Tối 27/4, tại Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh thành phố Huế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND thành phố Huế tổ chức khai mạc Triển lãm "Không gian Du lịch, di sản văn hóa, danh thắng và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam". Triển lãm là hoạt động văn hóa ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, di sản thiên nhiên, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, niềm tự hào dân tộc.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đăng Chương, Giám đốc Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, triển lãm là một trong chuỗi những sự kiện của năm Du lịch quốc gia - Huế 2025 với chủ đề "Huế - Kinh đô xưa, vận hội mới", nhằm giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, danh lam thắng cảnh của đất nước và con người Việt Nam. Đây cũng là dịp để các đơn vị giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị của di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy liên kết vùng, nâng cao vị thế của du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Triển lãm giới thiệu đến công chúng nhiều nội dung trưng bày đặc sắc, gồm "Du lịch qua các miền di sản văn hóa và danh thắng Việt Nam" giới thiệu về đất nước, con người Việt Nam, những di sản được UNESCO vinh danh qua những bức ảnh đẹp, nghệ thuật của các nhiếp ảnh gia.

Nội dung "Các vùng kinh đô Việt Nam xưa và nay" giới thiệu hình ảnh du lịch và di sản văn hóa đặc sắc của các vùng từng là kinh đô như Phú Thọ, Ninh Bình, Thanh Hóa, Huế và Hà Nội. Không gian "Di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam" tập trung giới thiệu các di sản văn hóa dân tộc của các vùng trên đất nước Việt Nam thông qua trang phục truyền thống, không gian sinh hoạt, nghi lễ, nhạc cụ và nghề thủ công đặc trưng. Không gian "Lụa Việt Nam và Câu chuyện áo dài" giới thiệu về tơ lụa Việt Nam cũng như các bộ sưu tập áo dài qua từng thời kỳ để nâng tầm áo dài thành một "vật phẩm văn hóa" trong ngoại giao, phát triển văn hóa và du lịch Việt Nam đến với thế giới.

Đặc biệt, không gian "Du lịch di sản văn hóa và danh thắng" của 29 tỉnh/thành phố đại diện cho các vùng, miền trên toàn quốc, giới thiệu những di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử, lễ hội, danh thắng tiêu biểu; các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch; ẩm thực và sản vật tiêu biểu của các địa phương. Bên cạnh đó, tại triển lãm còn có khu trưng bày gốm Việt cổ; không gian văn hóa trà Việt; giới thiệu một số tác phẩm điêu khắc ánh sáng trong bộ sưu tập "Trầm tích kinh kỳ" của nghệ nhân trẻ Bùi Văn Tự.

Xuyên suốt các ngày diễn ra triển lãm là các chương trình nghệ thuật đặc sắc quy tụ các nghệ sĩ, nghệ nhân đến từ nhiều tỉnh, thành gồm các tiết mục mang đậm bản sắc của mỗi vùng miền như: Chương trình nghệ thuật "Lung linh những sắc màu Di sản", "Về miền Hương Ngự", "Nhịp sống trẻ", giao lưu nghệ thuật "Việt Nam quê hương tôi"; "Việt Nam vang khúc khải hoàn"… Triển lãm diễn ra đến hết ngày 1/5.

Tường Vi