Sau cuộc cải cách hành chính lịch sử, hệ thống Mặt trận tổ quốc (MTTQ) tỉnh Cà Mau đã từng bước đi vào ổn định.
Dù đối mặt với những khó khăn ban đầu về nhân sự và tổ chức, nhưng mô hình mới đã chứng minh tính ưu việt khi tạo ra sự tự chủ, hiệu quả hơn cho cơ sở và đặc biệt, trở thành một “cú hích” mạnh mẽ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, giúp công tác điều hành ngày càng đi vào thực chất.
Từ “nút thắt” nhân sự đến “cú hích” chuyển đổi số

Qua việc sáp nhập, tỉnh Cà Mau với tầm vóc mới đã định hình trên dải đất cuối trời Nam. Đây không chỉ là “thủ phủ tôm” của cả nước mà còn là một trung tâm năng lượng tái tạo, với nền kinh tế đa dạng. Hợp nhất địa giới hành chính cũng tạo nên một không gian văn hóa phong phú với cộng đồng nhiều dân tộc cùng chung sống đoàn kết.
Chính trong bối cảnh địa lý rộng lớn cùng sự đa dạng về kinh tế - văn hóa, vai trò kết nối, tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết của MTTQ càng được thử thách, đòi hỏi việc nhanh chóng ổn định hoạt động, từ đó, tạo nền tảng cho sự chuyển mình mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Tại xã Phong Hiệp (trước đây thuộc tỉnh Bạc Liêu cũ), câu chuyện về ổn định tổ chức và sắp xếp nhân sự nổi lên như một trong những nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách nhất sau sáp nhập.
Theo ông Nguyễn Việt Khái, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phong Hiệp, mô hình hoạt động mới đã mang lại sự tự chủ và hiệu quả rõ rệt cho cơ sở. Luồng công việc đi thẳng từ cấp tỉnh xuống xã mà không qua khâu trung gian giúp tiết kiệm đáng kể thời gian. Việc các hội, đoàn thể trực thuộc và hoạt động thống nhất cùng MTTQ xã cũng giúp việc triển khai nhiệm vụ dễ dàng hơn. MTTQ xã cũng có thể chủ động hơn trong quyết định công nhận các chức danh cho tổ chức thành viên, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Việt Khái cũng thẳng thắn nhìn nhận những thách thức không nhỏ, với “nút thắt” lớn nhất nằm ở công tác tổ chức và nhân sự. Trong giai đoạn đầu sau sắp xếp, nhiều đoàn thể thành viên thiếu các chức danh cấp phó. Áp lực này càng gia tăng khi khối lượng công việc ở giai đoạn mới sáp nhập nhiều hơn đáng kể, trong khi đội ngũ cán bộ Mặt trận cấp xã còn hạn chế về chuyên môn, phần lớn là người mới hoặc được điều chuyển từ nơi khác về.
Trước thực trạng trên, địa phương đã có những giải pháp kịp thời để từng bước kiện toàn bộ máy. Trong thời gian tới, xã sẽ nỗ lực hoàn thiện các chức danh còn thiếu khi được cấp trên thống nhất. Đồng thời, cán bộ MTTQ cấp xã sẽ chủ động lên kế hoạch và kiến nghị cấp trên tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ để cán bộ từ ấp đến xã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Với diện tích lên đến hơn 200 km², địa bàn có nhiều hệ thống kênh rạch chằng chịt và giao thông thường xuyên bị chia cắt bởi sạt lở, bài toán quản lý và kết nối tại xã Tân Tiến từng là một thách thức lớn. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, công cuộc sáp nhập lại bất ngờ trở thành một “cú hích” mạnh mẽ cho chuyển đổi số. Việc ứng dụng công nghệ đã giúp tăng tính kịp thời, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành và báo cáo, biến khó khăn về địa lý thành lợi thế để đổi mới.
Theo anh Nguyễn Minh Thái, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Tiến, Mặt trận cấp xã đã áp dụng hệ thống thông tin điều hành tác nghiệp của các cơ quan Đảng để chuẩn hóa quy trình tiếp nhận thông tin và báo cáo. Song song đó, các hội đoàn thể thành viên tại địa phương cũng tận dụng hiệu quả các nhóm mạng xã hội để kết nối, chia sẻ thông tin. Trong thời gian đầu hoạt động, các công cụ như biểu mẫu, khảo sát trực tuyến được sử dụng để quản lý hoạt động, thống kê lại số lượng đoàn viên, hội viên và các mô hình “dân vận khéo” trên địa bàn.
Anh Nguyễn Minh Thái cho biết, với tinh thần “vừa làm, vừa rút kinh nghiệm”, những khó khăn ban đầu do thiếu sự thống nhất trong chỉ đạo và quy định chưa cụ thể đã từng bước được khắc phục, đưa hoạt động chung đi vào nền nếp. Mô hình phối hợp mới vừa đảm bảo các đoàn thể duy trì được tính tự chủ theo điều lệ, vừa phát huy được sức mạnh tập thể, không còn tình trạng chồng chéo như trước.
