Bắc Ninh vài nét tổng quan

Bắc Ninh vài nét tổng quan
1. Vị trí địa lý

Bắc Ninh là tỉnh nằm trong vùng châu thổ Sông Hồng, thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Vị trí địa lý nằm trong phạm vi từ 20o 58’ đến 21o 16’ vĩ độ Bắc và 105o 54’ đến 106o 19’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp tỉnh Bắc Giang; Phía Đông và Đông Nam giáp với tỉnh Hải Dương; Phía Nam giáp tỉnh Hưng Yên; Phía Tây giáp thành phố Hà Nội.

Bản đồ hành chính tỉnh Bắc Ninh
Bản đồ hành chính tỉnh Bắc Ninh

2. Điều kiện tự nhiên

Địa hình

Với vị trí nằm trong vùng đồng bằng Bắc Bộ nên địa hình của tỉnh Bắc Ninh khá bằng phẳng, có hướng dốc chủ yếu từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông, được thể hiện qua các dòng chảy nước mặt đổ về sông Cầu, sông Đuống và sông Thái Bình. Mức độ chênh lệch địa hình trên toàn tỉnh không lớn. Vùng đồng bằng chiếm phần lớn diện tích toàn tỉnh có độ cao phổ biến từ 3 – 7m so với mực nước biển và một số vùng thấp trũng ven đê thuộc các huyện Gia Bình, Lương Tài, Quế Võ. Địa hình trung du đồi núi chiếm tỷ lệ rất nhỏ khoảng (0,53%) so với tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh được phân bố rải rác thuộc thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn, huyện Quế Võ, các đỉnh núi có độ cao phổ biến từ 60 – 100m, đỉnh cao nhất là núi Bàn Cờ (thành phố Bắc Ninh) cao 171m, tiến đến là núi Bu (huyện Quế Võ) cao 103m, núi Phật Tích (huyện Tiên Du) cao 84m và núi Thiên Thai (huyện Gia Bình) cao 71m.

Thủy văn

Mạng lưới sông ngòi thuộc tỉnh Bắc Ninh khá dày đặc, mật độ khá cao từ 1,0 – 1,2km/km2 (theo số liệu của Đài KTTV Bắc Bộ) với 3 hệ thống sông lớn chảy qua gồm sông Đuống, sông Cầu, sông Thái Bình.

Sông Đuống: có chiều dài 67km trong đó 42km nằm trên phạm vi tỉnh Bắc Ninh, tổng lượng nước bình quân năm là 31,6 tỷ m3. Tại Bến Hồ, mực nước cao nhất ghi lại là 9,7m, mực nước thấp nhất tại đây là 0,07m; Lưu lượng dòng chảy vào mùa mưa là 3053,7m3/s và mùa khô là 728m3/s.

Sông Cầu: Có tổng chiều dài là 289km, trong đó đoạn chảy qua tỉnh Bắc Ninh dài khoảng 69km và đồng thời là ranh giới tỉnh giữa Bắc Ninh với Bắc Giang, có tổng lưu lượng nước hàng năm khoảng 5 tỷ m3. Tại Đáp Cầu, mực nước cao nhất ghi được là 7,84m, mực nước thấp nhất là âm 0,19m. Lưu lượng dòng chảy vào mùa mưa là khoảng 1288,5m3/s và vào mùa khô là 52,74m3/s.

Sông Thái Bình: Thuộc hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình, sông có chiều dài khoảng 93km trong đó đoạn chảy qua tỉnh Bắc Ninh dài 16km, có tổng lưu lượng nước hàng năm khoảng 35,95 tỷ m3. Do phần lớn lưu vực sông bắt nguồn từ các vùng đồi trọc miền Đông Bắc, đất đai bị xói mòn nhiều nên hàm lượng phù sa lớn. Mặt khác, với đặc điểm lòng sông rộng, độ dốc thấp và đáy nông nên sông Thái Bình là một trong những sông có lượng phù sa bồi đắp nhiều nhất. Tại trạm thủy văn Cát Khê, lưu lượng dòng chảy vào mùa mưa là khoảng 2224,71m3/s và vào mùa khô là 336,45m3/s.

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có sông Cà Lồ nằm ở phía Tây của tỉnh, một phần của sông có chiều dài 6,5km là đường ranh giới tỉnh giữa Bắc Ninh với thành phố Hà Nội và hệ thống sông ngòi nội địa như sông Ngũ Huyện Khê, sông Dâu, sông Bội, sông Tào Khê, sông Đồng Khởi, sông Đại Quảng Bình.

Với hệ thống sông ngòi khá dày đặc và có lưu lượng nước mặt dồi dào, thủy văn của tỉnh Bắc Ninh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác tưới và tiêu thoát nước trên địa bàn toàn tỉnh.

