Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn

Ngày 20/2, Thủ tướng Chính phủ có Công điện 17/CĐ-TTg về việc tích cực, chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thương mại bền vững đáp ứng các chính sách xanh của Liên minh châu Âu.

potal-tiem-nang-phat-trien-kinh-te-tuan-hoan-tu-phu-pham-lua-gao-7418406.jpg
Rơm trên đồng được cuộn để tái sử dụng trong trồng nấm - mô hình kinh tế tuần hoàn giúp giảm phát thải khí nhà kính hiệu quả. Ảnh: Thu Hiền - TTXVN

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Lao động, Thương binh và Xã hội; Ngoại giao; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường; Xây dựng; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chủ tịch các Hiệp hội ngành hàng, Tổng giám đốc các Tổng công ty, Tập đoàn.

Công điện nêu rõ: Trong những năm gần đây, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được đẩy mạnh góp phần thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu đạt 51,66 tỷ USD trong năm 2024, tăng 18,5% so với năm 2023 và là đối tác Việt Nam luôn đạt thặng dư thương mại cao. Với tác động tích cực có ý nghĩa của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), triển vọng xuất khẩu sang thị trường EU ngày càng lớn mạnh, kéo theo đó là triển vọng thu nhập gia tăng của hàng chục triệu lao động tham gia chuỗi sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, hướng đến nền kinh tế xanh, tuần hoàn tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp đang đối mặt những thách thức mới đến từ các chính sách xanh của EU. Năm 2020, Ủy ban châu Âu đã thông qua Thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% lượng phát thải ròng vào năm 2030 so với năm 1990 và đạt trung hòa các-bon vào năm 2050. Thỏa thuận xanh châu Âu bao gồm các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động, văn bản chính sách, pháp luật cụ thể với các nội dung, chính sách, quy định ngày càng chặt chẽ đối với sản phẩm nhập khẩu và tiêu dùng theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững. Các thỏa thuận xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, song về lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường sản phẩm xanh, bền vững nhiều tiềm năng. Bởi vậy, việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phù hợp nhằm chủ động ứng phó và đáp ứng các chính sách xanh của EU là hết sức cấp thiết.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đẩy mạnh xuất khẩu và chuỗi bền vững đáp ứng các quy định, chính sách xanh của EU và các cam kết phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và biến đổi khí hậu của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp chủ động tổ chức triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp đã được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, trong đó tập trung thực hiện ngay một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:

Bộ trưởng Bộ Công Thương đẩy mạnh công tác xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy định, tiêu chuẩn phù hợp các cam kết, quy định, tiêu chuẩn quốc tế về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn; tập trung ưu tiên nghiên cứu các quy định, tiêu chuẩn liên quan kinh tế tuần hoàn, thiết kế sinh thái, quản lý hóa chất độc hại, quản lý chất thải và các quy định về hàm lượng tái chế đối với một số vật liệu đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn quốc tế.

Tập trung hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi xanh nhằm thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sang mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững; áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và sử dụng hiệu quả tài nguyên, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu tái chế, năng lượng tái tạo; hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp thiết kế đổi mới sản phẩm để có thể nâng cấp, sửa chữa, bảo trì, tái sử dụng và tái chế, kéo dài vòng đời sản phẩm; đẩy mạnh hỗ trợ áp dụng các công cụ đánh giá vòng đời sản phẩm, kiểm kê phát thải khí nhà kính nhằm đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn, quy định xanh của Liên minh châu Âu.

Đồng thời, Bộ Công Thương tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển của kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chú trọng nghiên cứu và phát triển các nguyên, nhiên vật liệu mới, tái chế, tái tạo; các hóa chất xanh, thân thiện môi trường nhằm tạo ra các sản phẩm bền vững.

Xây dựng, hỗ trợ các hoạt động chứng nhận, dán nhãn sinh thái đối với các sản phẩm bền vững đáp ứng yêu cầu thị trường và các quy định quốc tế; thúc đẩy xúc tiến thương mại, tổ chức các hội chợ xanh nhằm kết nối cung cầu các sản phẩm bền vững, các sản phẩm được dán nhãn sinh thái; thúc đẩy liên kết bền vững giữa các bên trong chuỗi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia các chuỗi bền vững trong nước và toàn cầu.

