Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX xác định, phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2020-2025.

Quang cảnh xã miền núi Long Hiệp, huyện Minh Long (Quảng Ngãi).
Phù hợp với định hướng này, những năm gần đây, tỉnh Quảng Ngãi đã và đang thực hiện nhiều chính sách và giải pháp nhằm ổn định và cải thiện đời sống người dân vùng núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Các nỗ lực này đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần thay đổi diện mạo khu vực miền núi của tỉnh.
Phát triển hạ tầng vùng núi
Năm 2025, năm cuối cùng thực hiện kế hoạch kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2020-2025, tỉnh Quảng Ngãi tích cực triển khai nhiều chương trình, chính sách nhằm phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt vùng miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ các nguồn lực của Trung ương, địa phương và nguồn xã hội hóa, nhiều khu tái định cư được chính quyền đầu tư xây dựng, giúp người dân ổn định chỗ ở, yên tâm lao động, sản xuất.

Khu định cư Nóc Ông Đến dành cho đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Trà Giang, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi.
Được đầu tư gần 13 tỷ đồng, khu tái định cư Nóc Ông Đến thuộc xã Trà Giang, huyện Trà Bồng phục vụ tái định cư cho 14 hộ dân là đồng bào Cor. Dọn về nơi ở tại khu tái định cư, ông Hồ Văn Thắng ở xã Trà Giang, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi phấn khởi cho biết: Hồi trước gia đình ông ở trên núi quá khó khăn. Từ khi chuyển về ở khu tái định cư mới, ông và người dân nơi đây được tạo điều kiện về nhiều mặt để ổn định cuộc sống, giờ sống gần đường, trường học thấy cuộc sống tốt hơn. Được Đảng và Nhà nước quan tâm làm mặt bằng, làm nhà ở, bà con rất phấn khởi.
Hiện tỉnh Quảng Ngãi huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho người dân ở khu vực miền núi, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài khu tái định cư Nóc Ông Đến, tỉnh đang triển khai xây dựng 10 dự án định cư, định canh để bố trí cho các hộ gia đình dân tộc thiểu số và vùng núi chưa có đất ở, nằm trong vùng nguy cơ sạt lở. Qua nguồn vốn của chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bình vững, tỉnh Quảng Ngãi đã hỗ trợ sửa chữa cho hơn 2.300 hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở 2 huyện nghèo của tỉnh là Sơn Tây và Trà Bồng. Mỗi ngôi nhà xây mới được hỗ trợ 46 triệu đồng, sửa chữa là 23 triệu đồng.
Bên cạnh việc xây dựng các khu tái định cư, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như đường giao thông, điện, nước, trường học, trạm y tế cũng được chú trọng để đáp ứng nhu cầu của người dân. Trong chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đầu tư hơn 2.600 tỷ đồng. Trong đó, địa phương tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu như giao thông, thủy lợi, nước sạch. Nhiều công trình cầu, đường được xây mới và nâng cấp, giúp kết nối vùng sâu, vùng xa với trung tâm, tạo thuận lợi cho giao thương, vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.

Những ngôi nhà mới khang trang được xây dựng ở xã vùng cao Long Môn, huyện Minh Long (Quảng Ngãi).
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, đến nay 100% xã miền núi của tỉnh đã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa, cứng hóa; 95,5% thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% xã có trạm y tế, trường học được kiên cố hóa; 100% xã có điện lưới quốc gia; công trình thủy lợi, chợ, công trình cấp nước sinh hoạt, công trình điện từng bước được đầu tư đồng bộ; tỷ lệ dân được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 98%; tỷ lệ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 91%. Việc phát triển kết cấu hạ tầng ở các huyện miền núi đã đạt kết quả tích cực, có nhiều khởi sắc, đời sống người dân ngày càng được cải thiện.
Ngoài phát triển hạ tầng miền núi, tỉnh còn hỗ trợ phát triển các ngành nghề sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với điều kiện của từng địa phương, giúp đồng bào miền núi tự chủ về kinh tế.
Đa dạng sinh kế

Người dân xã vùng cao Long Môn, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) được hỗ trợ sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Khi có chỗ ở để an cư, các hộ nghèo, cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được địa phương hỗ trợ cây và con giống phát triển sản xuất để thoát nghèo. Những năm gần đây, các chương trình, dự án này chủ yếu được hỗ trợ, triển khai theo hình thức nhóm hộ, tổ cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương và nhu cầu của người dân.
Tại xã miền núi Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà, từ các nguồn vốn của Trung ương, của tỉnh, trong 3 năm trở lại đây, xã đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ sản xuất cộng đồng. Hơn 100 hộ dân, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ bò, heo bản địa và chăn nuôi theo hình thức tổ nhóm. Mỗi tổ đều có trưởng nhóm là những người có kinh nghiệm, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ cách chăm sóc vật nuôi cho bà con. Nhiều người đã chủ động tương trợ, giúp nhau cùng tiến bộ.
Anh Phạm Văn Liên, một trong những hộ gia đình ở thôn Ta Gầm, xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà đã chọn chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình và đang làm nhóm trưởng nhóm chăn nuôi bò ở thôn Ta Gầm cho biết, các hộ chăn nuôi luôn vệ sinh chuồng trại theo hướng dẫn của trưởng nhóm, như rải vôi, hoặc khi bò ốm thì báo cáo cho nhóm trưởng để báo cáo thú y xã.
Trong giai đoạn 2021-2025, thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai 166 dự án, chủ yếu tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng. Những dự án mang lại nguồn thu nhập thiết thực, góp phần thay đổi tư duy sản xuất, tăng cường sự liên kết và chủ động làm kinh tế trong cộng đồng dân cư.

Người dân xã vùng cao Long Môn, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) được hỗ trợ phát triển chăn nuôi.
Ông Đinh Văn Diết, Chủ tịch UBND huyện Minh Long cho biết, ngoài hỗ trợ con giống, vật nuôi cho bà con, huyện còn triển khai hỗ trợ gián tiếp thông qua việc tuyên truyền vận động người dân nâng cao nhận thức, hỗ trợ tiếp cận vốn vay từ ngân hành chính sách xã hội, giúp người dân từng bước khôi phục kinh tế và ổn định đời sống.
Tỉnh Quảng Ngãi tập trung nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi, góp phần đáng kể vào việc thay đổi "bộ mặt" vùng miền núi, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân./.