
Dưới cái nắng chói chang của vùng Bảy Núi, tỉnh An Giang vào một ngày đầu tháng 3/2025, Néang Môm (25 tuổi) cẩn thận kiểm tra từng bịch phôi nấm trong khu sản xuất của trang trại Nương Farm. Đôi tay thoăn thoắt của cô gái Khmer đang gieo mầm cho những sản phẩm nấm dược liệu cao cấp - thứ mà cách đây 3 năm, cô chưa từng nghĩ mình có thể làm được.
"Ba má nuôi 4 anh em tôi bằng một ha lúa và những mùa vụ đi làm mướn. Có hôm ba đi trèo thốt nốt từ 3 giờ sáng, má lột tỏi, lột vỏ trái me đến tối mịt mới về. Tôi học xong đại học, chỉ mong kiếm việc giúp gia đình bớt khổ", Môm chia sẻ. Với tấm bằng kỹ sư công nghệ sinh học từ Trường Đại học An Giang, cô gái sinh năm 2000 đã tìm thấy cơ hội tại Trang trại nấm Nương Farm, nơi không chỉ cho cô mức lương 8 triệu đồng/tháng, mà còn mở ra một thế giới của mô hình nông nghiệp mới – nông nghiệp kết hợp điện mặt trời.
"Mái nhà" năng lượng xanh cho những phụ nữ Khmer

Công việc hàng ngày của Môm là sản xuất phôi nấm mối đen, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo – những "đứa con tinh thần" được ấp ủ trong phòng máy lạnh với nhiệt độ được kiểm soát chính xác đến từng độ C. Phía trên đầu cô, hệ thống pin mặt trời rộng 1,5 ha như tấm khiên khổng lồ, vừa tạo ra điện, vừa che bớt cái nóng gay gắt vào giữa trưa ở xứ Thất Sơn. "Trồng nấm dưới tấm pin như được ngồi điều hòa tự nhiên. Cây nấm lớn nhanh, ít bệnh hơn hẳn", Môm cười nói.
Trong số gần 40 lao động tại trang trại, Môm là người trẻ nhất. Ngoài một vài lao động nam đảm nhận các công việc nặng, còn lại công nhân ở đây là những người phụ nữ Khmer ở độ tuổi ngoài 50, 60 – những người như bà Quách Thị Hồng Liên (64 tuổi). Mỗi tháng, bà Liên cùng chồng và con gái dành 10 ngày làm việc tại trang trại, mỗi buổi 3 tiếng từ 7 đến 10 giờ sáng. Cả gia đình được trả 200.000 đồng cho một ca làm việc, khoản thu nhập đáng kể đối với họ.
Điều mà Môm hay bà Liên cảm nhận chính là kết quả của tầm nhìn táo bạo từ chị Châu Thị Nương, người phụ nữ dám đầu tư 45 tỷ đồng vào năm 2019 để xây dựng mô hình kết hợp năng lượng mặt trời và trồng nấm.
Chị Châu Thị Nương bắt đầu hành trình khởi nghiệp từ một nhận thức đơn giản. Một ngày giữa tháng 3/2025, tại trại nấm ở phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang, chị chia sẻ: "Trong thời gian đại dịch COVID-19, tôi nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch và các sản phẩm có tính dược liệu cao trong cộng đồng ngày càng nhiều. Nấm không chỉ là thực phẩm mà còn là dược liệu quý, giúp tăng cường sức khỏe và phòng ngừa bệnh tật".

Xuất phát từ thực tế này, năm 2020 chị Nương quyết định từ quê nhà ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn lên phường Thới Sơn, thị xã Tịnh Biên mua lập Trang trại Nương Farm trên diện tích 3 ha. Sau khi tìm hiểu thông tin trên mạng, chị quyết định kết hợp việc trồng nấm với hệ thống năng lượng mặt trời để tạo ra một mô hình nông nghiệp mới và hiệu quả. Việc lắp pin mặt trời không chỉ cung cấp điện mà còn tạo bóng mát, giúp giảm nhiệt trong khu vực trồng nấm, qua đó giúp năng suất tăng lên 30-40% đồng thời giảm chi phí điện năng đáng kể.
Giá trị đem lại chính là những phế liệu tưởng bỏ đi từ sản xuất lại được đưa vào nuôi trùn quế, tạo ra phân hữu cơ quay ngược lại bón cho ruộng lúa. Nhờ mô hình tuần hoàn này không chỉ giúp trang trại tiết kiệm 30% chi phí, khiến sản lượng nấm tăng 40% nhờ nhiệt độ lý tưởng từ hệ thống pin mặt trời. Ví dụ nhiệt độ ngoài trời khoảng 35 độ C thì phía dưới tấm pin chỉ khoảng 28 - 29 độ. Theo chị Nương, nếu trồng ở môi trường bình thường thì với 1.000 bịch phôi nấm mối đen sẽ cho thu hoạch khoảng 1,5 tấn đến 2 tấn nấm thương phẩm là tối đa. Nhưng khi kết hợp với pin năng lượng mặt trời, sản lượng có thể tăng lên đến 2,5–3 tấn. Hiệu quả kinh tế tăng vọt.
Nhiều lợi ích khi đưa điện mặt trời vào nông nghiệp

