Với nền nhiệt liên tục duy trì ở mức 35-37 độ C và dự báo nắng nóng bất thường, gay gắt kéo dài, các khu rừng trồng, đặc biệt là rừng thông, rừng keo tràm trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đang đối mặt với nguy cơ cháy cao. Trước tình hình cấp bách này, các lực lượng chức năng, đơn vị chủ rừng và người dân khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống cháy rừng (PCCR), quyết tâm bảo vệ "lá phổi xanh".

Mặt trận nóng bỏng ở Kẻ Gỗ và Hồng Lĩnh
Trong cái nắng gay gắt của mùa hạ, chúng tôi đến khu vực rừng ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, thuộc vùng ven hồ Kẽ Gỗ. Tại đây, hàng chục cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Kẽ Gỗ, Kiểm lâm và các hộ dân đang miệt mài phát cây lau, bụi rậm, dọn dẹp thực bì làm đường băng cản lửa.
Mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt, ông Dương Hữu Liễu thôn Mỹ Trung xã Cẩm Mỹ chia sẻ: "Gia đình tôi nhận khoán 5 ha rừng; trong đó có 3 ha rừng thông đã cho thu hoạch. Cứ đến mùa nắng nóng, chúng tôi thường xuyên vào rừng thông để thu dọn thực bì và ngăn chặn tình trạng người dân vào rừng đặt bẫy thú hoặc đốt tổ ong lấy mật, vì đây là những hành vi tiềm ẩn nguy cơ cháy rất lớn".
Ban Quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Kẽ Gỗ đang quản lý hơn 44.000 ha rừng và đất lâm nghiệp, bao gồm 21.700 ha rừng đặc dụng, 16.000 ha rừng phòng hộ và 3.300 ha rừng sản xuất. Diện tích này trải rộng qua 15 xã thuộc 4 huyện (Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Kỳ Anh, Hương Khê) và giáp ranh 10km với huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), gây khó khăn lớn cho việc phòng cháy và bảo vệ rừng.

Ngoài ra, Khu bảo tồn Kẽ Gỗ còn ôm trọn hồ Kẽ Gỗ, hồ Bộc Nguyên và nhiều hồ đập khác với tổng diện tích mặt nước gần 2.800 ha. Trong thời gian này, nhiều du khách đến thăm, viếng đền thờ Lê Duẩn và tham quan, thưởng ngoạn cảnh đẹp hồ Kẽ Gỗ. Lượng lớn du khách thường đến cắm trại, dã ngoại ven hồ, làm tăng cao nguy cơ phát lửa. Điều này đòi hỏi việc phòng cháy chữa cháy rừng phải được nâng cao và siết chặt hơn nữa.
Ông Phan Duy Khai, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn Thiên nhiên Kẽ Gỗ, cho biết, ngay từ đầu năm, đơn vị đã triển khai tổ chức tập huấn, tuyên truyền cho các hộ dân sống gần rừng, ven rừng về bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng và có kế hoạch tu sửa các đường băng cũ, làm mới các đường băng, tu sửa các điểm trực chốt, cử cán bộ trực 24/24 giờ trong ngày. "Chúng tôi cũng tuyên truyền người dân không phận sự thì không được vào rừng trong thời gian nắng nóng cao điểm như hiện nay", ông Khai nói.
Tại huyện Cẩm Xuyên, ông Võ Duy Từ, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện, chia sẻ: " Vào thời gian cao điểm nắng nóng, chúng tôi chỉ đạo các địa phương, các chủ rừng tổ chức lực lượng trực gác tại các khu vực rừng trọng điểm dễ cháy để kiểm soát người và phương tiện ra vào rừng. Mục tiêu là phát hiện kịp thời các đám cháy và tổ chức dập tắt ngay khi mới phát sinh, không để cháy lớn, cháy lan diện rộng xảy ra".
Không chỉ riêng huyện Cẩm Xuyên, việc phòng chống cháy rừng đang được triển khai ráo riết tại nhiều địa phương trên toàn tỉnh Hà Tĩnh. Ban Quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh hiện quản lý, bảo vệ gần 10.000 ha rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn 19 phường, xã thuộc thị xã Hồng Lĩnh và các huyện Can Lộc, Thạch Hà, Nghi Xuân. Đặc thù của địa bàn này là rừng chủ yếu là cây thông nhựa và một số diện tích bạch đàn, keo tràm tái sinh dễ cháy, cùng với việc dân cư sống bao bọc.
Chia sẻ về việc phòng chống cháy rừng trên địa bàn thị xã Hồng Lĩnh, ông Nguyễn Hải Vân, Phó trưởng Ban quản lý Rừng phòng hộ Hồng Lĩnh, thông tin, với đặc thù rừng Hồng Lĩnh có dân cư sống bao bọc và 24 đền thờ, miếu tọa lạc, ngoài ra còn có các khu nghĩa trang, lăng mộ trong khu vực rừng nên việc tuyên truyền ngăn cấm người dân, phật tử, du khách ra vào trong rừng gặp rất nhiều khó khăn. Đơn vị thực hiện nghiêm phương châm '4 tại chỗ' – đó là lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, và chỉ huy tại chỗ – để chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện ứng cứu kịp thời nếu có cháy rừng xảy ra.
Nỗ lực toàn diện và những kết quả ban đầu

