Tại tỉnh Cà Mau, chuyển đổi số đã và đang đóng vai trò quan trọng trong sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã khi góp phần thay đổi phương thức sản xuất, giải phóng sức lao động; giúp các hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị. Với tầm quan trọng như vậy, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh các giải pháp để giúp các hợp tác xã thực hiện thành công chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Ứng dụng công nghệ hiệu quả
Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Ba Đình (xã Vĩnh Lộc, tỉnh Cà Mau) thành lập tháng 11/2018, hiện có 252 thành viên, với số vốn góp 300 triệu đồng, vốn lưu động là 1,2 tỷ đồng; diện tích canh tác 651 ha, với mô hình sản xuất lúa - tôm và các mô hình kinh tế khác.
Ông Nông Văn Thạch, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc Hợp tác xã cho biết: Để thực hiện chuyển đổi số nhanh và hiệu quả, Hợp tác xã xác định yếu tố quan trọng là đội ngũ cán bộ phải có đủ năng lực và trình độ. Hiện nay, tất cả các thành viên trong Hội đồng quản trị tuổi đời còn khá trẻ, tốt nghiệp đại học và sử dụng tốt công nghệ thông tin. Hợp tác xã cũng nhận được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau, Công ty Sorimachi Việt Nam trong việc tiếp cận, ứng dụng phần mềm nhật ký sản xuất FaceFarm và phần mềm kế toán hợp tác xã WACA vào hoạt động quản lý. Việc ứng dụng FaceFarm giúp Hợp tác xã theo dõi quy trình sản xuất một cách hệ thống, đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn canh tác bền vững và dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, Hợp tác xã đã số hóa quy trình sản xuất bằng hệ thống truy xuất nguồn gốc. Người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR được gắn trên tem truy xuất nguồn gốc NBC-Trace của Trung tâm mã số, mã vạch Quốc gia là có thể tra cứu đầy đủ về thông tin sản phẩm, quá trình sản xuất của sản phẩm.
Bên cạnh đó, trong các hoạt động sản xuất lúa - tôm, Hợp tác xã cũng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ số vào canh tác sản xuất. Đến nay, cơ bản các hoạt động sản xuất đều ứng dụng máy móc như: Máy bay không người lái trong gieo sạ, bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật; máy gặt đập liên hợp, máy sạ cụm... Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ số đã góp phần giảm công sức lao động, giảm chi phí trong sản xuất, từ đó góp phần tăng thêm thu nhập cho xã viên.

Chủ tịch Hội đồng quản trị - Giám đốc hợp tác xã Ba Đình cho biết: Ngoài những lợi ích mang lại trong quản lý, việc ứng dụng công nghệ số còn giúp Hợp tác xã tăng cường kết nối với thị trường. Thông qua nền tảng thương mại điện tử và các giải pháp số, sản phẩm của Hợp tác xã tiếp cận được nhiều đối tác hơn, gia tăng giá trị và mở rộng đầu ra. Hợp tác xã đã tăng được sản lượng hàng hóa tiêu thụ, mở rộng năng lực sản xuất so với trước khi tham gia các hoạt động chuyển đổi số, xúc tiến thương mại trên các nền tảng thương mại điện tử.
Hướng tới phát triển bền vững
Tương tự, Hợp tác xã Artemia Vĩnh Châu - Bạc Liêu (phường Hiệp Thành) được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2003, chủ yếu sản xuất và kinh doanh trứng Artemia. Ông Cao Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã cho biết, sản phẩm của Hợp tác xã hiện được tiêu thụ trên khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, trong đó có các thị trường khó tính như Nhật Bản và châu Âu với kim ngạch gần 1 triệu USD mỗi năm. Để làm được như vậy, Hợp tác xã chú trọng đến chất lượng sản phẩm hàng hóa, thông qua chuỗi liên kết. Cùng với đó, Hợp tác xã đăng tải, giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên nhiều trang Website trong và ngoài tỉnh, các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Zalo, Facebook của hợp tác xã...; qua đó, góp phần đưa sản phẩm của Hợp tác xã ngày càng vươn xa.
Từ thực tiễn của quá trình phát triển, ông Cao Thành Văn cho rằng ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là con đường tất yếu để Hợp tác xã phát triển bền vững. “Thời gian tới, chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế để mở rộng mô hình này đến nhiều hợp tác xã, giúp xã viên tiếp cận công nghệ và thương mại hiện đại”, ông Văn chia sẻ.

Trạm theo dõi thời tiết và bẫy côn trùng giúp các hợp tác xã chủ động, nâng cao hiệu quả trong canh tác lúa. Ảnh: TTXVN phát
Theo ông Nguyễn Văn Vũ, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau: Toàn tỉnh hiện có 612 hợp tác xã, trong đó có 484 hợp tác xã nông nghiệp. Theo đánh giá, chuyển đổi số đã tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý, giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho các hợp tác xã. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ số vào quảng bá sản phẩm đã mở ra nhiều cơ hội mới cho hợp tác xã, nhất là trong xuất khẩu nông sản ra nước ngoài.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau ước tính hiện có khoảng gần 40% hợp tác xã đảm bảo điều kiện về trang thiết bị công nghệ thông tin đáp ứng cấu hình phù hợp để áp dụng phần mềm quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc như: Máy tính để bàn, laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng và được kết nối mạng internet; đa phần các trang thiết bị có thể đáp ứng việc nâng cấp, ứng dụng công nghệ số và cập nhật phần mềm quản lý, truy xuất nguồn gốc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Cà Mau cho biết: Để nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã gắn với chuyển đổi số, tỉnh sẽ tăng cường công tác tuyền thông, phổ biến để nâng cao nhận thức về phát triển kinh tế số, xã hội số trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã; tập trung phổ biến các ứng dụng, sử dụng các nền tảng số, dịch vụ số và công nghệ số để các hợp tác xã, thành viên tiếp cận. Tỉnh tăng cường mở các lớp bồi dưỡng, cũng như đưa các chuyên đề ứng dụng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao năng lực sử dụng, vận hành các dịch vụ số, công nghệ số, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã...
Tỉnh Cà Mau sẽ huy động các nguồn lực, kết nối các đối tác trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã chuyển đổi số; kết nối và tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua chuyển đổi số. Trước mắt, tỉnh tập trung hỗ trợ các hợp tác xã đưa sản phẩm nông nghiệp, chủ lực, OCOP lên sàn thương mại Postmart.vn, Voso.vn và các sàn thương mại điện tử khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số./.