Từ đỉnh Lũng Cú lộng gió đến bãi đá Thượng Lâm ngập nắng, từ cao nguyên đá khô cằn đến miền suối mát sông Lô - giờ đây đều thuộc “vùng đất mới” mang tên Tuyên Quang. Việc hợp nhất hai tỉnh Hà Giang - Tuyên Quang không chỉ là sự kiện hành chính mà còn là bước ngoặt mở ra không gian phát triển rộng lớn; trong đó, các sản phẩm OCOP đang được kỳ vọng sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế nông thôn bền vững, với chiều sâu và đầy bản sắc.
Mạch nguồn từ hai miền di sản

Từ nhiều năm nay, cả hai tỉnh đều là điểm sáng trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của khu vực miền núi phía Bắc. Tuyên Quang nổi bật với các sản phẩm nông nghiệp chế biến, có tính thương mại cao như: miến dong Hợp Thành, cam sành Hàm Yên, chè Shan Thượng Lâm, bánh chưng đen Năng Khả... Hà Giang cũ lại cuốn hút du khách bằng các sản vật mang dấu ấn vùng cao như: mật ong bạc hà Đồng Văn, gạo Già Dui, rượu ngô men lá của người Mông, thịt trâu gác bếp Mèo Vạc, dược liệu truyền thống của đồng bào Dao... Giờ đây, khi hai miền được kết nối, bản đồ OCOP của tỉnh mới càng trở nên phong phú và đa sắc.
Trong 5 năm qua, Hà Giang cũ có 157 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 đến 5 sao; trong đó, có 2 sản phẩm chè Shan Tuyết của Hợp tác xã Phìn Hồ được công nhận 5 sao. Tuyên Quang còn có tới 240 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên – một bước nhảy vọt đáng ghi nhận so với con số 191 sản phẩm hồi cuối năm 2022. Những con số biết nói này chính là tài sản quý giúp tỉnh mới bứt phá trong xây dựng thương hiệu nông sản, phát triển kinh tế nông thôn gắn với bản sắc văn hóa.
Khác với thời điểm còn là hai tỉnh độc lập - nơi những ranh giới địa lý, khác biệt văn hóa, hệ thống xúc tiến còn rời rạc khiến việc phát triển sản phẩm bị phân mảnh thì nay các chủ thể OCOP có điều kiện mở rộng mạng lưới, kết nối vùng nguyên liệu, chia sẻ kinh nghiệm, đồng hành trong tiêu chuẩn hóa sản phẩm và tham gia chuỗi giá trị.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Mạnh Tuấn nhận định: “Chúng tôi xác định OCOP là một trong những trụ cột phát triển kinh tế nông thôn. Việc hợp nhất không chỉ mở rộng không gian phát triển mà còn tạo điều kiện để nâng tầm sản phẩm, xây dựng thương hiệu chung mạnh hơn, cạnh tranh được trên thị trường lớn”.
Tạo lập hệ sinh thái OCOP đa bản sắc

Thực tế cho thấy, giữa vùng thấp và vùng cao tồn tại sự bổ sung lẫn nhau rõ nét. Các HTX chè vùng cao Hà Giang cũ đang cần một thị trường tiêu thụ ổn định, có sức mua lớn thì Tuyên Quang với các trung tâm đô thị hoàn toàn có thể hỗ trợ. Ngược lại, vùng thấp lại cần mở rộng vùng nguyên liệu sạch, kết nối trải nghiệm văn hóa, điều mà Hà Giang cũ đang sở hữu với bản sắc độc đáo của 19 dân tộc thiểu số.
Ông Lý Chòi Nhàn, Bí thư xã Hồ Thầu, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ: "2 sản phẩm trà xanh hộp 100 gram và hồng trà hộp 100 gram của HTX chế biến chè Phìn Hồ nhiều năm qua luôn được Hội đồng OCOP cấp quốc gia công nhận đạt chuẩn OCOP 5 sao cấp quốc gia. Khi hợp nhất 2 tỉnh, các doanh nghiệp chè nơi đây có thêm cơ hội kết nối với các doanh nghiệp vùng thấp. Chè Shan tuyết không chỉ là sản phẩm mà còn là tinh thần, là câu chuyện của người Mông vùng đá. Giờ đây, nó có thể đi xa hơn nhờ được tiếp sức từ các trung tâm kinh tế - dịch vụ phía dưới”.
Điểm đặc biệt của Tuyên Quang là có thể phát triển “chuỗi sản phẩm vùng cao - vùng thấp” với chiến lược liên kết, bổ trợ. Đơn cử như một giỏ quà OCOP Tuyên Quang mới có thể vừa mang vị chát dịu của chè Shan Tuyết Hà Giang, vừa đậm đà miến dong Tuyên Quang; vừa có hương mật ong bạc hà Đồng Văn, vừa xen vị cam sành Hàm Yên. Các sản phẩm mang trong mình dấu ấn văn hóa từng vùng, nhưng đồng thời được chuẩn hóa về bao bì, truy xuất nguồn gốc, từng bước tiệm cận với tiêu chuẩn thị trường trong nước và quốc tế.
Thời gian tới, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đang hướng đến việc hình thành Trung tâm xúc tiến OCOP chung với quy mô hiện đại, kết nối cả hai miền để tổ chức hội chợ, quảng bá cũng như trên các sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại các khu du lịch lớn như: Cao nguyên đá Đồng Văn, hồ Na Hang - Lâm Bình, suối khoáng Mỹ Lâm... sẽ giúp các sản phẩm có thêm “sân chơi” để lan tỏa.
Hiện nay, một số doanh nghiệp ở Tuyên Quang cũng đang nghiên cứu hợp tác đầu tư vào vùng cao Hà Giang cũ để phát triển chuỗi sản phẩm OCOP dược liệu, trà thảo mộc, đồ uống từ cây bản địa. Tín hiệu này cho thấy sự hội nhập giữa hai miền đang diễn ra thực chất, không chỉ trên bản đồ hành chính mà đã bước vào đời sống kinh tế.
Mặc dù nhiều tiềm năng hé mở, nhưng để OCOP thực sự trở thành sức bật mới, rất cần chiến lược phát triển đồng bộ, mang tính dài hạn. Đó là sự kết nối giữa các HTX - doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà quản lý để hình thành chuỗi giá trị OCOP, chứ không dừng lại ở cấp xã và huyện như trước đây.
Cùng đó, tiếp tục hỗ trợ tiêu chuẩn hóa sản phẩm, mở rộng thị trường thông qua sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông - xúc tiến gắn với hình ảnh “Tuyên Quang” - nơi gìn giữ bản sắc nhưng cũng năng động, hội nhập.
Khi những đặc sản bản địa được tôn vinh bằng trí tuệ người dân và công nghệ hiện đại, OCOP không chỉ là sản phẩm mà còn là biểu tượng của một vùng đất đang chuyển mình. Việc phát triển sản phẩm OCOP sau hợp nhất hai tỉnh chính là bước đi cụ thể, sinh động để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện, có nền nông nghiệp sinh thái, công nghiệp xanh, dịch vụ thông minh.
Từ đỉnh Lũng Cú đến nếp nhà sàn Thượng Lâm, từ vị chát của chè Shan Tuyết đến sợi miến dong óng mượt, Tuyên Quang mới đang khẳng định mình bằng hương vị rất riêng của đất và người, bằng bản sắc chuyển hóa thành thương hiệu và sức cạnh tranh.