Tỉnh Gia Lai đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào canh tác cây chuối nhằm nâng cao giá trị, xây dựng thành mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực, đóng góp vào mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, tính đến hết năm 2024, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh đạt hơn 33.000 ha, tăng gần 2,1 lần so với năm 2019; sản lượng đạt khoảng 570.000 tấn, với mức tăng trung bình gần 37% mỗi năm. Trong số đó, chuối là một trong những cây trồng chủ lực với diện tích gần 7.300 ha, sản lượng khoảng 237.000 tấn.
Tính đến hết quý I/2025, tỉnh Gia Lai đã được cấp 227 mã số vùng trồng với diện tích gần 9.700 ha và 38 mã số cơ sở đóng gói, công suất 1.550 - 1.700 tấn quả tươi/ngày phục vụ xuất khẩu sang các thị trường lớn. Hiện tại, sản phẩm chuối của Gia Lai đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông..., qua đây cho thấy khả năng cạnh tranh và chất lượng đã đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Đóng vai trò nòng cốt trong phát triển cây chuối xuất khẩu tại địa phương, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn hiện đang canh tác hơn 550 ha chuối tại huyện Đăk Đoa và Chư Prông. Mỗi năm, công ty xuất khẩu khoảng 20.000 tấn chuối, dự kiến sẽ nâng lên 35.000 tấn vào năm 2025 - 2026. Khoảng 80% sản lượng của đơn vị được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông Nguyễn Quang Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn cho biết, chuối là cây trồng đặc trưng của vùng nhiệt đới và có nhu cầu tiêu thụ rất lớn tại các nước ôn đới. Để nâng cao năng suất và chất lượng, doanh nghiệp đã đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, sử dụng thiết bị bay không người lái (drone) trong quản lý sâu bệnh, giám sát đồng ruộng, kết hợp với hệ thống kho lạnh bảo quản sau thu hoạch.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cũng là một trong những doanh nghiệp tích cực tham gia phát triển chuỗi giá trị cây ăn quả. Hiện tập đoàn đang sở hữu vùng nguyên liệu chuối khoảng 7.000 ha tại các tỉnh Gia Lai, Lào và Campuchia, cùng với 2.000 ha sầu riêng. Ông Nguyễn Ngọc Mai, Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi Gia Lai (thuộc Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) cho hay, vùng trồng chuối của tập đoàn nằm trên vùng đất đỏ bazan ở độ cao trên 800m, điều kiện lý tưởng giúp chuối đạt chất lượng vượt trội. Sản lượng chuối của tập đoàn đạt trên 200.000 tấn/năm, phần lớn được trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP.

Cùng với việc mở rộng sản xuất, Gia Lai còn chú trọng xây dựng chuỗi liên kết cho các sản phẩm nông nghiệp. Đến nay, tỉnh đã hình thành chuỗi liên kết trồng cây ăn quả có sự tham gia của 52 doanh nghiệp, 58 hợp tác xã và 35 nông hội với hơn 13.000 ha.

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Gia Lai Đoàn Ngọc Có, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu trái cây của tỉnh đạt trên 150 triệu USD. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp của địa phương vẫn còn đối mặt một số thách thức như sản xuất manh mún, thiếu liên kết bền vững và cơ sở hạ tầng sơ chế, bảo quản còn hạn chế.
Bà Đào Thị Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai, khẳng định bên cạnh các loại cây ăn quả có giá trị xuất khẩu cao, chuối Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng đang dần khẳng định chất lượng và thương hiệu trên thị trường quốc tế. Phát huy những thế mạnh này, thời gian tới, tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh để tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu sang Singapore, Malaysia, Trung Đông…

Với lợi thế về điều kiện tự nhiên cùng định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cây chuối đang từng bước khẳng định vị thế là sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực mới của Gia Lai và khu vực Tây Nguyên. Việc tăng cường đầu tư hạ tầng bảo quản, mở rộng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ, gắn với truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu và thâm nhập sâu hơn vào các thị trường khó tính sẽ là những yếu tố then chốt giúp mặt hàng chuối phát triển ổn định, bền vững, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của địa phương./.