ngọk Yêu, Tu Mơ Rông, Văn Xuôi, Đăk Na, Đăk Sao, Đăk Hà.
Anh A Blinh, ở xã Đăk Na, cho biết: Người dân muốn trồng sâm nhưng giá hạt giống cao nên những người còn khó khăn không có tiền mua. Tuy nhiên, chính quyền hỗ trợ giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng nên người dân đã bắt đầu sở hữu vườn cây riêng. Với cây sâm này, anh tin tưởng sẽ giúp gia đình và người dân nơi đây vươn lên thoát nghèo, làm giàu.
Bước vào vụ trồng năm 2025, theo thống kê của ngành chức năng huyện Tu Mơ Rông, người Xơ Đăng đã tích cực chuẩn bị nguồn giống để trồng mới hơn 50ha sâm. Nguồn giống dân chủ động thu hạt của vườn để ươm cây mới.
Bên cạnh đó, người dân còn chủ động vay vốn để trồng sâm. Đến nay, người dân trong huyện đã vay khoảng 100 tỷ đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng sâm. Đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện việc người Xơ Đăng đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.
Là thanh niên trẻ, dám nghĩ, dám làm, được sự hỗ trợ, giúp đỡ, động viên của chính quyền, anh A Sơn, ở làng Pu Tá, xã Măng Ri, đã mạnh dạn vay vốn trồng sâm và đến nay đã sở hữu vườn sâm có hàng nghìn cây. Cụ thể, năm 2018, A Sơn vay 50 triệu đồng mua 40 cây sâm giống 3 năm tuổi; huy động vốn trong nhà để đầu tư thêm.
A Sơn cho hay, sâm giống 3 năm tuổi giá cao nhưng chỉ 1 năm là mình có thể thu hạt để ươm cây con. Giờ vườn cây giống ban đầu đã vào độ “chín” cho thu hạt. Gia đình đã chủ động được nguồn giống để mở rộng diện tích. Ngoài ra, hằng năm, tôi còn bán hạt giống để tăng thu nhập, đảm bảo đủ trang trải cuộc sống.

Công nhân Công ty cổ phần sâm Ngọc Linh Kon Tum đang nhổ sâm giống tại vườn ươm để đi trồng (ảnh tư liệu).
Bên cạnh sự chủ động từ dân, những năm qua, huyện Tu Mơ Rông cũng lồng ghép nhiều chương trình, mục tiêu quốc gia, huy động các nguồn lực xã hội hóa nhằm giúp người dân có thêm nguồn để đầu tư, phát triển diện tích sâm cho riêng mình. Trong giai đoạn 2021-2025, huyện đã định hướng cho các xã có thế mạnh phát triển cây sâm, xây dựng các chuỗi liên kết, dự án cộng đồng để hỗ trợ cho nhân dân phát triển cây sâm quý này.
Cùng đó, các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn không chỉ tạo việc làm giúp dân mà còn chung tay cùng chính quyền hỗ trợ dân phát triển vườn sâm cho riêng mình. Cụ thể, doanh nghiệp ngoài việc nhận người Xơ Đăng ở các xã vào làm công nhân, còn hỗ trợ cây giống, cho phép trồng sâm trên diện tích đất mình.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông cho biết: Sau 20 năm hình thành và phát triển, đến nay người Xơ Đăng trên địa bàn huyện đã có sự thay đổi lớn về tư duy và cách làm. Người dân không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà đã chủ động vay vốn để phát triển sản xuất, trong đó chủ yếu là trồng sâm Ngọc Linh. Đây là tín hiệu đáng mừng. Huyện cũng nỗ lực hỗ trợ người dân sở hữu vườn sâm và mở rộng diện tích trồng trong dân để cây sâm trở thành một sinh kế là định hướng giúp dân thoát nghèo, làm giàu bền vững ở tương lai.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tu Mơ Rông chia sẻ: Tu Mơ Rông chính là “cái nôi” sản sinh ra nhiều tỷ phú Xơ Đăng nhờ sâm Ngọc Linh. Sự phát triển bền vững của cây sâm không chỉ cải thiện đời sống người dân mà còn bảo vệ tài nguyên thiên nhiên quý giá. Sâm Ngọc Linh không chỉ giúp cải thiện kinh tế ở Tu Mơ Rông mà còn góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững./.