Để hướng đến một nền công tác Mặt trận chuyên nghiệp và vững mạnh từ cơ sở, Ủy ban MTTQ xã Tân Tiến kiến nghị MTTQ cấp tỉnh hỗ trợ thiết kế các chương trình tập huấn kỹ năng, quy trình làm việc phù hợp với đặc thù địa phương; tiếp tục đơn giản hóa, số hóa công tác báo cáo. Đặc biệt, xã đề xuất một cơ chế phân bổ kinh phí linh hoạt, không chỉ nhằm đảm bảo chi phí đi lại trên địa bàn sông nước phức tạp mà còn là nguồn lực quan trọng để nhân rộng các mô hình hiệu quả và kịp thời động viên, khen thưởng những điển hình tiên tiến.
Tư duy mới, cấu trúc mới

Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cà Mau, sau khi kiện toàn bộ máy, nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu được xác định là tiếp tục củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt tại những địa bàn có sự thay đổi về địa giới hành chính. Để thực hiện mục tiêu, MTTQ tỉnh đề ra những chủ trương hoạt động cốt lõi, gồm: Đổi mới phương thức hoạt động theo hướng gần dân và sát cơ sở; phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, phản biện xã hội; tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số; kiện toàn tổ chức để xây dựng đội ngũ cán bộ “có tâm, có tầm”, đáp ứng yêu cầu mới.
Nhằm đảm bảo việc quản lý thông suốt từ tỉnh đến 64 xã, phường sau khi bỏ cấp huyện, Ủy ban MTTQ tỉnh đã áp dụng nhiều phương pháp điều hành mới. Một trong những giải pháp then chốt là tăng cường phân cấp, giao quyền chủ động nhiều hơn cho Mặt trận cấp xã trong việc triển khai các cuộc vận động, quản lý các quỹ, giám sát và phản biện xã hội. Song song đó, tỉnh đã thành lập 10 ban chuyên môn, nơi các Phó Chủ tịch của các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh kiêm nhiệm trưởng ban, tạo ra kênh chỉ đạo trực tiếp và đồng bộ từ tỉnh xuống xã theo từng lĩnh vực. Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin qua các phần mềm dùng chung, họp trực tuyến và thành lập các cụm thi đua do tỉnh điều phối trực tiếp cũng góp phần khắc phục khoảng trống điều hành, tạo ra một phương thức hoạt động linh hoạt, hiện đại và hiệu quả hơn.
Lý giải về chủ trương thống nhất các tổ chức chính trị - xã hội trong "mái nhà chung" Mặt trận, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Võ Thị Ngọc Hân khẳng định, đây là bước đi đột phá nhằm xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Mục tiêu chiến lược là giải quyết dứt điểm tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ khi một việc có nhiều tổ chức cùng làm gây lãng phí và không rõ trách nhiệm. Mô hình giúp giảm đầu mối, biên chế, tăng cường nguồn lực cho cơ sở; giải quyết các vấn đề của người dân một cách nhanh chóng, hiệu quả hơn.
Bà Võ Thị Ngọc Hân dẫn chứng, trước đây việc khắc phục vấn đề thiếu nước sạch có thể bị chậm trễ do phải qua nhiều cấp, nhiều tổ chức. Nay, với mô hình tinh gọn, thông tin từ khu dân cư có thể chuyển thẳng lên MTTQ xã, nơi Chủ tịch Mặt trận nhanh chóng triệu tập các đoàn thể để huy động nguồn lực giải quyết ngay, qua đó góp phần nâng cao niềm tin của nhân dân. Để dung hòa các tổ chức với những bản sắc riêng trong một cơ cấu chung, vai trò của Mặt trận là kết nối, điều phối chứ không làm thay. Sự lãnh đạo của Mặt trận là sự dẫn dắt bằng định hướng chiến lược và các giá trị cốt lõi chung chứ không phải là sự chỉ đạo mệnh lệnh hành chính. Mỗi tổ chức thành viên vẫn giữ địa vị pháp lý, con dấu riêng và hoạt động theo điều lệ riêng, đảm bảo được tính “độc lập tương đối” trong một chỉnh thể hài hòa. Mục tiêu cuối cùng là thống nhất về tư tưởng và hành động, nhưng “sự thống nhất ấy không đồng nghĩa với sự đồng nhất”.
Thẳng thắn nhìn nhận, quá trình cải cách sâu rộng và toàn diện nào cũng không tránh khỏi những thách thức ban đầu, Ủy ban MTTQ tỉnh xác định, khó khăn lớn nhất trong giai đoạn này là công tác tổ chức, sắp xếp nhân sự và sự thay đổi trong tư duy, phương thức làm việc. Tuy nhiên, với quyết tâm chính trị cao, Ủy ban MTTQ tỉnh đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp đồng bộ, gồm: Sắp xếp bộ máy và nhân sự theo lộ trình hợp lý, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo sự đồng thuận; đặc biệt, tập trung đào tạo, bồi dưỡng toàn diện cho đội ngũ cán bộ cấp xã.
Theo bà Võ Thị Ngọc Hân, định hướng mà Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh hướng tới không chỉ dừng lại ở việc xây dựng một hệ thống được tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu quả và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ mà trên hết, đó là việc khẳng định vị thế của Mặt trận với vai trò là một liên minh chính trị vững chắc, trung tâm quy tụ và phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết của mọi tầng lớp nhân dân. Chính sức mạnh đó sẽ được chuyển hóa thành hành động cụ thể, nguồn lực to lớn để chung tay xây dựng và phát triển vùng đất cực Nam của Tổ quốc ngày càng giàu đẹp, văn minh./.