Thời gian qua tỉnh Quảng Ngãi đã quyết liệt trong thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng tái định cư cho hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng bởi cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số hộ dân có nhà, đất ở nằm sát hoặc trong hành lang bảo vệ an toàn cao tốc không thuộc diện được bố trí tái định cư đang gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt, đời sống. Các hộ dân mong muốn được bố trí tái định cư đến nơi an toàn.

Gia đình anh Phạm Tốt xã Nghĩa Giang có diện tích đất 1.096,7 m2, thuộc thửa đất số 468 gồm đất ở nông thôn và đất BHK, trên đất hiện có 3 căn nhà. Trước đó, gia đình anh Tốt đã giao 392 m2 đất; trong đó có 100 m2 đất ở để thi công cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn đoạn Km1+250 gói thầu XL1. Vị trí nhà ở của gia đình anh hiện nằm trong hành lang bảo vệ an toàn của cao tốc.
Những ngày qua, khi nhà thầu triển khai thi công lắp đặt rào chắn khu vực hành lang bảo vệ an toàn dọc cao tốc gia đình anh Tốt đã không đồng tình. Anh Tốt cho rằng, cao tốc đắp đất cao nhà ở của gia đình anh nằm lọt thỏm bên dưới, sau này khi cao tốc hoàn thành phương tiện lưu thông qua lại nhiều nhà ở của gia đình anh sẽ không được an toàn. Ngoài ra, vị trí lắp đặt rào chắn bảo vệ cao tốc đã bịt kín phần lớn lối đi của gia đình gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt. "Tôi mong chính quyền địa phương xem xét bố trí tái định cư để gia đình tôi sớm ổn định cuộc sống", anh Tốt nói.
Theo quan sát của phóng viên TTXVN, đoạn tuyến cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn qua xã Nghĩa Giang được đắp đất cao khoảng 10m so với hiện trạng cũ. Sau khi bàn giao đất thi công cao tốc một số nhà ở của người dân tại các vị trí Km1+250, Km1+494, Km1 + 585 (đầu tuyến cao tốc) nằm trong hành lang an toàn cao tốc, thậm chí nhà ở của một số hộ nằm sát vách ngăn bảo vệ an toàn. Không chỉ có nguy cơ gây mất an toàn khi cao tốc đi vào vận hành mà người dân còn bị hạn chế một số quyền lợi như xây dựng, làm thủ tục mua bán, tách thửa do nhà ở và đất nằm trong hành lang an toàn cao tốc.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi Trần Trung Tín cho biết, chưa có cơ chế đền bù đối với tài sản của người dân ngoài phạm vi giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế dọc tuyến cao tốc có nhiều vị trí có nhà ở của người dân nằm trong hành lang bảo vệ, không đảm bảo an toàn cho người dân nếu xảy ra tai nạn trên cao tốc. Theo ông Tín để giải quyết vấn đề trên có thể thành lập Hội đồng xem xét có phương án bố trí tái định cư hoặc bồi thường di dời nhà ở tài sản của người dân ra xa hành lang an toàn, tạo vùng đệm an toàn hành lang cao tốc.
Theo Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Quảng Ngãi Phạm Xuân Vinh, tỉnh Quảng Ngãi đã làm tốt giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến chính. Đối với một số vị trí có nhà ở của người dân nằm trong hành lang an toàn giao thông người dân gặp khó khăn cần phải giải quyết thỏa đáng cho người dân nhưng phải cụ thể đối với những trường hợp cấp thiết.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Ngọc Sâm cho biết, việc thi công công trình giao thông tiếp giáp làm ảnh hưởng đến nhà dân các cơ quan chức năng phải phối hợp giải quyết đền bù cho người dân. Đối với các hộ dân có nhà nằm trong hành lang an toàn giao thông, có nguy cơ mất an toàn, bị ảnh hưởng công trình lối đi do rào chắn phải bố trí tái định cư cho người dân.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Ngọc Sâm cũng giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh phối hợp với Chủ đầu tư dự án, đơn vị thi công cùng chính quyền địa phương sớm giải quyết dứt điểm các phát sinh trong đền bù giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn có chiều dài hơn 80 km với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng do Ban Quản lý Dự án 2 làm chủ đầu tư. Có hơn 5.000 hộ dân các địa phương của Quảng Ngãi bị ảnh hưởng khi triển khai dự án. Tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch 23 khu tái định cư với tổng diện tích 122,3 ha để bố trí nơi ở cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Hiện nhiều khu tái định cư trên địa bàn tỉnh vẫn còn quỹ đất để bố trí nơi ở cho những hộ dân bị ảnh hưởng./.