Đến tháng 5/2025, tỉnh Quảng Trị đã giao hơn 19.200 ha rừng tự nhiên; khoán khoảng 50.000 ha rừng cho các cá nhân, hộ dân và cộng đồng quản lý. Qua đó, tăng hiệu quả bảo vệ rừng, tạo sinh kế cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng miền núi, biên giới.

Cộng đồng bản Trăng - Tà Puồng, xã Hướng Việt, huyện miền núi Hướng Hóa được giao bảo vệ 230 ha rừng tự nhiên. Diện tích rừng ở bản Trăng - Tà Puồng có vai trò quan trọng khi ở giữa vùng đệm của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, nơi có nhiều loài động vật quý hiếm như nai, vọoc chà vá…
Theo ông Hồ Văn Giỏi, Trưởng ban quản lý bảo vệ rừng cộng đồng bản Trăng - Tà Puồng, đơn vị có 22 thành viên đều là người sinh sống ở địa phương được tập huấn, trang bị kỹ kiến thức, kỹ năng bảo vệ rừng như tuần tra, tuyên truyền, hướng dẫn phòng cháy rừng, trồng rừng. Khu rừng đơn vị quản lý có tiềm năng làm du lịch cộng đồng khi có thác Tà Puồng, bao quanh thác là cánh rừng được cộng đồng bảo vệ nên giữ được cảnh quan hùng vĩ, hoang sơ hấp dẫn du khách. Cộng đồng bản Trăng - Tà Puồng bảo vệ rừng cũng là tạo sinh kế bền vững với việc làm du lịch cộng đồng.
Cùng với giao rừng, tỉnh Quảng Trị cũng đẩy mạnh khoán bảo vệ rừng theo Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng. Tỉnh hiện có 248.000 ha rừng, trong đó diện tích được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng là khoảng 50.000 ha. Nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng hàng chục tỷ đồng mỗi năm vừa giúp cộng đồng bảo vệ rừng, vừa giúp giảm nghèo ở vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều sinh sống. Chỉ tính riêng ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa đã có trên 2.100 hộ và cá nhân, 35 cộng đồng, cùng hàng chục tổ nhóm nhận khoán bảo vệ rừng.
Ban Quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị đang quản lý trên 65.600 ha rừng của hai khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa và Đakrông, cùng với Khu bảo vệ cảnh quan đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Đơn vị này đang khoán bảo vệ trên 17.400 ha rừng cho các hộ, nhóm hộ, công đồng.
Theo đại diện lãnh đạo Ban Quản lý rừng đặc dụng tỉnh Quảng Trị, khoán bảo vệ rừng tạo động lực cho cá nhân, hộ và cộng đồng tham gia bảo vệ rừng khi có thu nhập. Để nâng cao hiệu quả khoán bảo vệ rừng, đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn cá nhân, cộng đồng các kỹ năng, ứng công nghệ; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát và nghiệm thu đối với diện tích rừng khoán bảo vệ./.