Khí hậu

- Nhiệt độ - độ ẩm:

Bắc Ninh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa với bốn mùa khá rõ rệt, có mùa đông lạnh, mùa hè nóng nực. Trong khoảng 12 năm trở lại đây, nhiệt độ trung bình năm là 24,0oC, nhiệt độ trung bình tháng cao nhất là 29,4oC (tháng 7), nhiệt độ trung bình thấp nhất là 17,4oC (tháng 1). Sự chênh lệch nhiệt độ giữa tháng cao nhất và tháng thấp nhất là 12,0oC.

Độ ẩm tương đối trung bình của Bắc Ninh khoảng 81%, độ chênh lệch về độ ẩm giữa các tháng không lớn, độ ẩm tương đối trung bình thấp nhất từ 72% đến 75% thường xảy ra từ tháng 10 đến tháng 12 trong năm.

- Lượng mưa:

Lượng mưa trung bình hàng năm tại Bắc Ninh khoảng 1500mm nhưng phân bổ không đều trong năm. Mùa mưa chủ yếu từ tháng 5 đến tháng 10, chiếm 80% tổng lượng mưa cả năm. Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau chỉ chiếm 20% tổng lượng mưa trong năm. Khu vực có lượng mưa trung bình lớn nhất thuộc thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong, huyện Tiên Du, còn khu vực có lượng mưa trung bình nhỏ nhất thuộc huyện Quế Võ.

- Số giờ nắng- gió:

Khoảng 12 năm trở lại đây, tổng số giờ nắng trung bình là 1417 giờ, trong đó tháng có giờ nắng trung bình lớn nhất là tháng 7 với 168 giờ, tháng có giờ nắng trung bình ít nhất là tháng 1 với 64 giờ. Hàng năm có hai mùa gió chính: gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam. Gió mùa Đông Bắc thịnh hành từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, tốc độ gió trung bình vào tháng 1 khoảng 2,6m/s; gió mùa Đông Nam thịnh hành từ tháng 4 đến tháng 9 mang theo hơi ẩm gây mưa rào, tốc độ trung bình vào tháng 7 khoảng 2,4m/s.

Tài nguyên đất

Theo số liệu kiểm kê đất năm 2010, tổng diện tích đất tự nhiên của tỉnh Bắc Ninh là 82,272 km2; Diện tích lớn nhất là đất nông nghiệp chiếm 65,85%, trong đó đất Lâm nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ chỉ với 0,81%; Đất phi nông nghiệp chiếm 33,31% trong đó đất ở chiếm 12,83%; Diện tích đất chưa sử dụng chiếm 0,84%.

Địa chất – khoáng sản

- Địa chất:

Đặc điểm địa chất lãnh thổ Bắc Ninh mang những nét đặc trưng của cấu trúc địa chất thuộc vùng trũng sông Hồng, có bề dày trầm tích đệ tứ chịu ảnh hưởng rõ rệt của cấu trúc mỏng. Tuy nhiên nằm trong miền kiến tạo Đông Bắc – Bắc Bộ nên cấu trúc địa chất lãnh thổ Bắc Ninh có những nét còn mang tính chất của vòng cung Đông Triều vùng Đông Bắc. Trên lãnh thổ Bắc Ninh có mặt loại đất đá có tuổi từ Pecmi, Trias đến Đệ tứ, song chủ yếu là thành tạo Đệ tứ bao phủ gần như toàn tỉnh. Lớp thành tạo Đệ tứ chiếm ưu thế về địa tầng lãnh thổ, nằm trên các thành tạo cổ, có thành phần thạch học chủ yếu là bồi tích, bột, cát bột và sét bột. Bề dày các thành tạo đệ tứ biến đổi theo quy luật trầm tích rất rõ ràng, có độ dày tăng dần từ 5m đến 10m ở các khu vực chân núi tới 20m đến 30m ở các vùng trũng và dọc theo các con sông chính như sông Cầu, sông Thái Bình, sông Đuống, sông Ngũ Huyện Khê. Các thành tạo Trias muộn và giữa phân bố hầu hết ở trên các núi và dãy núi, thành phần thạch học chủ yếu là cát kết, sạn kết và bột kết. Bề dày các thành tạo  khoảng từ 200m đến 300m. Với đặc điểm này địa chất của tỉnh Bắc Ninh có tính ổn định hơn so với Hà Nội và các đô thị vùng đồng bằng Bắc Bộ khác trong việc xây dựng công trình.

- Khoáng sản:

Bắc Ninh là tỉnh nghèo về tài nguyên khoáng sản, chủ yếu thiên về vật liệu xây dựng với các loại  khoáng sản sau: đất sét, cát xây dựng và than bùn. Trong đó, đất sét được khai thác làm gạch, ngói, gốm có trữ lượng lớn được phân bổ dọc theo sông Cầu, sông Đuống thuộc phạm vi các huyện Thuận Thành, Gia Bình, Quế Võ, Yên Phòng và Tiên Du; Đất sét làm gạch chịu lửa phân bổ chủ yếu tại khu vực phường Thị Cầu, thành phố Bắc Ninh. Cát xây dựng cũng là nguồn tài nguyên chính có trữ lượng lớn của Bắc Ninh được phân bố hầu như khắp toàn tỉnh, dọc theo sông Cầu, sông Đuống.

