Theo ông Lê Văn Đông, thời gian qua, ngành đã phối hợp với các địa phương triển khai nhiều dự án, đề tài chuyển giao, ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Các mô hình đều gắn với điều kiện thực tế từng nơi, giúp người dân tiếp cận và nhân rộng hiệu quả. Từ đó, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và quy trình sản xuất an toàn.

Ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư từ chương trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và kinh phí nghiên cứu - ứng dụng khoa học công nghệ giai đoạn 2022 – 2025 để hỗ trợ nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã thực hiện các mô hình sản xuất mới. Đồng thời, tiếp tục chuyển giao kỹ thuật sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với nhu cầu thị trường.
Các hộ nông dân và đơn vị kinh tế tập thể cũng sẽ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để đầu tư cơ giới hóa, áp dụng phương thức sản xuất tiên tiến như: trồng lúa hữu cơ, sản xuất lúa chất lượng cao phát thải thấp, trồng màu trong nhà lưới, nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao... nhằm tạo ra sản phẩm giá trị cao, tăng thu nhập.
Từ nay đến cuối năm 2025, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ nông dân chuyển đổi mô hình và phương thức sản xuất tiên tiến. Trọng tâm là ưu tiên ứng dụng khoa học kỹ thuật vào các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, khuyến khích nông dân mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa, công nghệ hiện đại như trồng lúa hữu cơ, trồng rau màu trong nhà lưới, thủy canh, chăn nuôi an toàn sinh học, nuôi thủy sản công nghệ cao… nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tăng thu nhập và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn
Hiện UBND tỉnh Trà Vinh đang chỉ đạo các sở, ngành chức năng tăng cường chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ chương trình phát triển kinh tế vùng nông thôn. Mục tiêu nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị.
Theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hẳn, các sở, ngành và địa phương cần kịp thời cung cấp các luận cứ khoa học, thực tiễn và giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả. Tỉnh sẽ hỗ trợ địa phương ứng dụng các tiến bộ khoa học - công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả quản lý, sản xuất, kinh doanh, đồng thời khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của từng vùng.
Các giải pháp khoa học - công nghệ khi triển khai phải đảm bảo nâng hiệu quả kinh tế tối thiểu 15%, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Ít nhất 70% mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ phải được nhân rộng, và tối thiểu 80% mô hình kinh tế nông nghiệp, nông thôn phải có sự liên kết đa ngành, theo chuỗi giá trị và hợp tác công - tư./.