Sau những năm đầu thống nhất đất nước và 33 năm tái lập tỉnh (1/4/1992-1/4/2025), hạ tầng giao thông ở Ninh Thuận chưa được đầu tư nhiều. Mạng lưới giao thông chưa được trải đều, chỉ gói gọn chưa đến 500 km và tập trung chủ yếu ở nội ô Phan Rang - Tháp Chàm với những tuyến đường cũ, mặt cắt ngang nhỏ hẹp, xuống cấp…, đã kìm hãm đáng kể sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tỉnh xác định, giao thông là huyết mạch, xương sống cho sự phát triển. Ba năm trở lại đây, cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, UBND tỉnh Ninh Thuận đã huy động nhiều nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tạo kết nối liên vùng, mở rộng không gian phát triển mới năng động, hiệu quả.

Trải đều những tuyến đường
Điểm sáng phát triển của tỉnh Ninh Thuận trong những năm qua có sự đóng góp đáng kể từ hạ tầng giao thông. Mạng lưới giao thông ở tỉnh được trải đều khắp địa bàn, có tính kết nối cao, bảo đảm giao thông thông suốt quanh năm, phục vụ thiết thực cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận cho biết: Giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh đã huy động hơn 13.000 tỷ đồng để đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông. Đến nay, hệ thống mạng lưới giao thông đường bộ ở tỉnh gần như phát triển toàn diện, với tổng chiều dài trên 1.764 km; trong đó, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh có chiều dài 62 km (đưa vào hoạt động từ 30/4/2024), 3 tuyến quốc lộ đi qua tỉnh với chiều dài trên 174 km, 13 tuyến tỉnh lộ với chiều dài trên 362 km cùng hàng trăm tuyến đường liên huyện, liên xã… được cứng hóa.
Mật độ giao thông của tỉnh tăng từ 0,23 km/km2 năm 2000 lên 0,525 km/km2 năm 2025. Ngoài ra, hệ thống giao thông tĩnh như các bến xe, điểm đỗ xe buýt được cải tạo, nâng cấp đáp ứng yêu cầu phát triển.

Ninh Thuận cũng có tuyến đường sắt Thống nhất Bắc - Nam qua tỉnh dài 67 km, đi qua 5 ga do Trung ương quản lý, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa đi cả nước. Ngoài ra, tỉnh cũng có cảng biển nước sâu Cà Ná mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế đã được đưa vào khai thác (bến 1A tiếp nhận tàu 100.000 tấn) và bến 1B đang được tiếp tục đầu tư. Đặc biệt, tỉnh cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý quy hoạch sân bay quân sự Thành Sơn thành Cảng hàng không Thành Sơn, đây là tiền đề rất quan trọng để địa phương triển khai trong giai đoạn tiếp theo.
Các công trình hoàn thành có sự kết nối, gắn kết đến các trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh, tạo thành chuỗi kết nối tổng thể, liền mạch, rút ngắn khoảng cách và thời gian, mở rộng không gian phát triển; khơi thông và thúc đẩy tiềm năng phát triển các khu vực động lực, tạo cho Ninh Thuận trở thành cực tăng trưởng quan trọng của khu vực Nam Trung Bộ.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Ninh Thuận cho hay, nhờ giao thông phát triển đã kéo theo ngành du lịch của tỉnh đi lên. Trước đây nếu du khách đến tỉnh theo tuyến quốc lộ 1 phải mất tầm 7 giờ đồng hồ, nay tuyến cao tốc Bắc - Nam (đoạn Cam Lâm - Vĩnh Hảo) đi vào hoạt động, du khách từ các tỉnh, thành phía Nam chỉ mất chưa đến 4 giờ đồng hồ là đến tỉnh, rất thuận tiện. Giao thông thuận lợi, du khách đến với tỉnh thường xuyên hơn, thời gian lưu trú ngày càng dài hơn. Hiệu quả cho thấy rõ, đó là riêng năm 2024 thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 3.890 tỷ đồng.
Chưa theo kịp bối cảnh phát triển mới
Tuy mạng lưới giao thông của tỉnh có những điểm sáng, song vẫn chưa đáp ứng với bối cảnh phát triển như vũ bão hiện nay. Tỉnh vẫn còn thiếu các tuyến giao thông kết nối với các tỉnh khu vực Tây nguyên và lân cận. Một số tuyến đang được đầu tư nhưng lại vướng nhiều khuất tất về quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi đất rừng…