Thực vật

Thực vật của Bắc Ninh chủ yếu là cây trồng hàng năm, cây trồng lâu năm và rừng trồng. Trong đó diện tích cây trồng hàng năm chiếm 54% diện tích đất tự nhiên, diện tích đất tự nhiên, diện tích đất trồng cây lâu năm và đất rừng trồng chiếm diện tích chỉ xấp xỉ 1%.1. Vị trí địa lý

3. Lịch sử - văn hóa

Bắc Ninh là vùng đất ngàn năm văn hiến; có gần 700 người đỗ trạng, nghè, cống, có Cổ Loa, Luy Lâu, Long Biên đã là Thủ đô của nước Việt Nam; thời Bắc thuộc có nền kinh tế và văn hóa phát triển, một địa bàn quân sự trọng yếu của đất nước. Suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân địa phương từ đời này đến đời khác đã đổ nhiều xương máu đánh đuổi kẻ thù xâm lược để giữ vững chủ quyền độc lập của Tổ quốc, quê hương; lao động tích cực và sáng tạo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội xây dựng cuộc sống ngày càng phồn thịnh và hạnh phúc.

Địa giới tỉnh Bắc Ninh qua các thời kỳ lịch sử như sau:

Thời Hùng Vương- An Dương Vương, đây là đất bộ Vũ Ninh trong nhà nước Văn Lang- Âu Lạc. Dưới thời Lý, địa phương có tên là Lộ Bắc Giang. Đến thời Hồ lại tách ra thành Lộ Bắc Giang và Lộ Lạng Giang.

Sang thời Lê: Sau một thời gian mang tên là Bắc Đạo, đến năm 1469, dưới triều Lê Thánh Tông, đổi thành trấn Kinh Bắc. Trên 4 thế kỷ, trấn Kinh Bắc ổn định số lượng 20 huyện nằm trong 4 phủ.

Dưới triều Nguyễn: Năm 1823, trấn Kinh Bắc đổi thành trấn Bắc Ninh. Năm 1831, trấn Bắc Ninh đổi thành tỉnh Bắc Ninh. Thời kỳ này, tỉnh Bắc Ninh có 21 huyện, diện tích khoảng 6.000 km2, với số dân chừng 70 vạn người.

Thời thuộc Pháp: Tháng 10 năm 1895, thực dân Pháp chia Bắc Ninh thành 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, lấy sông Cầu làm địa giới. Trong những năm cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, thực dân Pháp tiếp tục thay đổi địa giới để cuối cùng tỉnh Bắc Ninh còn 10 phủ, huyện là: phủ Từ Sơn, phủ Thuận Thành, phủ Gia Lâm và các huyện Văn Giang, Gia Bình, Lang Tài, Quế Dương, Võ Giàng, Tiên Du và Yên Phong.

Ngày 19 tháng 10 năm 1938, chính quyền thuộc địa Pháp ở nước ta quyết định nâng cấp thị xã Bắc Ninh lên thành phố cấp III.

Thời kỳ Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tỉnh Bắc Ninh đặt dưới sự quản lý của ủy ban hành chính Bắc Bộ, rồi ủy ban hành chính Liên khu I, Liên khu Việt Bắc. Để thuận lợi cho việc chỉ đạo, quản lý, Quốc hội, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh địa giới các huyện, xã của tỉnh Bắc Ninh như sau: Tháng 8 năm 1950, huyện Gia Lương ra đời trên cơ sở hợp nhất Gia Bình và Lang Tài; huyện Quế Võ ra đời tháng 10 năm 1962, trên cơ sở hợp nhất Quế Dương và Võ Giàng; huyện Tiên Sơn ra đời tháng 3 năm 1963, sau khi Tiên Du, Từ Sơn đã chuyển một số xã sang Gia Lâm và Đông Anh; chuyển xã Đông Thọ, xã Văn Môn sang Yên Phong, nhận của Yên Phong hai xã Tương Giang và Phú Lâm và từ Quế Võ xã Khắc Niệm, xã Võ Cường. Tháng 4 năm 1961, huyện Gia Lâm cùng một số xã của các huyện Thuận Thành, Tiên Du, Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh được chuyển giao về Hà Nội.

Ngày 27 tháng 10 năm 1962, Quốc hội khóa II ra Nghị quyết hợp nhất hai tỉnh Bắc Ninh- Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc, với 14 huyện, 2 thị xã. Ngày 01 tháng 4 năm 1963, đơn vị hành chính mới chính thức đi vào làm việc.

