Chiều 16/4, tại Khu du lịch Suối Chí, xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội nghị tìm giải pháp phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan chú trọng giải quyết những vấn đề như: tập trung vốn của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển du lịch; thu hút các doanh nghiệp, phát triển, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đầu tư điểm dừng, nghỉ, bán hàng đặc sản trên các tuyến đường bộ; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực du lịch; đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch...
Tại Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Văn Thành cho biết, Quảng Ngãi là địa phương có những tiềm năng phát triển các sản phẩm về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch biển đảo… Những năm qua, lượng khách du lịch đến Quảng Ngãi liên tục tăng. Cụ thể, nếu năm 2010, chỉ có 330.000 lượt khách, thì năm 2015 đạt 650.000 lượt, năm 2018 cán mốc 1 triệu lượt, đến năm 2019 tăng lên 1,14 triệu lượt. Dù sau năm 2020, lượng khách giảm xuống do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng năm 2024 tỉnh đã đón hơn 1,44 triệu lượt khách. Quảng Ngãi đã có nhiều nỗ lực trong việc khai thác tiềm năng du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp và nông thôn. Các điểm đến như Khu du lịch cấp tỉnh Suối Chí, làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ, Bình Châu, Tịnh Khê... đã dần khẳng định sức hút, góp phần làm phong phú thêm bức tranh du lịch của tỉnh.

Tại Hội nghị, đại diện các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đã tập trung trao đổi, thảo luận, gợi mở và đưa ra các giải pháp, định hướng để phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tại Quảng Ngãi, trong đó tập trung vào các nội dung như: Du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển du lịch nông thôn gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới...
Chủ tịch Liên minh Chuỗi giá trị du lịch Quảng Ngãi Nguyễn Thị Diễm Kiều cho rằng, bên cạnh những tiềm năng, lợi thế thì hạ tầng phục vụ du lịch của tỉnh còn hạn chế, kĩ năng làm du lịch của người dân chưa chuyên nghiệp... Do vậy, để du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững, các cơ quan hữu quan cần nâng cấp hạ tầng giao thông, cơ sở lưu trú và các dịch vụ hỗ trợ khác để đáp ứng nhu cầu của du khách; chú trọng bảo vệ môi trường, giữ gìn cảnh quan thiên nhiên và bản sắc văn hóa địa phương trong quá trình phát triển du lịch; đồng thời, xây dựng các tour, tuyến du lịch trải nghiệm gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp như tham quan trang trại, tham gia các hoạt động sản xuất, thu hoạch mùa vụ, chế biến sản phẩm nông sản truyền thống...
Giám đốc Công ty Du lịch Viettravel chi nhánh Quảng Ngãi Hoàng Thị Thu Sen cho rằng, từ thực trạng về tài nguyên du lịch nói chung và sản phẩm dịch vụ phục vụ cho du lịch nói riêng, Quảng Ngãi cần kết nối các điểm đến với nhau theo chủ đề, giúp du khách có trải nghiệm đa dạng nhưng hợp lý về thời gian và chi phí. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung vào sản phẩm có trải nghiệm thực sự “gây thương nhớ” để lại dấu ấn cho du khách.

Bà Trần Thị Trúc Ly, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn SUNGCO (Quảng Ngãi) cho rằng, muốn phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn bền vững cần có giải pháp thiết kế sản phẩm du lịch theo từng thời điểm nhằm hạn chế tính thời vụ trong phát triển du lịch tại địa phương. Ngoài ra, các địa phương có nguồn tài nguyên du lịch nên thành lập hợp tác xã cộng đồng điều phối để hài hòa lợi ích, trách nhiệm giữa các bên liên quan, đảm bảo công tác bảo tồn tài nguyên, văn hóa, môi trường... hướng đến phát triển bền vững.
Đinh Hương