Sau hợp nhất, diện tích, quy mô dân số ở các xã, phường tăng lên gấp nhiều lần, mở ra không gian, động lực cho một giai đoạn phát triển mới.
Song song với công tác ổn định bộ máy, yêu cầu đặt ra là đảng ủy các xã, phường phải có tầm nhìn dài hạn, định hướng rõ ràng, đề ra giải pháp khơi dậy tiềm năng, dư địa phát triển mới của địa phương để thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.
Mở rộng không gian phát triển

Xã Hưng Khánh được thành lập trên cơ sở hợp nhất hai xã Hưng Khánh và Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái trước đây. Xã có diện tích 118 km² với dân số hơn 14.000 người, trong đó có 67% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
Ngay sau khi bộ máy mới đi vào hoạt động, Đảng bộ, chính quyền địa phương tập trung triển khai các giải pháp ổn định tổ chức, đảm bảo thủ tục hành chính cho nhân dân được thông suốt và nhanh chóng. Song song đó, xã Hưng Khánh cũng chú trọng đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phát huy tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Tới xã Hưng Khánh vào trung tuần tháng 7, có thể thấy diện mạo nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Người dân đều phấn khởi trước những thay đổi của quê hương và kỳ vọng vào chủ trương lớn của Đảng về hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.
Tại đồi chè của gia đình chị Trần Thị Hạnh, thôn Khe Năm, tiếng cười nói rộn ràng của các hộ dân đang đổi công hái chè. Chị Hạnh chia sẻ, gia đình chị có 4.000 cây chè bát tiên và 3.000 m² chè trung du. Tham gia Hợp tác xã chè Khe Năm, chị luôn chú trọng chất lượng sản phẩm, chăm sóc chè nghiêm ngặt theo mô hình sản xuất chè hữu cơ. Nhờ đó, gia đình chị có thu nhập ổn định mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Dẫn chúng tôi đi thăm các đồi chè khác, anh Vũ Văn Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Hợp tác xã chè Khe Năm cho biết, nhận thấy điều kiện tự nhiên phù hợp với cây chè, năm 2020 anh đã thành lập Hợp tác xã với 7 thành viên. Các thành viên tập trung chăm sóc cây chè bát tiên theo tiêu chuẩn hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập.

Người dân thôn Khe Năm, xã Hưng Khánh, tỉnh Lào Cai chế biến chè bằng máy sao thủ công. Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN
Sau thời gian ngắn đi vào hoạt động, thấy rõ hiệu quả kinh tế từ trồng chè hữu cơ, nhiều hộ dân đăng ký tham gia. Đến nay, Hợp tác xã có 86 thành viên. Nhờ tuân thủ kỹ thuật trồng, chăm sóc, sản lượng chè khô bát tiên Khe Năm ngày càng được ưa chuộng và đặt hàng ổn định. Sản phẩm chè Khe Năm đã đạt OCOP 4 sao của tỉnh, tạo thu nhập từ 65–70 triệu đồng/người/năm cho các thành viên.
Thời gian tới, Hợp tác xã tiếp tục mở rộng diện tích, chú trọng khâu chăm sóc để không ngừng nâng cao chất lượng, hướng đến mục tiêu đưa sản phẩm chè Khe Năm đến với người tiêu dùng trong cả nước.
Tương tự, sau hợp nhất, xã Hưng Khánh có thêm tiềm năng mở rộng diện tích trồng tre măng bát độ. Hiện nay, bà con trong xã đang bước vào mùa thu hoạch măng với tâm trạng phấn khởi vì một vụ mùa bội thu.
Ông Nguyễn Văn Hậu, thôn Ngọn Đồng, xã Hưng Khánh, chia sẻ: Năm 2018, khi xã có chủ trương vận động nhân dân trồng tre măng bát độ, gia đình ông đã mạnh dạn đăng ký. Hiện gia đình có 800 gốc tre, trong đó 250 gốc đang cho thu hoạch. Dự kiến năm nay, sản lượng đạt trên 7 tấn, mang lại giá trị khoảng 40 triệu đồng. Dù giá bán thấp hơn năm trước, nhưng tre măng vẫn là loại cây trồng hiệu quả vì ít công chăm sóc, mùa thu hoạch tập trung từ tháng 6 đến tháng 9, còn lại người dân có thể làm thêm việc khác để tăng thu nhập.
Anh Lê Văn Luyện, Trưởng phòng Kinh tế xã Hưng Khánh cho biết, sau hợp nhất, xã có nhiều tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp. Hiện xã đã định hình các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn như: chè chất lượng cao, tre măng bát độ, quế. Toàn xã có gần 190 ha chè (trong đó 70 ha chè chất lượng cao, sản lượng chè búp tươi năm 2025 ước đạt 1.250 tấn, trị giá gần 40 tỷ đồng); gần 1.900 ha tre măng bát độ (sản lượng khoảng 10.600 tấn, giá trị 60 tỷ đồng); hơn 3.000 ha quế (sản lượng quế khô khoảng 1.000 tấn, giá trị trên 40 tỷ đồng). Ngoài ra, chăn nuôi cũng phát triển với sản lượng thịt hơi trên 1.100 tấn/năm, giá trị khoảng 70 tỷ đồng.
Tập trung nhiều giải pháp