Sau 1/3 thế kỷ hợp nhất, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX, ngày 06 tháng 11 năm 1996 đã ra Quyết định phê chuẩn việc tái lập hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang. Ngày 1 tháng 1 năm 1997, tỉnh Bắc Ninh chính thức hoạt động theo đơn vị hành chính mới. Thị xã Bắc Ninh trở thành thị xã tỉnh lỵ. Tỉnh Bắc Ninh có diện tích tự nhiên gần 822,7km2 với 1 thị xã, 5 huyện, có 123 xã, phường, thị trấn; dân số 925.997 người, là tỉnh có mật độ dân số cao (1.163 người/km2).

Sau khi tỉnh Bắc Ninh được tái lập để thuận lợi cho việc chỉ đạo, Quốc hội, Chính phủ đã quyết định điều chỉnh địa giới các huyện, xã của tỉnh Bắc Ninh như sau: Tại nghị định số 68/1999/NĐ- CP ngày 9 tháng 8 năm 1999, Chính phủ quyết định chia tách huyện Gia Lương thành hai huyện Lương Tài và Gia Bình; huyện Tiên Sơn thành huyện Từ Sơn và Tiên Du. Tháng 4 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ có Nghị định số 37/2002/NĐ-CP thành lập đơn vị hành chính: phường Suối Hoa, thị xã Bắc Ninh và thị trấn Gia Bình, huyện Gia Bình. Tháng 1 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ có Nghị định số 15/2006/NĐ-CP thành lập thành phố Bắc Ninh. Tháng 9 năm 2008 thị xã Từ Sơn được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của huyện Từ Sơn và thành lập phường Trang Hạ thuộc thị xã Từ Sơn. 

Thời gian và thay đổi địa giới hành chính tuy đã làm cho diện mạo của tỉnh Bắc Ninh có những thay đổi, nhưng mảnh đất ngàn năm văn hiến, địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống văn hóa, truyền thống yêu nước và cách mạng vẫn trường tồn và phát triển.

Vùng đất Bắc Ninh xa xưa gồm các khối đồi gò bên cạnh các ô ruộng trũng, đầm lầy và rừng rậm. Từ thời Lý đến thời Hồ (thế kỷ XI đến thế kỷ XV), rừng Báng (Đình Bảng) vẫn đầy ắp lâm lộc, hoa nghị và gỗ quý, đặc biệt là loại củ mài nhỏ có công hiệu chữa bệnh hơn cả sâm Trung Quốc. Vào thời nhà Hồ, rừng ở đây vẫn khai thác được hàng vạn cây ô mễ (tức gỗ mun) dùng vào việc rào sông, ngăn cửa biển đề phòng giặc Minh xâm lược. Ở Cổ Loa, rừng vẫn bạt ngàn, trong rừng cũng có loại củ mài là thứ đầu vị trong các thứ cống hiến, nó thú vị hơn cả củ mài ở rừng Báng. Ngày nay, dấu tích của rừng còn để lại trong các tên gọi như huyện Đông Ngàn (huyện rừng), Núi Lim (núi của rừng gỗ lim), rừng Sặt (Trang Liệt), rừng Cả (Tam Tảo), rừng Mành (Giới Tế), cùng với rừng (trám, sấu, thông) trải kín núi đồi vùng Đông Sơn, Phật Tích.

Do sự biến cải của thiên nhiên và bằng lao động sáng tạo của biết bao thế hệ nhân dân Bắc Ninh, các thảm thực vật đã được vùi lấp, các ô trũng và các vùng sình lầy đã được tạo dựng thành đồng ruộng, vườn bãi, ao hồ để trồng lúa, trồng ngô, cây ăn quả và nuôi thả tôm, cá. Nạn lụt lội và thiên tai đã từng gây cho con người biết bao thảm họa, đã được chuyển dòng chảy vào các con sông, con ngòi, phục vụ cho cuộc sống của con người. 

Bắc Ninh thuộc vùng đồng bằng, được hình thành trên trầm tích sa bồi, với loại đất chủ yếu là phù sa. Đồng đất và khí hậu tạo cho nhân dân trong tỉnh sản xuất ra loại thóc gạo ngon nhất, xứng đáng với lời ngợi ca: Đạm thực diệc giai Kinh Bắc (cơm Kinh Bắc ăn nhạt cũng ngon).

