Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại tỉnh Bình Phước đã hoàn thành mục tiêu vào ngày 30/4, mang đến những thay đổi tích cực và niềm vui lớn cho người dân, đặc biệt là những người ở vùng biên giới. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chương trình đã thể hiện tinh thần triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm mang lại chỗ ở ổn định, khang trang cho nhiều hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Ngôi nhà mơ ước thành hiện thực
Gia đình anh Điểu Diểu (30 tuổi) ở thôn Bù Đốt, xã Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập) đã phải sống trong căn nhà tạm dột nát từ khi lập gia đình gần 10 năm. Do không có đất sản xuất, cuộc sống của hai vợ chồng trẻ gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi gia đình có thêm hai con. Thu nhập chính của họ dựa vào việc làm thuê, cuốc mướn, cạo mủ cao su cho tư nhân tại địa phương, với thu nhập hơn 6 triệu đồng mỗi tháng.
Vừa qua, gia đình anh Diểu đã được chính quyền địa phương xem xét và chọn để hỗ trợ xây nhà mới từ Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Anh Điểu Diểu chia sẻ: Hai vợ chồng chủ yếu đi làm thuê nên thu nhập chỉ đủ ăn và lo cho con đi học; không có điều kiện xây lại nhà cửa. Được Nhà nước hỗ trợ xây nhà mới, gia đình rất vui; cảm ơn Nhà nước đã hỗ trợ gia đình căn nhà mơ ước.

Hộ gia đình ông Điểu Mé ở thôn Thác Dài, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập được nhận nhà mới trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Gia đình anh Điểu Mé ở thôn Thác Dài (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập), cũng không giấu được niềm vui khi có được ngôi nhà kiên cố. Căn nhà đã mang đến một không khí mới, một sự thay đổi đáng kể cho gia đình. Căn nhà tranh tre cũ ở bên cạnh được gia đình chuyển thành chòi chứa dụng cụ lao động.
Theo anh Điểu Mé, căn nhà cũ đã xuống cấp; mùa mưa phải dùng thau hứng hoặc lấy bạt che lại những chỗ dột. “Trước đây, bản thân tôi, vợ và 4 đứa con chưa bao giờ dám nghĩ sẽ có một căn nhà thế này. Lúc nhận nhà mới, vợ chồng tôi vui lắm. Tôi cảm ơn các cấp, các ngành đã quan tâm, giúp đỡ vợ chồng tôi, cũng như bà con ở đây”, anh Mé phấn khởi chia sẻ.
Thôn Thác Dài có gần 75% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào S'tiêng, đa số hộ dân có đời sống kinh tế khó khăn. Đây là thôn có số lượng nhà tạm, dột nát được xóa lớn nhất của địa phương với số lượng 10 căn. Nhờ sự chung tay của các cấp chính quyền, các nhà hảo tâm, nhiều hộ dân đã có được niềm vui lớn khi sở hữu nhà ở kiên cố. Ông Điểu Dũng, Trưởng thôn Thác Dài cho biết: Được Nhà nước quan tâm xây dựng nhà trong thời gian qua, bà con nhân dân rất phấn khởi. Căn nhà mới đang mang lại động lực vươn lên trong cuộc sống cho mỗi hộ gia đình.
Mỗi căn nhà được xây có diện tích 60m2, mức hỗ trợ 80 triệu đồng/căn, chính quyền xã cũng vận động thêm nhà hảo tâm, gia đình góp thêm tùy theo điều kiện hoàn cảnh để hoàn thiện căn nhà. Ông Hoàng Cử, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Bù Gia Mập khẳng định việc hỗ trợ xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là một chủ trương mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện ý chí quyết tâm cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cộng đồng xã hội. Các hộ dân có nhà mới kiên cố sẽ sớm có điều kiện ổn định đời sống, tiếp tục cố gắng tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế và vươn lên trong cuộc sống.
Động lực vươn lên ổn định đời sống
Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Bình Phước hoàn thành đã tạo nên sự đột phá mới trong đời sống của những hộ gia đình nghèo, khó khăn. Những căn nhà từng là “mơ ước” đã trở thành hiện thực, tạo động lực mạnh mẽ để họ vươn lên trong cuộc sống.
Bà Phạm Thị Bốn ở thôn 4, xã Thiện Hưng (huyện Bù Đốp) nhiều năm qua phải cùng các con sống chen chúc trong căn phòng trọ chật hẹp, nhiều bất tiện. Là mẹ đơn thân, bà một mình gánh vác mọi công việc trong gia đình, cố gắng nuôi các con ăn học đầy đủ. Bà Bốn chia sẻ: Nếu không có chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát thì căn nhà riêng kiên cố chỉ là giấc mơ với bà. Có căn nhà riêng rộng rãi, bà yên tâm làm ăn và lo cho các con có cuộc sống tốt hơn sau này. "Tôi sẽ cố gắng làm ăn để không phụ lòng các cấp chính quyền đã hỗ trợ", bà Bốn bày tỏ.
Ông Nguyễn Minh Thành ở thôn 7, xã Thiện Hưng cũng rất phấn khởi khi nhận được căn nhà mới khang trang. Trước đây, nguồn thu nhập chính của ông chỉ đến từ việc bán vé số, vì vậy, một căn nhà kiên cố là điều rất xa vời với ông. Tuy nhiên, sau khi bình xét, chính quyền địa phương đã chọn ông để hỗ trợ xây nhà trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ tới mình lại có được căn nhà kiên cố như thế. Có căn nhà kiên cố sẽ là động lực lớn giúp tôi yên tâm làm việc, không còn lo cảnh mưa dột như trước nữa. Có nhà rồi, tôi có thêm niềm tin để phấn đấu xây dựng cuộc sống ổn định hơn và thoát nghèo bền vững”, ông Thành xúc động nói.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bù Đốp Văn Công Danh, trên địa bàn huyện được giao 102 căn nhà để xây dựng và sửa chữa, trong đó có 17 trường hợp đặc biệt khó khăn không có đất. Huyện đã vận động doanh nghiệp, người dân, cùng sự đồng hành của Ban Chỉ đạo huyện và xã phối hợp thực hiện thành công chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn.

Hộ gia đình ông bà Lê Thế Sang thôn Thác Dài, xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập nhận nhà mới trong chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
“Trong quá trình triển khai, khó khăn nhất là các hộ không có đất xây nhà. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo sát sao của huyện, xã và sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, chúng tôi đã vận động đủ quỹ đất; qua đó, triển khai xây dựng, đảm bảo cho các trường hợp đặc biệt này có nhà ở ổn định”, ông Danh nhấn mạnh.
Việc hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát không chỉ góp phần cải thiện điều kiện sống, đảm bảo “không ai bị bỏ lại phía sau" mà còn tạo nền tảng vững chắc để người dân vươn lên thoát nghèo, ổn định kinh tế lâu dài. Không chỉ người dân huyện biên giới Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh vui mừng, mà các huyện khác trên toàn tỉnh Bình Phước cũng phấn khởi khi được trao nhà mới. Những ngôi nhà khang trang đang mang lại sức sống mới đến hộ dân nghèo, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, hướng tới một tương lai phát triển toàn diện về kinh tế và đời sống xã hội.
Toàn tỉnh Bình Phước hiện có 41 thành phần dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm hơn 19% dân số toàn tỉnh. Để thực hiện hiệu quả phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát, tỉnh đã khẩn trương rà soát, thống kê thực trạng, quyết liệt triển khai và đã công bố hoàn thành xây dựng, sửa chữa cho 765 căn nhà (625 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo và 140 căn nhà cho người có công) trước ngày 30/4/2025./.