Cùng với đó, nâng cao năng lực, đào tạo phổ biến các quy định chính sách pháp luật trong nước và quốc tế; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng báo cáo phát triển bền vững, thực hiện quản trị môi trường xã hội đáp ứng yêu cầu quốc tế về báo cáo thông tin liên quan đến môi trường, phát thải khí nhà kính, các quy định, thủ tục quốc tế về khai báo, thông tin về các yếu tố “xanh, bền vững, hữu cơ” của sản phẩm; các quy định về hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số. Rà soát, nghiên cứu các chính sách xanh tại Thỏa thuận xanh châu Âu để kịp thời phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các văn bản chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu; tổ chức triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn; đẩy mạnh xây dựng hoàn thiện và triển khai các chính sách, quy định về quản lý chất thải, các quy định thu hồi đối với các sản phẩm thải bỏ, hết hạn sử dụng; các quy định nhằm hạn chế loại bỏ chất thải độc hại trong các sản phẩm… trong các lĩnh vực ngành chịu tác động lớn từ chính sách xanh của EU.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh tổ chức triển khai các chính sách, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất EPR, thúc đẩy áp dụng các giải pháp phân loại rác tại nguồn, tăng cường thu gom, thu hồi, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Tăng cường triển khai các chính sách, quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu, thúc đẩy áp dụng giải pháp phân loại rác tại nguồn, tăng cường thu gom, thu hồi, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế; hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng gắn yếu tố xanh, tuần hoàn, bền vững đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn quốc tế theo thẩm quyền. Chú trọng xây dựng và triển khai các nhiệm vụ nhằm thúc đẩy nghiên cứu, đổi mới ứng dụng các công nghệ, sử dụng nguyên nhiên vật liệu mới, tái chế, tái tạo góp phần thúc đẩy thu hồi, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải.

Bộ trưởng Bộ: Xây dựng, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động -Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành khác tập trung triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các văn bản chính sách pháp luật hiện hành về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Chú trọng công tác rà soát, đánh giá các quy định, chính sách xanh của EU, các quốc gia và khu vực quốc tế trong các lĩnh vực ngành được giao nhằm kịp thời đề xuất các giải pháp, hành động hỗ trợ doanh nghiệp; xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy định theo hướng gắn kết các yếu tố xanh bền vững; nguyên tắc về kinh tế tuần hoàn.

Ưu tiên triển khai các nhiệm vụ, hoạt động liên quan thu hồi, tái sử dụng và tái chế; thúc đẩy phát triển các nguyên vật liệu, sản phẩm, công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng tái tạo; sử dụng bền vững hiệu quả tài nguyên, các sản phẩm có thể nâng cấp, sửa chữa, bảo trì, tái sử dụng và tái chế.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao năng lực, phổ biến, hướng dẫn việc thực hiện các quy định, chính sách xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh, phát triển bền vững trong các lĩnh vực ngành thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của các Bộ.

Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương nhằm hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các mô hình bền vững về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, năng lượng tái tạo, sản xuất và tiêu dùng bền vững; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu đối với các sản phẩm bền vững, sản phẩm được dán nhãn sinh thái.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, ưu tiên triển khai các giải pháp, bố trí và huy động nguồn lực phù hợp trong việc triển khai các chương trình, nhiệm vụ liên quan đến phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Nghiên cứu, đánh giá các công cụ tài chính xanh của EU nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi xanh, thực hành sản xuất kinh doanh, thương mại và xuất khẩu bền vững đáp ứng các yêu cầu thực tiễn và quy định chính sách xanh, phát triển bền vững.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tổ chức triển khai các chính sách, kế hoạch hành động của địa phương về sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tăng trưởng xanh, trong đó ưu tiên triển khai các nhiệm vụ, hành động thúc đẩy phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu, thu hồi, tái sử dụng tái chế chất thải, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đổi mới ứng dụng công nghệ, áp dụng các mô hình bền vững, tuần hoàn; tạo điều kiện phát triển các mô hình khu công nghiệp, cụm công nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi tuần hoàn nhằm giải quyết các vấn đề cấp thiết về ô nhiễm môi trường, thúc đẩy sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, năng lượng, phát triển nguyên vật liệu tái chế, tái tạo.

Các tỉnh, thành phố phối hợp với các bộ, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp trong việc triển khai các chính sách, đề án, chương trình, kế hoạch về kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Đối với Chủ tịch các Hiệp hội ngành hàng, Tổng giám đốc các Tổng công ty, Tập đoàn, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Các Hiệp hội ngành hàng chủ động cập nhật, nắm bắt thông tin, nhu cầu thị trường, những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp thành viên trong sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu để đề xuất các cơ quan chức năng có các biện pháp tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời; tổ chức phổ biến, cung cấp thông tin, kết nối giữa doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức trong các hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững đáp ứng yêu cầu thực tiễn, các quy định chính sách xanh của EU.