Không chỉ nấm tăng năng suất mà mô hình này còn thu được một lợi ích to lớn khác, đó là giảm chi phí tiền điện hàng tháng. Tại trang trại ở thị xã Tịnh Biên của chị Nương, nếu không có điện mặt trời, số tiền điện phải trả mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng. Với điện mặt trời, con số này chỉ còn phân nửa, tức giúp chủ nhân tiết kiệm được 50% tiền điện.
Hiện mỗi tháng, 2-3 tấn nấm các loại từ Nương Farm được chuyển đến các siêu thị ở An Giang và Tp. Hồ Chí Minh. Bên cạnh thu nhập từ nấm thì mỗi tháng trang trại của chị Nương còn có một nguồn thu đáng kể khác là tiền bán điện cho Công ty Điện lực An Giang.
Nhờ đấu nối vào lưới điện trước ngày 31/12/2020 nên trang trại Nương Farm được hưởng chính sách mua điện theo Quyết định 13/2020 của Chính phủ với giá mua điện 8,38 cent/kWh (tương đương 1.900 đồng/kWh). Hàng tháng mỗi MW công suất lắp đặt điện mặt trời đem về cho vợ chồng chị Nương số tiền khoảng 300 triệu đồng.
Nhưng với chị Nương, thành tựu lớn nhất là Hợp tác xã Nông nghiệp Tà Đảnh – nơi tạo việc làm cho hàng chục phụ nữ Khmer với mức lương 250-300 nghìn đồng/ngày, tùy theo số giờ làm việc. "Thu nhập đó ở quê tôi là mơ ước. Giờ tôi có một công việc ổn định để có tiền chăm lo cho gia đình. Nơi làm việc cũng gần nhà, không cần phải đi xa", Neang Môm nói đầy vui vẻ khi nhớ về những năm tháng gia đình cô còn vất vả.

Dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng mô hình mà chị Nương đang theo đuổi cũng không khỏi có những thách thức. "Vốn đầu tư ban đầu rất lớn, đặc biệt là hệ thống pin mặt trời. Ngoài ra, hiện nay chính sách thu mua điện mặt trời chưa thực sự thuận lợi do ưu đãi từ Quyết định 13 của Chính phủ đã tạm dừng từ ngày 1/1/2021, nên nếu chúng tôi muốn mở rộng sản xuất thì hiệu quả kinh tế chưa được tối ưu".
"Vốn đầu tư thì doanh nghiệp có thể xoay sở, nhưng về chính sách thu mua điện chính sách, thiết nghĩ Nhà nước có cơ chế hỗ trợ vốn và thu mua điện tốt hơn để khuyến khích phát triển mô hình này. Như thế nhiều người mới mạnh dạn đầu tư, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ môi trường", Châu Thị Nương đề xuất.
Theo bà Nguyễn Thị Quyến, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang, là địa phương thuộc vùng biên giới khó tiếp cận các nguồn lực nhưng nhận thức được tầm quan trọng của kinh doanh bền vững, chị Châu Thị Nương đã quyết tâm theo đuổi và coi đây như kim chỉ nam xuyên suốt trong các hoạt động của mình. Mô hình trang trại nấm kết hợp năng lượng mặt trời không chỉ giúp nâng cao được giá trị sản phẩm, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính tiến đến mục tiêu chung của thế giới với mô hình NetZero.
Tại tỉnh An Giang, từ năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh An Giang đã triển khai một chương trình cụ thể hỗ trợ vốn cho phụ nữ ứng dụng điện mặt trời cho sản xuất, kinh doanh. Hai hội viên được hỗ trợ trong đợt đầu là chị Nguyễn Thị Kim Loan (ấp Long Bình, xã Long Kiến, huyện Chợ Mới) và chị Trần Kim Hồng (ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn) được Quỹ trao quyền cho phụ nữ (Dự án UNEP) hỗ trợ nguồn vốn đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái phục vụ sản xuất với số tiền vay là 150 triệu đồng.
Theo bà Nguyễn Thị Quyến, dự án “Trao quyền cho phụ nữ vì một xã hội thích ứng với biến đổi khí hậu” (Dự án UNEP) giai đoạn 2020 – 2021 hướng tới mục tiêu hỗ trợ phụ nữ tiếp cận nguồn tài chính với các mô hình ứng dụng năng lượng tái tạo trong sản xuất kinh doanh.
"Với nguồn vốn cho vay hỗ trợ đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái phục vụ sản xuất kinh doanh, chúng tôi mong muốn chị em chủ cơ sở nâng cao ý thức, tham gia bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, năng lượng, qua đó cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe con người, đồng thời giúp giảm chi phí trong sản xuất, tăng lợi nhuận và thu nhập cho gia đình”, bà Quyến nói./.