Từ xa xưa, nhân dân Bắc Ninh đã sớm chú ý đến sản xuất vật phẩm tiêu dùng, tiểu thủ công nghiệp. Hệ thống làng nghề xuất hiện sớm như gò đúc đồng (Đề Cầu, Đại Bái, Quảng Bố, Trang Liệt), chuyên làm đồ hàng sắt (Đa Hội, Đông Xuất, Ân Phú, Việt Yên, Thị Cầu, Nga Hoàng), làm đồ gốm (Bát Tràng, Phù Lãng), dệt vải lụa (Nội Duệ, Lũng Giang, Duệ Đông, Tiêu, Hồi Quan, Xuân ổ, Tam Tảo, Tam Sơn, Yên Phụ, Phù Ninh, Thống Thiện, Thượng Mão, Lãng Ngâm, Bà Dương, Tuyên Bá, Lĩnh Mai, Ngọc Trì), nung gạch ngói (Xuân ổ, Vĩnh Kiều, Tấn Bào, Tiêu Sơn, Lũng Giang), chạm đồ gỗ (Hương Mạc, Kim Thiều, Phù Khê), làm đồ sơn mài (Đình Bảng, Nội Trì, Lam Cầu, Phù Dực, Định Cương), làm cày bừa (Đông Xuất), làm giấy dó (Xuân ổ, Phong Khê), làm tranh (Đông Hồ), làm thợ mộc, thợ xẻ (Thiết Úng, Kim Bảng, Phù Khê, Đồng Kỵ, Đại Vi, Đỗ Xá, Tư Thế, Chi Nê...), làm thợ ngõa, thợ nề (Vĩnh Kiều, Tiêu Sơn, Lễ Xuyên, Nội Duệ, Chi Nê, Ngăm Điền, Đặng Xá...).

Hoạt động buôn bán ở Bắc Ninh cũng khá sôi nổi, ở các chợ kẻ bán người mua tấp nập, nhộn nhịp đông vui. Chợ Giầu, huyện Đông Ngàn (nay là TX Từ Sơn) là chợ sầm uất vào loại nhất tỉnh. Chợ Lim, huyện Tiên Du, bán nhiều tơ sống. Chợ Nội Trà, huyện Yên Phong, quán xá đông đúc, hàng hóa nhiều. Do thương mại phát triển nên đã xuất hiện các làng buôn như Phù Lưu, Đình Bảng (Từ Sơn) có tới 70-80% số người trong làng chuyên nghề buôn bán.

Dù làm ruộng, làm nghề thủ công hay buôn bán, từ thượng cổ cho đến ngày nay, nhân dân Bắc Ninh vẫn sống cùng nhau với mô hình cộng đồng làng xóm. Mái đình, giếng nước, cây đa đã gắn bó dân làng với nhau hết sức keo sơn, tràn đầy tình nghĩa.

Ở Bắc Ninh, đình không chỉ là nơi thờ thành hoàng của làng, là nơi tế tự và hội họp mà đình còn là nơi mở hội làng. Gần như hết mùa xuân các làng xã của Bắc Ninh đều vào đám và mở hội. Mỗi hội có những nét riêng, nhưng nhiều người ca ngợi về Hội Lim - hội chùa và hội Quan họ với làn điệu dân ca trữ tình mượt mà độc đáo; hội Đình Bảng ca ngợi 8 đời vua Lý có công mở ra thời kỳ văn minh Đại Việt; hội Dâu, hội chùa. Các hội chùa đã tạo ra không khí tươi vui, lành mạnh trong vùng. Về nghệ thuật, dân ca Quan họ Bắc Ninh với hàng trăm làn điệu trữ tình được nhiều người mê say, ngưỡng mộ.

Theo nhiều ngả khác nhau, Phật giáo đã vào Bắc Ninh từ đầu Công nguyên. Dòng Nam Phương và Quan Bích là cơ sở chủ yếu của đạo Phật ở Việt Nam. Đạo Thiên chúa xuất hiện ở Bắc Ninh vào đầu thế kỷ XVIII. Thôn Tử Nê thuộc xã Phá Lãng (Lương Tài) đón nhận sớm nhất, rồi truyền bá sang các thôn Lai Tê, Nghĩa La, Hương La. Sau đó các nhà truyền giáo tiếp tục dựng đặt thêm cơ sở ở Phượng Mao, Phong Cốc, Xuân Hòa…(Quế Võ), Ngô Khê, Đông Tảo (Yên Phong), Dũng Vi (Tiên Du), Cẩm Giang (Từ Sơn), Ngăm Điền (Gia Bình).

Nho giáo và Hán học vào Bắc Ninh từ đầu Công nguyên, để từ đó lan tỏa đi khắp đất nước. Tuy nhiên đến thời nhà Lý, Nho giáo và Hán học mới được phát triển. Suốt chặng đường 825 năm (1075-1901), tham gia thi cử tại nơi cửa khổng, nho sĩ Bắc Ninh đã giành nhiều vị trí hàng đầu cả về số lượng và học vị.

Xứ Kinh Bắc đỗ đại khoa có tới gần 700 người. Có trạng nguyên khai khoa Lê Văn Thịnh, quê xã Đông Cứu, huyện Gia Bình. Khoa Mậu Thân (1508), nho sĩ Bắc Ninh chiếm giải Tam khôi: trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, người xã Hương Mạc, huyện Đông Ngàn; bảng nhỡn Hứa Tam Tỉnh, người xã Như Nguyệt, huyện Yên Phong; thám hoa Nguyễn Hữu Nghiêm, người xã Phúc Khê, huyện Đông Ngàn. Ở xã Hoài Bão, huyện Tiên Du có Nguyễn Đăng Hạo thi hương, thi hội, thi đình, thi đông các đều đỗ đầu. Đi sứ, nổi tiếng ở nước Tàu, được vua nhà Thanh tặng là khôi nguyên. Em trai là Nguyễn Đăng Minh đỗ cùng bảng và cháu gọi bằng chú là Nguyễn Đăng Đạo đỗ trạng nguyên. Gia đình là một vọng tộc ở huyện Tiên Du- trạng nguyên Nguyễn Đăng Đạo đi sứ, thông minh, tài giỏi kiệt xuất được phong lưỡng quốc trạng nguyên, khi Nguyễn Đăng Đạo mất được vua ban cờ và câu đối:

Tiến sĩ thượng thư thiên hạ hữu
Trạng nguyên tể tướng thế gian vô.
Dịch:
Thiên hạ có tiến sĩ làm chức thượng thư
Thế gian hiếm trạng nguyên lại là tể tướng.

Xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn có bảng nhỡn Ngô Đạm với chức hàn lâm thi thư, dự hội Tao Đàn được phong tước Thái Bảo. Trạng nguyên Ngô Miễn Thiệu là con. Tiến sĩ Ngô Diễn và Ngô Dịch là cháu ông. Cha truyền con nối hiển đạt, là một dòng họ danh vọng ở Đông Ngàn.

Trong cái biển học mênh mông suốt mấy trăm năm đó, làng Kim Đôi nổi bật hơn cả bởi sự đồ sộ về số lượng đại khoa.

Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí viết: “Về những họ nối đời hiển đạt như các họ ở làng Kim Đôi, Vịnh Kiều, Vân Điềm, Vọng Nguyệt đều hơn cả một xứ… Làng Kim Đôi ở huyện Võ Giàng có họ Nguyễn từ Nhân Thiếp trở xuống ba đời thi đỗ 13 người. Đầu thời Lê, năm anh em đồng thời cùng đỗ cả, con cháu nối nhau đỗ cao làm quan to trong triều”.

Đại Nam nhất thống chí ghi đậm nét hơn: “Năm anh em cùng làm quan một triều, đời bấy giờ ví anh em nhà này như Ngũ Quế ở Yên Sơn. Thánh Tông từng bảo thị thần rằng: Kim Đôi gia thế, chu tử mãn triều (gia thế làng Kim Đôi áo đỏ áo tía đầy triều). Như thế là có ý khen ngợi nhiều lắm”.

Châu Cổ Pháp xưa, nay là làng Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh là nơi phát tích vương triều Lý, một vương triều có 9 đời vua (1009-1225) với 216 năm trị vì đã xây dựng nên một nền văn minh Đại Việt.

Bắc Ninh đã sản sinh và cung cấp cho đất nước một đội ngũ trí thức tài đức, hiểu rộng biết nhiều, có nhãn quan tinh tế. Họ là nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà quản lý xuất sắc của đất nước.

Trong dòng văn học thành văn bằng chữ Hán- còn gọi là văn học Hán học, dòng thơ thiền với tên tuổi của Nguyễn Học, Thiền Lão, Lâm Khu, Tô Minh Trí (Yên Phong); Vạn Hạnh, Đàm Cứu Chỉ, Phạm Thường Chiếu, Vương Minh Thiềm, Lý Ngọc Kiều (Từ Sơn), đã đem vào thi ca sự khoáng đạt, những tâm niệm về nhân sinh với những nét đặc sắc Việt Nam.

Đội ngũ văn nhân thi sĩ Bắc Ninh vào thời Lê đã để lại nhiều ấn phẩm có giá trị: Vũ Mộng Nguyên với Vị khê thi tập; Nguyễn Thiên Tích có Tiên Sơn thi tập; Đào Cừ, Đàm Văn Lễ cùng biên soạn Thiên Nam dư học tập; Thái Thuận có Lã Đường thi tập; Đàm Thận Huy có Mạc trai thi tập; Nguyễn Giản Thanh có Thượng Côn châu ngọc tập; Nguyễn Đăng Đạo có Phụng sứ tập; Nguyễn Công Hãng có Trịnh xà thi tập; Nguyễn Gia Thiều có Cung oán ngâm khúc; Đoàn Thị Điểm có Chinh phụ ngâm; Lê Ngọc Hân có Ai tư vãn. Phơi bụng viết kinh là quan thám hoa người Hoài Bão- Nguyễn Đăng Hạo, tài hoa độc đáo lưu danh muôn thủa. Người nhà Thanh (Trung Hoa) bấy giờ kính phục than rằng: “địa linh nhân kiệt đời nào cũng có, nhưng vượt trội hơn cả từ nay về sau chỉ có một Đăng Hạo”.

Mạch văn học ấy dưới thời Nguyễn cũng phát triển với những tên tuổi như Hoàng Văn Hòe, Cao Bá Quát, Nguyễn Cao, Nguyễn Tư Giản. Đến nay Bắc Ninh lại rất đỗi tự hào là quê hương của nhiều nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Huy Tưởng, Kim Lân, Trần Đức Thảo, Hoàng Tích Chu, Nam Xương, Thế Lữ, Nguyễn Ngọc Tuyết, Hoàng Cầm, Hồ Bắc, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Nguyễn Phan Hách và bao tài năng trẻ khác. Những tác phẩm văn học và nghệ thuật cùng với những tên tuổi của các tác giả ấy là niềm tự hào và sẽ sống mãi cùng với quê hương, đất nước.

Người Bắc Ninh thanh lịch, hào hoa, thông minh, sáng tạo. Các thế hệ người Bắc Ninh có tính cộng đồng cao, luôn đoàn kết thủy chung bên nhau, vượt khó đi lên xây dựng quê hương, đấu tranh dũng cảm, kiên cường bảo vệ quê hương, đất nước.

Vùng đất trù phú nơi đây khi xưa vốn là “xứ Kinh Bắc”, nổi tiếng với nhiều làng nghề và các lễ hội dân gian phong phú diễn ra hàng năm. Vào năm 1822, xứ Kinh Bắc được Nhà Nguyễn đổi tên thành tỉnh Bắc Ninh. Đến tháng 10.1962, theo Nghị quyết của Quốc hội Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tỉnh Bắc Ninh sáp nhập với tỉnh Bắc Giang thành tỉnh Hà Bắc. Từ đó “Bắc Ninh” chỉ còn là tên của một đơn vị hành chính trong tỉnh Hà Bắc và có tên gọi là Thị xã Bắc Ninh. Sau đó, đến ngày 6.11.1996, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 9 kỳ họp thứ 10 đã ra Nghị quyết tái lập tỉnh Bắc Ninh.
 
Theo bacninh.gov.vn

Có thể bạn quan tâm

Từ mái ấm đến niềm tin trong hành trình sẻ chia

Từ mái ấm đến niềm tin trong hành trình sẻ chia

Sau khi hợp nhất hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, một trong những mục tiêu quan trọng được cả hệ thống chính trị tỉnh Tuyên Quang tập trung thực hiện là việc gấp rút hoàn thành Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát; qua đó, góp phần xoa dịu, sẻ chia những khó khăn với những hộ gia đình nghèo, người có công, thân nhân liệt sỹ... dựng xây một “hạ tầng an sinh” bền vững, lấy niềm tin làm điểm tựa.

Gần 2,3 tỷ đồng khắc phục sạt lở tuyến sông Ba Rày

Gần 2,3 tỷ đồng khắc phục sạt lở tuyến sông Ba Rày

Chủ tịch UBND xã Hiệp Đức (tỉnh Đồng Tháp) Phạm Công Trang cho biết, được sự hỗ trợ từ ngân sách, địa phương đang đầu tư gần 2,3 tỷ đồng xử lý khắc phục 4 điểm sạt lở nghiêm trọng bờ sông Ba Rày chảy qua địa bàn, giúp khôi phục giao thương, đi lại, khắc phục và giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ an toàn về sản xuất và đời sống người dân.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 35 xã của Cao Bằng

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 35 xã của Cao Bằng

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Cao Bằng đã ghi nhận 42 ổ dịch, làm gần 6.000 con lợn bị tiêu hủy với tổng khối lượng lên đến hơn 261 tấn tại 1.142 hộ chăn nuôi. Dịch vẫn hiện diện tại 35 xã chưa qua thời gian cách ly 21 ngày, khiến nguy cơ lan rộng tiếp tục gia tăng.

Quảng Ngãi sớm khắc phục sạt lở do mưa lũ trên Tỉnh lộ 624B

Quảng Ngãi sớm khắc phục sạt lở do mưa lũ trên Tỉnh lộ 624B

Tỉnh lộ 624B là tuyến giao thông trọng điểm kết nối Quốc lộ 1 với các xã phía Tây tỉnh Quảng Ngãi. Tuyến đường có lưu lượng phương tiện vận tải và người dân đi lại khá lớn. Tuy nhiên, đợt mưa lũ tháng 11/2024 đã xuất hiện điểm sạt lở nghiêm trọng tại Km14+500 (đoạn qua xã Đình Cương) đe dọa đến an toàn của người và phương tiện tham gia giao thông.

Hiệu quả thiết thực từ chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương'

Hiệu quả thiết thực từ chương trình 'Đồng hành cùng phụ nữ biên cương'

Ngày 15/7, tại xã A Dơi và xã Lìa, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hồ Chí Minh và Ban Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thành phố phối hợp tổ chức Hội nghị tổng kết chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2021 - 2025.

Tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Ngã ba Cò Nòi

Tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Ngã ba Cò Nòi

Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày truyền thống lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam (15/7/1950 - 15/7/2025), ngày 15/7, Tỉnh đoàn Sơn La tổ chức Chương trình dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong và những người Việt Nam yêu nước đã hy sinh tại Ngã ba Cò Nòi và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Khu di tích lịch sử Ngã ba Cò Nòi, xã Mai Sơn.

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 14 xã của Phú Thọ

Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 14 xã của Phú Thọ

Ngày 15/7, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Phú Thọ, hiện nay tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, đã phát sinh trên địa bàn 14 xã, với tổng số lợn ốm, chết, tiêu hủy 722 con, nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan là rất cao, nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không áp dụng biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.

Chủ động hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục về đất đai

Chủ động hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục về đất đai

Trước nhu cầu giải quyết hồ sơ, thủ tục đất đai tăng cao, cán bộ phường Bình Phước (tỉnh Đồng Nai) chủ động xuống cơ sở hỗ trợ người dân thông qua mô hình tổ lưu động hỗ trợ người dân trong cấp mới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu. Đây được coi là bước cải cách mạnh mẽ, thể hiện rõ nỗ lực của địa phương với mục tiêu "lấy nhân dân là trung tâm phục vụ”.

Phát triển nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực vật lý thiên văn tại Việt Nam

Phát triển nguồn nhân lực trẻ trong lĩnh vực vật lý thiên văn tại Việt Nam

Ngày 14/7, tại phường Quy Nhơn Nam (Gia Lai), Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE) khai mạc Trường hè SAGI 2025 với sự tham dự của gần 40 nhà khoa học, nhà nghiên cứu trẻ, nghiên cứu sinh, kỹ sư, kỹ thuật viên và sinh viên đến từ 5 quốc gia.

Vụ sầu riêng đầu mùa gặp khó do mưa kéo dài

Vụ sầu riêng đầu mùa gặp khó do mưa kéo dài

Do mưa lớn kéo dài, chất lượng sầu riêng tại các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai sụt giảm rõ rệt, khiến người dân bước vào vụ thu hoạch với nhiều lo lắng và khó khăn về đầu ra sản phẩm.

Nỗi lo sạt lở mùa mưa

Nỗi lo sạt lở mùa mưa

Hàng năm, cứ đến mùa mưa bão, trên địa bàn tỉnh Cà Mau lại tái diễn tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển khiến cho đời sống sản xuất, sinh hoạt và lưu thông của người dân gặp nhiều khó khăn, xáo trộn.

Sản phẩm OCOP thổi hồn mới cho đặc sản Vĩnh Long

Sản phẩm OCOP thổi hồn mới cho đặc sản Vĩnh Long

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đang từng bước góp phần thúc đẩy chuyển dịch kinh tế nông thôn tại Vĩnh Long. Nhiều sản phẩm “quê” đã được nâng tầm đạt chuẩn OCOP, được chăm chút về chất lượng, mẫu mã và bao bì, có truy xuất nguồn gốc, câu chuyện vùng miền trở thành “đại sứ quê hương”, vừa hỗ trợ người dân nâng cao thu nhập vừa lan tỏa nét đẹp truyền thống văn hóa .

Khẩn trương di dời các hộ dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở tại Lào Cai

Khẩn trương di dời các hộ dân khỏi vùng nguy cơ sạt lở tại Lào Cai

Trong 24 giờ qua, nhiều khu vực tại Lào Cai ghi nhận mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa đo được trên 60 mm, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở và ngập úng. Lực lượng chức năng Lào Cai tại cơ sở đã nhanh chóng triển khai các biện pháp ứng phó, kịp thời hỗ trợ các hộ dân di dời đến nơi an toàn.

Tuổi trẻ góp sức xây dựng chính quyền địa phương hai cấp

Tuổi trẻ góp sức xây dựng chính quyền địa phương hai cấp

Phát huy tinh thần xung kích, đồng hành cùng chính quyền cơ sở trong cải cách hành chính, đặc biệt sau khi triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp, những ngày qua, tuổi trẻ tỉnh Quảng Ngãi đã giúp người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến thuận tiện, dễ dàng hơn.

Tuyên Quang ổn định chỗ ở cho cán bộ sau hợp nhất

Tuyên Quang ổn định chỗ ở cho cán bộ sau hợp nhất

Đến nay, tỉnh Tuyên Quang có trên 400 cán bộ, công chức, viên chức công tác tại tỉnh Hà Giang (cũ) về làm việc sau khi hợp nhất. Để đội ngũ này yên tâm công tác, việc bảo đảm ổn định chỗ ở, điều kiện sinh hoạt đang được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm.

Phú Thọ vận hành chính quyền địa phương 2 cấp gần dân, sát dân

Phú Thọ vận hành chính quyền địa phương 2 cấp gần dân, sát dân

Sau khi sáp nhập và vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, mặc dù khối lượng công việc nhiều, khó khăn phát sinh không ít, nhưng các xã, phường ở tỉnh Phú Thọ đã chủ động khắc phục khó khăn, đảm bảo hoạt động theo phương châm xây dựng chính quyền hiệu lực, hiệu quả, gần dân, sát dân.