Nhãn Sơn Thủy, xã Nật Sơn, tỉnh Phú Thọ đã từng bước xây dựng được thương hiệu của riêng mình, tạo thành vùng trồng tập trung, từng bước khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước.

Cuối tháng 7/2025, nhãn Sơn Thủy bước vào chính vụ. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp và các nhà vườn, điều kiện thời tiết năm nay thuận lợi nên sản lượng và chất lượng quả cao hơn năm trước. Giá thành nhãn năm nay, tiếp tục ổn định ở mức 15.000 - 20.000 đồng/kg, cao điểm có thể lên tới gần 30.000 đồng/kg vào thời điểm đầu vụ. Từ đó, có thể khẳng định người nông dân vùng trồng nhãn Sơn Thủy sẽ có một mùa thu hoạch bội thu.
Với những ưu điểm về khí hậu, đất đai, cùng với sự kiên trì, chịu khó của người nông dân, nhãn Sơn Thủy đã dần có chỗ đứng vững chắc, trở thành cây trồng chủ lực và sinh kế của người dân địa phương. Trước đó, vào năm 2016, sản phẩm nhãn Sơn Thủy khi được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bảo hộ "Nhãn hiệu tập thể". Tiếp đó, hàng loạt các chứng nhận về an toàn thực phẩm (năm 2016), VietGAP (năm 2019), OCOP (năm 2020), năm 2022 nhãn Sơn Thủy đã được xuất khẩu sang thị trường châu Âu (EU).
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ, tất cả những yêu cầu kỹ thuật mà thị trường EU đặt ra với sản phẩm rau quả tươi đã được người trồng nhãn Sơn Thủy hoàn thiện một cách nghiêm ngặt từ năm 2019 đến nay. Theo kết quả phân tích tại phòng thử nghiệm được chỉ định theo tiêu chuẩn EU, 3 mẫu nhãn Sơn Thủy đều đạt yêu cầu kỹ thuật với 821 chỉ tiêu kiểm định về an toàn thực phẩm của EU.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trên địa bàn xã Nật Sơn, đến nay diện tích trồng nhãn đã mở rộng trên 220 ha diện tích đất trồng nhãn Sơn Thủy. Với 2 loại đặc trưng: Nhãn Hương Chi và nhãn Miền. Có khoảng 600 hộ dân tham gia trồng tại các xóm: Khoang, Bèo, Lốc, Khớt… sản lượng mỗi ha canh tác thu hoạch khoảng 30 tấn, tổng thu nhập ước đạt trên 300 triệu đồng trên 1 ha.
Tại hộ gia đình, ông Bùi Văn Miển, tại xóm Khoang, xã Nật Sơn cho biết, gia đình đã có trên 25 năm kinh nghiệm trồng nhãn Sơn Thủy, với diện tích vườn khoảng 7.000 m2. Vào vụ năm 2025, gia đình tiếp tục áp dụng kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Ước tính niên vụ năm nay, gia đình có thể thu về trên 13 tấn quả. Lợi nhuận sau khi trừ chi phí đạt trên 200 triệu đồng. Đây là năm thứ 2 liên tiếp, gia đình, cùng các hộ trồng nhãn Sơn Thủy trên địa bàn tiếp tục có một năm thắng lớn.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy, hiện có 31 thành viên là những hộ dân tham gia trồng nhãn trên địa bàn. Diện tích nhãn Sơn Thủy được mở rộng trên 25 ha trồng theo tiêu chuẩn VIETGap. Nhiều năm qua, Hợp tác xã đã phát huy vai trò là điểm tựa giúp các thành viên thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin. Tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật để áp dụng vào quá trình sản xuất. Tạo mối liên kết với các thị trường trên địa bàn và các vùng lân cận để tiêu thụ sản phẩm.

Ông Bùi Văn Hùng, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Sơn Thủy, xóm Khoang, xã Nật Sơn cho biết, nhằm tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình trồng nhãn trên địa bàn, Hợp tác xã đã chủ động tập hợp các hộ dân trên địa bàn có nhu cầu phát triển mô hình trồng nhãn. Từ đó hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây trồng. Thực tế cho thấy, các nhà vườn trên địa bàn đã tích cực học hỏi, tìm tòi, lắp đặt các hệ thống trang thiết bị phục vụ tưới tiêu đã góp phần giảm thiểu chi phí nhân công, nâng cao hiệu suất lao động.
Ông Bùi Sơn Chiến, xóm Lốc, xã Nật Sơn cho biết, được sự định hướng, hướng dẫn của ngành nông nghiệp về chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt là nhãn Sơn Thủy, cây trồng chủ lực đã góp phần nâng cao chất lượng mặt hàng nông sản, tạo thu nhập kinh tế ổn định cho người dân.
Ông Bùi Hồng Kỳ, Trưởng xóm Khoang, xã Nật Sơn chia sẻ, để khắc phục tình trạng được mùa mất giá, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy chú trọng phát huy vai trò kết nối với các tư thương để vận chuyển nông sản đi các tỉnh, thành phố. Xây dựng các mạng lưới liên kết, cung cấp hàng hóa nông sản cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu tiêu thụ sản phẩm.
Bà Bùi Thị Thu, thương lái từ Hà Nội thu mua nhãn Sơn Thủy cho biết, nhãn Sơn Thủy có hương vị đặc trưng riêng, dầy cùi, thơm ngọt, mẫu mã đẹp... Hiện, thị trường đòi hỏi các sản phẩm nông sản sạch, chất lượng và an toàn, qua đó các nhà vườn trồng nhãn đã tập trung sản xuất theo quy trình VietGAP, thực hiện chặt chẽ, tuân thủ quy định. Nhãn được thu mua đến đâu, hầu hết được tiêu thụ đến đấy, nên người mua và người bán hết sức phấn khởi.

Sản phẩm nhãn Sơn Thủy được đóng hộp để bán ra thị trường.
Ông Bạch Công Ban, Phó Chủ tịch UBND xã Nật Sơn, tỉnh Phú Thọ, nhãn Sơn Thủy đã được xây dựng thương hiệu nhiều năm qua, đóng góp thu nhập hiệu quả kinh tế bền vững cho người dân, tạo kinh tế ổn định cho địa phương. Mong muốn ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ tiếp tục tạo điều kiện về nguồn vốn, định hướng phát triển, áp dụng khoa học công nghệ... tìm kiếm nguồn thu mua ổn định để cây nhãn thực sự trở thành vùng trồng tập trung đặc trưng của địa phương.
Đến nay, nhãn Sơn Thủy đã tạo dựng được thương hiệu mặt hàng nông sản ổn định, ngành nông nghiệp tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục tạo mối liên kết tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và tiếp tục xuất khẩu quốc tế. Cùng đó, khuyến khích các hộ dân trồng nhãn tích cực học hỏi kinh nghiệm của những vườn mẫu, ứng dụng hiệu quả khoa học, kỹ thuật vào quá trình sản xuất. Đồng thời, từng bước đẩy mạnh phát triển cây nhãn Sơn Thủy góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.