Năm 2025, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu xóa 6.928 nhà tạm, nhà dột nát, với tổng kinh phí dự kiến trên 343 tỷ đồng. Tỉnh phấn đấu đến ngày 30/8, toàn bộ số nhà tạm, nhà dột nát tỉnh sẽ được xây dựng, sửa chữa, hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Người dân xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) ai cũng thương cảm với hoàn cảnh khó khăn của anh Triệu Văn Hải, dân tộc Dao, ở thôn 4, xã Đạo Viện. Anh Hải thuộc hộ nghèo, bố mẹ già yếu đã mất từ lâu. Bản thân trí tuệ kém phát triển, không có khả năng lao động, sống một mình trong căn nhà tạm, diện tích chưa đầy 10 m2 được người dân trong thôn dựng cho từ nhiều năm trước.
Nhằm giúp anh Hải có cuộc sống ổn định hơn, Đảng ủy, chính quyền và người dân xã Đạo Viện đã chung tay xây dựng cho anh một ngôi nhà mới. Sau hơn 1 tháng khẩn trương xây dựng, ngôi nhà có diện tích 50 m2, bếp và công trình phụ riêng biệt đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đặc biệt, 100% kinh phí xây dựng được lấy từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước và của cán bộ, đảng viên, người dân xã Đạo Viện ủng hộ, kể cả ngày công lao động.
Bà Hoàng Thị Úy, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 4, xã Đạo viện, huyện Yên Sơn cho biết, trường hợp anh Hải là hộ đặc biệt khó khăn, bản thân bị mắc bệnh thần kinh, ở một mình. Thôn đã lập danh sách và đề xuất với UBND xã, phối hợp với các tổ chức, đoàn thể chung tay xây dựng giúp anh Hải ngôi nhà để anh ổn định cuộc sống.
Ông Trần Văn Cương, Chủ tịch UBND xã Đạo Viện, huyện Yên Sơn cho biết, trong năm 2025, qua rà soát, xã có 96 hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở cần hỗ trợ làm nhà mới. Ngay sau khi rà soát các hộ đủ điều kiện hỗ trợ, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát của xã phân công cụ thể cho từng cán bộ, công chức phụ trách đến từng hộ để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, xã vận động tối đa nguồn lực tham gia hỗ trợ ngày công tại các gia đình đang được xây dựng để đẩy nhanh tiến độ. Đến nay, xã đã khởi công 96/96 ngôi nhà; trong đó có 53 nhà đã hoàn thành xây mới và sửa chữa, 43 nhà đang thi công. Xã dự kiến sẽ hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 20/8 năm nay.
Thời điểm này, khắp các địa phương trong tỉnh Tuyên Quang đang khẩn trương thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Tổng số nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang cần thực hiện trong năm 2025 là 6.928 nhà (số lượng lớn nhất từ trước đến nay). Dưới sự chỉ đạo thường xuyên, quyết liệt, hiệu quả của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự đồng thuận, nhất trí cao của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng nhiệt tình của gia đình, cộng đồng dân cư, đến nay tiến độ thực hiện kế hoạch rất khả quan.
Từ tháng 8/2024 đến ngày 10/5/2025, tổng số nhà đã khởi công, đang xây dựng và nhà đã hoàn thành đưa vào sử dụng trên địa bàn tỉnh là 6.691 hộ, đạt 96,58% kế hoạch. Trong đó, số hộ hoàn thành là 3.903 căn, số hộ đang làm 2.788 căn, còn 237 hộ chưa triển khai thực hiện. Tổng kinh phí hỗ trợ làm nhà toàn tỉnh đạt trên 337 tỷ đồng. Toàn tỉnh đã đóng góp, huy động gần 96.200 ngày công hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Nhiều căn nhà kiên cố thay thế những căn nhà tạm, nhà dột nát ở xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Tuyên Quang cho hay, bên cạnh việc huy động cả hệ thống chính trị và người dân cùng tham gia xóa nhà tạm, nhà dột nát, một số địa phương đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, đem lại hiệu quả cao trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đơn cử như cán bộ UBND xã khảo sát, định hướng giúp đỡ các hộ gia đình thực hiện làm mới và sửa chữa nhà ở; UBND xã giao cho công chức Địa chính - Xây dựng lập dự toán chi tiết cho hộ gia đình đặc biệt khó khăn và giao cho tổ thợ xây thực hiện đúng theo dự toán; giao các tổ chức, đoàn thể huyện, xã, thôn phụ trách, hỗ trợ các hộ đặc biệt khó khăn ngày công, đứng ra chủ trì nhận vật liệu xây dựng, tạm ứng tiền công cho thợ…
Thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Tuyên Quang tiếp tục tập trung kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn, hỗ trợ các hộ gia đình được hỗ trợ về nhà ở, thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai để xây dựng nhà ở. Các ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, tuyên truyền, triển khai thực hiện; kịp thời báo cáo tiến độ thực hiện, bảo đảm rõ việc, rõ kết quả, rõ thời gian, rõ sản phẩm; chủ động đề xuất giải pháp, tháo gỡ khó khăn ở cơ sở, đẩy mạnh triển khai công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, tạo thành phong trào thi đua trong cơ quan, đơn vị, địa phương.
Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương trong tỉnh chủ động huy động tối đa các nguồn lực để hỗ trợ làm nhà cho các đối tượng, đảm bảo đủ nguồn lực cần thiết, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên toàn tỉnh./.