Các Tập đoàn, Tổng công ty chú trọng xây dựng tiêu chí và nội dung về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn trong các chiến lược, kế hoạch và chính sách phát triển của doanh nghiệp; hợp tác với các bộ, ngành địa phương xây dựng, triển khai các sáng kiến về kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững; ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh nhằm đáp ứng các yêu cầu thị trường và các quy định pháp luật hiện hành; chủ động lựa chọn, sử dụng công nghệ bảo đảm tiêu chuẩn an toàn và thân thiện môi trường, góp phần sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên, thúc đẩy sử dụng nguyên vật liệu tái chế, năng lượng tái tạo, hạn chế chất thải, hóa chất độc hại phát sinh, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường; đào tạo nâng cao năng lực, khuyến khích các sáng kiến, phong trào thi đua nội bộ và thực hành sản xuất kinh doanh bền vững; tăng cường liên kết bền vững giữa doanh nghiệp với các bên nhằm thúc đẩy chuỗi bền vững, tuần hoàn.

Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn chỉ đạo việc triển khai, đôn đốc, xử lý vướng mắc trong quá trình thực hiện Công điện này.

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui”

Tổng Bí thư Tô Lâm dự Chương trình nghệ thuật “Đất nước trọn niềm vui”

Nhân dịp chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), tối 20/4, tại khuôn viên Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo tổ chức thực hiện Chương trình nghệ thuật: “Đất nước trọn niềm vui” truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và tiếp sóng trên các kênh truyền hình trong cả nước.

Hà Nội thống nhất phương án sắp xếp chi tiết 30 quận, huyện, thị xã

Hà Nội thống nhất phương án sắp xếp chi tiết 30 quận, huyện, thị xã

Ngày 20/4, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có văn bản thông báo về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Theo đó, thành phố Hà Nội với tổng diện tích gần 3.360 km2, 30 đơn vị hành chính cấp huyện và dân số khoảng hơn 8,5 triệu người, giảm từ 526 phường xã xuống còn 126.

Khẳng định giá trị Đại thắng mùa Xuân 1975, vững tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam

Khẳng định giá trị Đại thắng mùa Xuân 1975, vững tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam

Sáng 20/4 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam”.

Hợp nhất Khánh Hòa và Ninh Thuận sẽ tạo dư địa phát triển mạnh mẽ

Hợp nhất Khánh Hòa và Ninh Thuận sẽ tạo dư địa phát triển mạnh mẽ

Tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Cả nước còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó dự kiến sẽ hợp nhất hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Điều này được đông đảo cán bộ, các tầng lớp nhân dân đồng tình. Nhiều ý kiến cho rằng, việc hợp nhất sẽ tạo dư địa phát triển mạnh mẽ cho địa phương trong tương lai.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp phải khoa học, dân chủ, thực chất

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp phải khoa học, dân chủ, thực chất

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra sáng 16/4, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã trình bày báo cáo chuyên đề “Về sửa đổi Hiến pháp và pháp luật; Phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031”.

 Mùa Chôl Chnăm Thmây đặc biệt với đồng bào Khmer

Mùa Chôl Chnăm Thmây đặc biệt với đồng bào Khmer

Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của đồng bào Khmer. Năm 2025, lễ hội này diễn ra từ ngày 14-16/4, không chỉ là dịp để đồng bào Khmer sum vầy, vui đón Tết bên gia đình mà còn là cơ hội để tăng cường đoàn kết cộng đồng, chung tay xây dựng, phát triển quê hương, đất nước sau 50 năm thống nhất non sông.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Sàng lọc đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: Sàng lọc đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp

Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII đã quyết nghị tổ chức bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp: Cấp tỉnh và cấp xã. Sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã bảo đảm cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã so với hiện nay. Điều này đặt ra nhiều vấn đề về trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Đồng bào Khmer tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước

Đồng bào Khmer tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước

Chiều 13/4, Đoàn công tác Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do ông Y Thanh Hà Niê Kđăm, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc làm trưởng đoàn đến thăm và chúc Tết Chôl Chnăm Thmây tại Chùa Pô Thi Vongsa ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương chúc Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây ở Sóc Trăng

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể Trung ương chúc Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây ở Sóc Trăng

Ngày 11/4, Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam do ông Trần Thắng, Phó Bí thư Đảng ủy MTTQ Việt Nam, các đoàn thể Trung ương làm Trưởng đoàn đã đến thăm Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng, tặng quà các sư sãi, hộ nghèo, gia đình chính sách nhân dịp Tết Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer.