Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Ngoan Hậu, xã Chiềng Khương, tỉnh Sơn La đã đầu tư hệ thống tưới nước vảy gốc, áp dụng kỹ thuật vào canh tác, chăm sóc, ghép các giống nhãn chín sớm, trái vụ, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, giá trị của quả nhãn được nâng lên, có đầu ra ổn định.

Trước đây, hợp tác xã có 20 ha trồng nhãn; trong đó, 5 ha ghép giống nhãn chín sớm, canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ và 15 ha nhãn chính vụ. Hợp tác xã luôn chú trọng việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Mặc dù vậy, vào thời điểm thu hoạch nhãn chính vụ, sản phẩm làm ra phải cạnh tranh với các hợp tác xã, hộ nông dân khác trong và ngoài tỉnh nên giá thành không cao, đầu chưa dược ổn định.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nâng cao giá trị của quả nhãn, hợp tác xã tập trung nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cải tạo, ghép các giống nhãn chín sớm có năng suất, chất lượng cao. Hiện nay, hợp tác xã có 15 ha ghép giống nhãn chín sớm T6 và 5 ha nhãn chính vụ ghép giống nhãn thiết miền, nhãn ánh vàng.
Theo ông Bùi Sơn Hậu, Giám đốc hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Ngoan Hậu, mặc dù trồng nhãn chính vụ cho năng suất cao hơn so với nhãn chín sớm. Tuy nhiên, do thời điểm thu hoạch cùng với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh nên giá bán bấp bênh, đầu ra không ổn định, phụ thuộc rất nhiều vào thị trường. Do đó, hợp tác xã đã chuyển đổi sang ghép các giống nhãn chín sớm nhiều hơn, giúp nâng cao giá thành của quả nhãn, được thị trường đón nhận hơn, sản phẩm làm ra luôn được các thương lái bao tiêu, không phải lo đầu ra.
Niên vụ năm 2025, hợp tác xã cung cấp ra thị trường 150 tấn nhãn chín sớm, với giá bán bình quân đạt 35 nghìn đồng/kg, doanh thu trên 5,2 tỷ đồng. Riêng 5 ha nhãn chính vụ, sản lượng ước đạt trên 60 tấn, với giá bán bình quân 20.000 đồng/kg, doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng.

Là một trong những thương lái thu mua quả nhãn tươi về các chợ đầu mối tại Hà Nội tiêu thụ gần 15 năm nay, chị Đào Thị Hương, bản Hưng Hà, xã Chiềng Khương cho biết: Nhãn của hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Ngoan Hậu được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP nên có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, quả to, mỏng vỏ, cùi dày, thơm ngon, được thị trường đón nhận. Bình quân, chị Hương thu mua từ 5 - 10 tấn/ngày cho hợp tác xã và một số hộ nông dân khác. Thời gian tới, chị Hương vẫn sẽ tiếp tục thu mua, bao tiêu quả nhãn tươi của hợp tác xã.
Ngoài ra, để có thêm sản phẩm, vừa đảm bảo đầu ra của quả nhãn cho thành viên và các hộ nông dân trên địa bàn, nhất là vào thời điểm nhãn chín rộ, chính vụ và khi gặp thời tiết bất lợi, hợp tác xã cũng đầu tư 2 lò sấy long nhãn, công suất 3,5 tấn quả tươi/ngày. Nhờ đó, các thành viên hợp tác xã, hộ nông dân trên địa bàn tỉnh yên tâm sản suất. Đồng thời, góp phần giải quyết việc làm, thêm thu nhập cho nhiều lao động thời vụ tại địa phương.

Với việc tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật để xử lý ra hoa, đậu quả chín sớm, trái vụ, rải vụ thu hoạch. Hợp tác xã không chỉ giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm quả nhãn chính vụ, đáp ứng yêu cầu của thị trường, mà còn mang lại giá trị kinh tế cao hơn, bền vững cho các thành viên./.