Trên độ cao gần 1.000 m so với mực nước biển, nơi dãy Tây Côn Lĩnh sừng sững vươn mình giữa trời mây, những gốc chè Shan tuyết cổ thụ ở xã Cao Bồ (huyện Vị Xuyên) vẫn xanh tốt giữa sương gió đại ngàn. Từ những cây chè hàng trăm năm tuổi ấy, người Dao Cao Bồ đang từng bước đánh thức tiềm năng nông nghiệp đặc sản, phát triển kinh tế xanh và xây dựng mô hình du lịch bản địa gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống.

Chè Shan tuyết từ lâu đã là “tài sản xanh” của người dân Cao Bồ. Toàn xã hiện có 820 ha chè Shan tuyết; trong đó khoảng 757 ha đang cho thu hoạch. Riêng vùng chè cổ thụ có 273 cây với tuổi đời từ 100 - 400 năm, phân bố tại các thôn: Lùng Tao, Tham Vè, Tát Khao, Thác Hùng, Thác Tăng, Khuổi Luông... Được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp, tôm chè Shan tuyết tại đây có lớp phấn trắng tự nhiên, nước trà vàng óng, thơm dịu và ngọt hậu, mang đậm hương vị núi rừng Đông Bắc. Năm 2011, sản phẩm chè Cao Bồ đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế (IFOAM). Năm 2016, quần thể cây chè cổ của xã Cao Bồ được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

Không chỉ giữ vai trò cây trồng truyền thống, chè Shan tuyết Cao Bồ nay đã trở thành sản phẩm chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương. Hiện xã có hơn 20 cơ sở chế biến; trong đó nổi bật là Công ty cổ phần Trà Hữu Cơ Cao Bồ và 3 hợp tác xã chuyên chế biến sâu các dòng trà cao cấp. Mỗi năm, công ty thu mua khoảng 1.000 tấn chè tươi, sản xuất trên 30 loại trà như: phổ nhĩ sống, phổ nhĩ chín, bạch trà, hồng trà, trà bánh nghệ thuật… phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu sang Đức, Pháp, Séc, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Đông... Mỗi năm tổng doanh thu từ chè toàn xã đạt trên 12 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững.

Bên cạnh giá trị kinh tế, chè Shan tuyết còn mở ra hướng phát triển du lịch trải nghiệm. Lễ hội “Miền trà di sản”, chương trình trekking đồi chè, học sao chè thủ công và uống trà trong không gian homestay mang đậm bản sắc Dao đã giúp Cao Bồ trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách, đặc biệt là khách quốc tế yêu thích văn hóa bản địa và lối sống xanh.
Ông Nguyễn Đình Tuyên, Bí thư Đảng ủy xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên cho biết: “Chúng tôi xác định cây chè Shan tuyết là sản phẩm chủ lực trong phát triển kinh tế. Vì vậy xã luôn khuyến khích người dân canh tác hữu cơ, chú trọng nâng cao chất lượng chè và khai thác tốt lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng, góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc và tạo thêm nguồn thu bền vững”.

Những người hái chè Xuân trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN
Dẫu vậy, phát triển cây chè vẫn còn nhiều thách thức như: giống chè có nguy cơ thoái hóa, một số người dân chưa quen với quy trình sản xuất hữu cơ, công nghệ chế biến chưa đồng đều. Để giải bài toán này, địa phương đã tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ giống đạt chuẩn, tập huấn kỹ thuật, đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học vào chăm sóc, chế biến, bảo quản chè. Đồng thời, tập trung xây dựng thương hiệu, cải tiến mẫu mã bao bì, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm.
Mới đây ngày 8/5, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh Hà Giang đã phối hợp tổ chức Hội thảo khởi động dự án bảo tồn, phát huy giá trị “Quần thể di sản chè Shan tuyết cổ thụ” gắn với cải thiện sinh kế cho cộng đồng vùng đệm Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Côn Lĩnh. Dự án được kỳ vọng sẽ tiếp thêm nguồn lực, giải pháp và hướng đi bền vững để cây chè Shan tuyết tiếp tục khẳng định vị thế - không chỉ là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, mà còn là biểu tượng văn hóa đặc sắc nơi địa đầu Tổ quốc.

Đôi vợ chồng người Dao địu con đi hái chè Xuân trên đỉnh Tây Côn Lĩnh. Ảnh: Đức Thọ/TTXVN
Là một du khách may mắn được tham dự Ngày hội văn hóa “Miền trà di sản” tại xã Cao Bồ và trực tiếp xem các nghệ nhân người Dao sao chè thủ công trên bếp củi, chảo gang, anh Leo Martin, đến từ Pháp, chia sẻ: “Tôi đã từng uống nhiều loại trà ở Trung Quốc, Nhật Bản, nhưng hương vị trà Shan tuyết nơi đây thực sự rất đặc biệt - nó mạnh mẽ mà sâu lắng, có chút chát đầu lưỡi nhưng rồi ngọt dịu nơi cổ họng, như một lời thì thầm của núi rừng sau những cung bậc cảm xúc. Tôi thích nhất là được ngồi trong căn nhà gỗ truyền thống, uống trà do chính người bản địa pha và lắng nghe họ kể chuyện về cây chè, về rừng, về tổ tiên. Đó là một trải nghiệm văn hóa rất sâu sắc”.
Còn với anh Triệu Chòi Phin, người dân xã Cao Bồ chia sẻ: Cây chè Shan tuyết không chỉ là ký ức cha ông, mà là kế sinh nhai bền vững cho cả gia đình: “Trước kia, nhà tôi chỉ trông vào ngô, lúa nương, thu nhập bấp bênh. Giờ nhờ có cây chè Shan, mỗi vụ bán được vài chục triệu đồng, lại có đoàn khách đến học sao chè, nghỉ lại nhà mình, thu nhập ổn định hơn nhiều. Tôi thấy tự hào vì nghề này là của ông bà để lại, giờ mình gìn giữ được mà còn có thêm cái ăn, cái mặc”.

Giữa đại ngàn Tây Côn Lĩnh, mỗi búp trà Shan tuyết không chỉ là kết tinh của đất trời và bàn tay cần mẫn, mà còn là nhịp cầu kết nối giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và khát vọng vươn lên từ chính bản sắc của người dân vùng cao nơi địa đầu cực Bắc của Tổ quốc./.