Hiện nay, diện tích cây tre măng bát độ tại xã Hưng Khánh, tỉnh Lào Cai đạt gần 1.900 ha, sản lượng măng hằng năm đạt 10.600 tấn, với giá trị trên 60 tỷ đồng. Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN
Để khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội sau hợp nhất, Đảng ủy xã Hưng Khánh xác định tầm nhìn dài hạn là phát triển các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực chất lượng cao gồm: tre măng bát độ, quế, chè chất lượng cao, gỗ nguyên liệu và chăn nuôi quy mô tập trung.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh cho biết, thời gian tới, xã sẽ tập trung triển khai các giải pháp như: tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa; mở rộng diện tích vùng nguyên liệu tre bát độ, trồng quế theo hướng hữu cơ, phát triển vùng chè chất lượng cao. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ trong nông nghiệp; quảng bá sản phẩm, kết nối doanh nghiệp với vùng nguyên liệu; thu hút đầu tư vào khu công nghiệp Hưng Khánh để nâng cao tỷ lệ lấp đầy.
Tuy nhiên, là xã miền núi nên việc triển khai các kế hoạch kinh tế vẫn gặp khó khăn, nhất là về hạ tầng giao thông và đầu ra sản phẩm. Xã mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư nâng cấp các tuyến đường, mở rộng khu công nghiệp, tạo việc làm và đầu ra sản phẩm; hỗ trợ vốn cho các mô hình kinh tế và dịch vụ tư nhân.
Tại xã Yên Bình (tỉnh Lào Cai), nhiệm kỳ 2025–2030, Đảng bộ và nhân dân xã quyết tâm xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đoàn kết; khai thác hiệu quả động lực tăng trưởng mới, đưa Yên Bình trở thành xã phát triển của tỉnh vào năm 2030.

Măng được tập kết tại các cơ sở thu mua để sơ chế và xuất bán cho các công ty chế biến. Ảnh: Tiến Khánh/TTXVN
Bí thư Đảng ủy xã Yên Bình, ông Lê Minh Đức cho biết: Trong nhiệm kỳ mới, Đảng bộ xã xác định 4 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm và 18 chỉ tiêu chủ yếu; trong đó, phấn đấu đến năm 2030, thu ngân sách đạt 550 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 11,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/năm. Để đạt mục tiêu, xã sẽ cụ thể hóa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thành nghị quyết, đề án, kế hoạch phù hợp với thực tiễn; xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh; phát triển kinh tế gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại; phát triển văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân...
Sau hợp nhất, tỉnh Lào Cai xác định 25 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025. Trong đó, tỉnh đặt mục tiêu GRDP bình quân đầu người đạt 83,9 triệu đồng; tăng trưởng GRDP đạt 8,06%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,6%; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 72.900 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 3.120 triệu USD; tỷ lệ giảm nghèo đa chiều 2,68%; chỉ số hạnh phúc đạt 68,3%...
Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục đổi mới, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách; tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông liên vùng, hạ tầng khu - cụm công nghiệp; phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, tạo việc làm, thu hút lao động đến sinh sống, làm việc tại địa phương; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh; phát triển hài hòa kinh tế với văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống người dân./.