Theo ông Nguyễn Văn Vinh, hiện nay, so với các khu vực khác trong cả nước thì hệ thống giao thông đường bộ ở Ninh Thuận quy mô còn thấp, thời gian sử dụng đa số hơn 15 năm; nhiều đoạn tuyến đường tỉnh, đường huyện trong hệ thống đường địa phương chưa được xây dựng. Một số điểm nghẽn cục bộ thường xuyên ùn ứ trong giờ cao điểm.
Kết nối giao thông tới các khu, cụm công nghiệp, cảng biển, khu du lịch còn hạn chế; đặc biệt là kết nối giữa đường bộ với đầu mối vận tải, phương thức vận tải đường biển, đường thủy nội địa, đường sắt và ngược lại, kết nối giữa đường sắt với cảng biển gần như không có.
Hơn nữa, quy hoạch, quản lý thực hiện quy hoạch hạ tầng giao thông còn hạn chế dẫn đến tình trạng thiếu hệ thống giao thông tĩnh. Hệ thống cảng biển chưa đầu tư đồng bộ, thiếu các cảng biển du lịch chuyên dụng làm giảm khả năng đón nhận các tàu du lịch. Các bến thủy nội địa chủ yếu do cá nhân đầu tư có quy mô nhỏ, hạ tầng phục vụ hạn chế, chưa chia sẻ được nhiều thị phần cho vận tải đường bộ.
Ưu tiên phát triển theo hướng liên thông
Trong chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Ninh Thuận xác định tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông theo hướng liên thông và đa mục tiêu...; trong đó tập trung đầu tư phát triển các tuyến giao thông nội tỉnh kết nối với tuyến cao tốc Bắc - Nam, quốc lộ 1, quốc lộ 27, tuyến đường ven biển…
Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận chia sẻ, thời gian tới, ngành Xây dựng tiếp tục tham mưu cho tỉnh, Bộ Xây dựng hoàn thiện hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, liên hoàn. Huy động mọi nguồn lực đầu tư các công trình giao thông mang tính đột phá kết hợp đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực khai thác hệ thống hạ tầng giao thông hiện có phục vụ hiệu quả cho phát triển của tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, để tạo đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển, thời gian tới tỉnh tiếp tục hoàn chỉnh Quy hoạch hạ tầng giao thông vận tải tích hợp vào Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050; trong đó phát huy kết nối giao thông trên địa bàn tỉnh với giao thông Vùng - Quốc gia, đảm bảo sự đồng bộ; nghiên cứu xây dựng phương án kết nối giao thông đường bộ, đường sắt với hệ thống cảng biển gắn với hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông Quốc gia - Vùng.
Tỉnh đang phối hợp cùng Bộ Xây dựng hỗ trợ doanh nghiệp dự án khai thác có hiệu quả giai đoạn 1 (4 làn xe) tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh để đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ mà Chính phủ yêu cầu; tiếp tục triển khai 4,5 km còn lại của quốc lộ 27 và triển khai giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh.

Song song đó, Ninh Thuận cũng ưu tiên đầu tư hạ tầng giao thông quan trọng kết nối cao tốc Bắc - Nam với cảng tổng hợp Cà Ná, nối tuyến quốc lộ đến khu công nghiệp, cảng biển, đưa đường vành đai kết nối các vùng trong tỉnh, đường liên vùng kết nối Nam Tây Nguyên đến cảng Cà Ná, các trục chính trong khu đô thị và các trục nối vùng kinh tế trọng điểm… Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương đầu tư khôi phục tuyến đường sắt răng cưa Tháp Chàm - Đà Lạt nối cảng tổng hợp Cà Ná với đường sắt Thống nhất tại Ga Cà Ná.
Ninh Thuận cũng tập trung phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng các cảng biển, tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 cảng biển nước sâu Cà Ná có khả năng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 300.000 DWT; xây dựng Đề án phát triển Cảng tổng hợp Cà Ná lên cảng loại I, hướng đến hình thành Cảng trung chuyển quốc tế, hình thành Trung tâm dịch vụ Logistics của vùng và khu vực để tạo động lực thúc đẩy phát triển.
Ông Trần Quốc Nam cho hay, hiện tỉnh đang phối hợp cùng Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương triển khai đầu tư Cảng hàng không Thành Sơn sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể Cảng hàng không, sân bay Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định số 648/QĐ-TTg ngày 07/6/2023.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ ưu tiên bố trí 100% vốn cho tỉnh từ nguồn ngân sách Trung ương để đầu tư hạ tầng khung kết nối trọng điểm, động lực giai đoạn 2026 - 2030 gồm 4 dự án: Dự án hạ tầng giao thông liên vùng kết nối từ cảng biển Cà Ná, cao tốc Bắc - Nam lên các tỉnh khu vực Nam Tây Nguyên; tuyến đường động lực kết nối cao tốc Bắc - Nam với sân bay Thành Sơn - Trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm - đường ven biển đến khu du lịch Quốc gia Ninh Chữ; thực hiện đường kết nối tuyến đường ven biển với sân bay Cam Ranh; xây dựng công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu vực khu công nghiệp Cà Ná.
Hạ tầng giao thông được đầu tư mở rộng, hoàn chỉnh sẽ giúp cho Ninh Thuận có chuỗi kết nối tổng thể, liền mạch, rút ngắn khoảng cách và thời gian, mở rộng không gian phát triển; khơi thông và thúc đẩy tiềm năng các khu vực động lực. Từ đó, đưa Ninh Thuận trở thành địa phương có cực tăng trưởng quan trọng của khu vực Nam Trung Bộ - Tây nguyên và Đông Nam bộ.
Công Thử