Là địa phương có 1.008 km đê lớn nhỏ, Thanh Hóa được xếp vào những địa phương có chiều dài đê lớn nhất cả nước. Năm nay, Thanh Hóa còn 42 vị trí đê và kè, cống trên đê được xác định là trọng điểm xung yếu về đê điều cần được bảo vệ.

Kè chống sạt lở bờ hữu sông Bưởi thuộc tuyến đê bao Thạch Định, thôn Định Hưng, xã Kim Tân (Thanh Hóa). Ảnh: TTXVN phát
Nhằm bảo đảm an toàn hệ thống đê điều trước thiên tai dị thường, đặc biệt là lũ, bão…, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực triển khai các phương án đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão năm 2025.
Đê sông Bưởi có tổng chiều dài 37,2 km được đánh giá là tuyến đê xung yếu, phòng lũ cho hơn 100.000 người dân của huyện Thạch Thành (cũ). Hàng năm, lũ trên sông Bưởi thường hình thành do ảnh hưởng hoàn lưu sau bão, do mưa lớn tập trung trên thượng nguồn thuộc tỉnh Hòa Bình kết hợp với lượng mưa nội đồng lớn. Phía hạ lưu sông là hợp lưu của sông Mã và sông Bưởi nên khi các sông có lũ lớn cùng xảy ra vào một thời điểm dễ gây ngập úng trên diện rộng.
Để chủ động phòng, chống, ứng phó kịp thời, hiệu quả mọi tình huống thiên tai, ngay từ đầu năm 2025 huyện Thạch Thành (cũ) đã xây dựng, lập phương án sơ tán dân trên cơ sở đã xác định chính xác số dân và số hộ sống ngoài bãi sông, các khu vực có nguy cơ ngập úng, sạt lở cao, địa điểm sơ tán cho từng thôn, bố trí đủ phù hợp với số lượng người dân phải sơ tán. Đồng thời, tổ chức xây dựng lực lượng cứu hộ, sơ tán dân với lực lượng nòng cốt là lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã và tổ xung kích các thôn, khu phố đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người.
Ông Nguyễn Đức Luận, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng khu vực Thạch Thành cho biết, trên cơ sở tổ chức lại ban quản lý cấp huyện, thời gian qua Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng khu vực Thạch Thành đã triển khai các phương án đầu tư xây dựng, tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đê điều có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão năm 2025.
Đến nay, kè chống sạt lở bờ hữu sông Bưởi thuộc tuyến đê bao Thạch Định, thôn Định Hưng, Định Tân xã Thạch Định (cũ) và kè chống sạt lở bờ tả sông Bưởi xã Thành Hưng (cũ) - nay là xã Kim Tân - đều đã hoàn thành, đảm bảo an toàn cho hơn 3,2 km đê xung yếu trên sông Bưởi.

Trạm bơm Hoằng Khánh thuộc K29+515, đê tả sông Mã (xã Hoằng Xuân, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: TTXVN phát
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa, trong những năm qua, các tuyến đê trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư tu bổ cơ bản đáp ứng được yêu cầu phòng, chống lũ. Tuy nhiên, việc đầu tư chưa được đồng bộ, khép kín nên hiện nay trên các tuyến đê từ cấp I đến cấp III ở các địa phương trong tỉnh vẫn còn 100/315 km đê có cao trình thấp hơn quy hoạch, nhiều đoạn mặt đê còn hẹp, chưa đảm bảo chiều rộng tối thiểu từ 6m trở lên.
Đối với đê dưới cấp III còn 145 km đê chưa đảm bảo chống lũ theo cao trình thiết kế, 57 km mặt đê nhỏ chưa đủ chiều rộng tối thiểu (dưới 3,5m), 291 km đê chưa được cứng hóa. Còn lại là các tuyến đê bao, đê chưa phân cấp; nhiều đoạn đê có nền đê yếu, nhiều đoạn thân đê cao trên 5m dễ xảy ra sạt trượt khi có mưa lũ, trong thân đê ẩn chứa nhiều ẩn họa như tổ mối, hang chuột...
Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa đã phối hợp với các địa phương xây dựng 42 phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu về đê điều (với 1 trọng điểm cấp tỉnh và 41 trọng điểm cấp xã, phường), trong đó có 16 trọng điểm trên đê từ cấp III đến cấp I; 26 trọng điểm trên đê cấp IV và V cũng như chuẩn bị đầy đủ điều kiện để sẵn sàng triển khai ứng phó với mưa lũ.
Trưởng Phòng Quản lý đê điều Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa) Đỗ Minh Chính cho biết: Hàng năm, trước mùa mưa bão, đơn vị luôn phối hợp cùng các địa phương, sở ngành tổ chức thực hiện tổng kiểm tra, đánh giá, rà soát hiện trạng công trình đê điều trên địa bàn để xác định các trọng điểm xung yếu và xây dựng phương án hộ đê, phương án bảo vệ trọng điểm trong mùa mưa bão.
Từ đó, dự tính khả năng có thể xảy ra sự cố từng vị trí xung yếu khi có lũ, bão và nhận định mức độ nguy hiểm về đê, kè, cống dưới đê. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án hộ đê, cứu hộ đê toàn tuyến và phương án ứng phó với trường hợp lũ lớn vượt tần suất thiết kế.
Bên cạnh việc xây dựng phương án, xác định vị trí xung yếu trong năm 2025, tỉnh Thanh Hóa đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương quan tâm và ưu tiên bố trí nguồn vốn để đầu tư, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng nhiều vị trí, tuyến đê, đảm bảo công tác phòng, chống, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Xử lý khẩn cấp cống Nổ Thôn tại K26+711 tuyến đê tả sông Mã, xã Biện Thượng, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN phát
Tính đến trung tuần tháng 7/2025, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn 40 công trình đê điều đang thi công, phục vụ công tác phòng, chống lụt bão. Trong đó có 13 công trình đạt khối lượng thi công từ 80% trở lên, 21 công trình đạt khối lượng thi công từ 30 - 80% và có 6 công trình thi công đạt khối lượng dưới 30%.
Một số dự án, công trình mới được triển khai thi công xây dựng, khối lượng thực hiện ước đạt dưới 30% tổng khối lượng như: Nâng cấp tuyến đê hữu Cẩm Lũ đoạn từ K4+070 -:- K5+550 thuộc xã Hoằng Xuyên cũ (nay là xã Hoằng Sơn); Xử lý sự cố sụt lún mái dốc lên đê phía đồng từ K51+800 - K52+060 đê hữu sông Mã phường Quảng Phú; Xây dựng kè chống sạt lở đê tả sông Hoạt, xã Hà Vinh cũ (nay là phường Bỉm Sơn)… đều được các đơn vị xây dựng phương án phòng chống lũ, bão theo quy định.
Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa đã có công văn đề nghị Chủ tịch UBND các xã, phường có dự án, công trình đang triển khai thi công phải chỉ đạo nhà thầu thi công và các đơn vị có liên quan tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các hạng mục công trình đảm bảo chất lượng, đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” như phương án phòng chống lũ bão đã được duyệt; khi có mưa lũ phải trực thường xuyên 24/24h để chủ động, sẵn sàng ứng cứu khi có tình huống xấu xảy ra.
Ông Khương Anh Tấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Phó Chánh Văn phòng thường trực chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa cho biết, ngay sau khi mô hình chính quyền địa phương 2 cấp đi vào hoạt động, các xã, phường mới đã tập trung ngay vào các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng chống thiên tai, hoàn thành tất cả công tác chuẩn bị phòng chống thiên tai năm 2025, bao gồm chuẩn bị vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ” cũng như xây dựng, cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, phê duyệt đầy đủ các phương án, kế hoạch về công tác phòng chống thiên tai theo quy định xong trước ngày 20/7/2025./.