Nhằm phòng ngừa các vụ cháy rừng trong mùa nắng nóng, tỉnh Hà Tĩnh đang tăng cường các biện pháp phòng chống cháy rừng. Ở tất cả các huyện, thị xã đều triển khai ra quân làm đường băng cản lửa, dọn thực bì. Đối với 21 chủ rừng và 112 xã, các biện pháp ngăn chặn người vào rừng tìm tổ ong, đặt bẫy thú rừng được thực hiện đồng bộ, cùng với đó là tuyên truyền người dân không đốt thực bì lúc nắng nóng và gió to. Các địa phương chủ động phương án "4 tại chỗ" sẵn sàng tham gia dập tắt các đám cháy ngay khi mới phát sinh, không để lây lan diện rộng.
Hà Tĩnh hiện có tổng diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp 358.472 ha; trong đó, tỉnh đã giao 321.967 ha rừng và đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân quản lý. Phần còn lại, khoảng 36.505 ha, đang được Ủy ban nhân dân các xã trực tiếp quản lý.
Ông Trương Quốc Long, Phó Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh, nói: "Lực lượng kiểm lâm và các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng để nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Trong thời điểm nắng nóng, các điểm chốt, gác phải phát hiện sớm mọi dấu hiệu phát lửa, mọi vụ cháy rừng để chữa cháy kịp thời theo phương châm '4 tại chỗ', hạn chế tối đa thiệt hại và báo cáo đúng quy định".
Ông Long cho biết, đơn vị đã bố trí lực lượng trực canh nghiêm túc tại các chòi canh, điểm lắp đặt camera để phát hiện sớm lửa rừng. Đồng thời, lập các chốt tại cửa rừng để giám sát chặt chẽ người ra vào các khu vực dễ cháy trong suốt cao điểm nắng nóng.
Từ đầu năm đến nay, các địa phương và đơn vị chủ rừng tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực triển khai nhiều giải pháp chủ động trong phòng cháy, chữa cháy rừng. Đến nay, nhiều hạng mục quan trọng đã được hoàn thành: 142,5 km đường băng cản lửa đã tu sửa, 865 ha thực bì được xử lý nhằm giảm vật liệu cháy.
Hệ thống quan sát được nâng cấp với 23 chòi canh lửa và 22 hệ thống camera được bảo dưỡng. Về trang thiết bị, 587 máy thổi gió và 123 cưa xăng đã sẵn sàng, đồng thời Chi cục Kiểm lâm còn mượn thêm 30 máy thổi gió từ Chi cục Kiểm lâm vùng II để tăng cường ứng trực.
Lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 2 vụ vi phạm, phạt 4,5 triệu đồng. Việc tuyên truyền cũng được đẩy mạnh với 527 lượt trên các phương tiện thông tin đại chúng và gần 58.100 bản cam kết đã được ký tại các trường học và thôn, xóm, góp phần nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy rừng trong cộng đồng.
Những nỗ lực này cho thấy sự chủ động và quyết tâm của các cơ quan chức năng và người dân Hà Tĩnh trong việc bảo vệ tài nguyên rừng quý giá trước mùa nắng nóng gay gắt, góp phần giảm thiểu rủi ro và thiệt hại do cháy rừng gây ra.