Trong một góc nhỏ bình dị giữa bản Cát Cát, tiếng hát ngập tràn trong nắng sớm, những đứa trẻ người Mông ngân vang bài ca về Bác Hồ kính yêu. Những ánh mắt trong veo, nụ cười rạng rỡ của các em níu bước chân du khách. Không gian ấy không chỉ là lớp học, mà là một mái nhà của ký ức, nơi những giá trị văn hóa đang được truyền trao bằng cả trái tim.
Sau khi nghỉ hưu vào tháng 4/2019, ông Giàng Seo Gà (66 tuổi, Nguyên Giám đốc trung tâm văn hóa huyện Sa Pa (nay là phường Sa Pa), nghệ nhân ưu tú của người Mông) đã nhận lời mời của Công ty du lịch Cát Cát đứng lớp truyền dạy văn hóa Mông. Lớp học của ông Giàng Seo Gà chỉ có một tấm bảng đen nhỏ, vài viên phấn, dụng cụ thủ công, cùng với những tâm hồn thơ trẻ, đầy háo hức khám phá cội nguồn.
Các em nhỏ từ lớp 1 đến lớp 9 ngồi quây quần bên nhau, nghe thầy giảng giải bằng cả tiếng H'Mông (Mông) và tiếng Việt. Không khí giản dị, gần gũi mà lấp lánh một điều gì rất thiêng liêng, như lời ông bộc bạch: Từng nét vẽ trên bảng, là từng sợi dây kết nối thế hệ hôm nay với truyền thống cha ông.

“Nhiều khoảng thời gian tôi gặp áp lực khi truyền dạy văn hoá cho các em, nhưng tôi luôn cố gắng giải thích chi tiết, cụ thể nhất, bằng song ngữ, từ tiếng Mông dịch sang tiếng Việt… để các em nắm bắt được tất cả những văn hóa truyền thống của người Mông. Và khi có những nhà nghiên cứu hỏi các em: Hoa văn này có ý nghĩa như thế nào? Cửa chính, cửa phụ, bàn thờ… được sắp đặt ở đâu? Tại sao có tục lệ đó?… Tôi muốn các em đủ hiểu biết để trả lời được những điều ấy, không chỉ bằng trí nhớ mà bằng sự tự hào”, ông Giàng Seo Gà nói, ánh mắt xa xăm nhưng rực lên niềm tin.
Có những em không nói được tiếng Mông. Về nhà, nói chuyện với cha mẹ bằng tiếng phổ thông mà cha mẹ nhiều người không biết chữ, không hiểu tiếng phổ thông, nên khoảng cách thế hệ càng rộng hơn. Lớp học nhỏ tại bản Cát Cát vì thế không chỉ là nơi lưu giữ ký ức dân tộc, mà còn là nhịp cầu nối giữa những cha mẹ với con cái; là nơi để những đứa trẻ biết rằng, đằng sau mỗi khúc dân ca, mỗi đường kim mũi chỉ, là lịch sử, là cả một hồn cốt dân tộc đang đợi được đánh thức.


Tại lớp học, ông Giàng Seo Gà cần mẫn truyền dạy cho các em nhỏ chữ viết của người Mông, cùng những phong tục, tập quán, làn điệu dân ca, điệu múa dân vũ, kỹ thuật thêu thùa, in sáp ong, thổi kèn lá, kèn môi… để các em nhỏ học và ghi nhớ sâu trong trí óc của mình về cội nguồn với những nét truyền thống của dân tộc mình.
Lịch học cũng được sắp xếp linh hoạt để phù hợp với cuộc sống của các em. Vào những ngày thường, khi các em bận học ở trường, lớp văn hóa sẽ mở vào cuối tuần. Riêng trong kỳ nghỉ hè, các em được học liên tục suốt ba tháng, mỗi buổi kéo dài 45 phút, nghỉ 15 phút rồi lại tiếp tục, đều đặn từ sáng đến chiều.


Bên cạnh đó, ông Giàng Seo Gà còn dạy các em những bài hát tam ca bằng tiếng Mông, tiếng Việt và tiếng Anh để rồi từ lớp học nhỏ ấy, những “nghệ sĩ nhí” người Mông đã tự tin bước ra biểu diễn tại Hà Nội, tại Sapa trong những sự kiện văn hóa lớn.
“Năm ngoái, tại Lễ công bố quyết định và trao chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia Nghệ thuật làm trang phục của người Mông đen, các em nhỏ trong lớp của tôi đã được mời biểu diễn. Đó là niềm vui không thể đo đếm”, ông Giàng Seo Gà kể.
Trước đây, Cát Cát từng là một vùng khó khăn, trẻ em bỏ học, lang thang, tình trạng chèo kéo khách du lịch gây nhiều phiền lòng. Nhưng kể từ khi mô hình du lịch cộng đồng được phát triển, cuộc sống người dân thay đổi rõ rệt và lớp học của ông Giàng Seo Gà chính là một “mắt xích” quan trọng trong hành trình ấy.


Công ty du lịch Cát Cát còn hỗ trợ mỗi em 100 nghìn đồng/ngày khi tham gia lớp học, đây vừa là động lực, vừa là cách kéo các em rời xa những thói quen không lành mạnh. “Không xin kẹo, xin tiền; không chèo kéo du khách, bán hàng rong… mà học để làm người Mông tự tin, tự trọng”, ông Giàng Seo Gà nói.
“Nhiều em nhỏ nói với tôi: Sau này cháu muốn làm thầy giáo như ông. Nghe vậy, tôi xúc động lắm. Những gì mình đang làm sẽ được tiếp nối bởi chính các em nhỏ trong lớp học…”, giọng ông chùng xuống, ánh mắt ánh lên niềm tin.
Dưới mái nhà mộc mạc ấy, từng thế hệ học sinh đã và đang dần lớn lên cùng những câu chuyện, bài học, tiếng khèn, điệu hát Mông... Không chỉ giữ lại nét đẹp của bản làng, ông Giàng Seo Gà còn đang gieo vào lòng các em niềm tự hào sâu sắc rằng mình là người Mông, mình có văn hóa, có những giá trị truyền thống để gìn giữ.