Hiện nay, tại huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn), ước sơ bộ diện tích bí xanh thơm chết khoảng 10 ha, bị nhiễm bệnh khoảng 80 ha có khả năng chết và không cho thu hoạch, chủ yếu tập trung ở cánh đồng thuộc các xã Yến Dương, Địa Linh, Chu Hương, Hà Hiệu, Khang Ninh.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc xác minh, làm rõ nguyên nhân diện tích cây bí xanh thơm vụ Xuân năm 2025 bị bệnh, chết trên địa bàn huyện Ba Bể, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Kạn đã sớm báo cáo về vấn đề này, trong đó đề nghị, để giữ được vùng trồng bí xanh thơm đặc sản, UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng cho thực hiện ngay nhiệm vụ khoa học với nội dung nghiên cứu thành phần sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ.

Đối với UBND huyện Ba Bể, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Kạn đề nghị chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và UBND các xã, thị trấn phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính, dự báo, xác định chính xác thời điểm phát sinh, gây hại của các loại sâu, bệnh hại chính trên cây bí xanh thơm để chủ động chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ; phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân nhận biết và biện pháp phòng trừ bệnh nứt thân chảy nhựa, bệnh héo vàng; huy động các nguồn lực để hỗ trợ người dân phòng trừ, cũng như có chính sách hỗ trợ đối với các diện tích trồng bí xanh bị chết...

Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Kạn, ngay sau khi có phản ánh của UBND huyện Ba Bể về hiện tượng cây bí xanh thơm bị chết, ngày 8/5/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã giao Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ba Bể, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Bể kiểm tra trên một số diện tích trồng cây bí xanh thơm thuộc xã Yến Dương và xã Địa Linh (huyện Ba Bể).
Kết quả kiểm tra tại thôn Khuổi Luồm (xã Yến Dương) và thôn Nà Đúc (xã Địa Linh), trên một số diện tích trồng bí xanh thơm giai đoạn ra hoa - quả non, thu hoạch có hiện tượng trên thân có đốm hình bầu dục, hơi lõm, màu vàng nhạt, có nhựa nâu đỏ, đen ứa ra, dây nứt nẻ thành vết dài màu nâu xám; một số cây gốc và rễ bị thối; thân cây và lá héo, cây bị chết; tỷ lệ cây bị chết khoảng 80 - 100% số cây. Nguyên nhân ban đầu được xác định do nấm gây bệnh nứt thân chảy nhựa, bệnh héo vàng gây ra.

Những diện tích cây bị bệnh chủ yếu tập trung ở những ruộng người dân trồng bí xanh liên tục nhiều chu kỳ. Các vật tư làm giàn bí (lưới nhựa, cọc, trụ…) được sử dụng lại từ các vụ trước; đồng thời người dân chưa áp dụng triệt để các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, như: Xử lý đất trước khi trồng, lên luống, tạo các rãnh thoát nước tránh ngập úng, bón phân cân đối, hợp lý, phun phòng bệnh… Vì vậy nguồn nấm bệnh chưa được xử lý triệt để, luôn tồn tại trên đồng ruộng, cây trồng sinh trưởng phát triển chưa được tốt.
Trong khi đó, từ đầu vụ, thời tiết hạn hán kéo dài làm ảnh hưởng sinh trưởng của cây trồng, từ ngày 1 đến 2/5/2025 trên địa bàn huyện Ba Bể có mưa rào vào ban đêm và sáng sớm, ban ngày nắng gay gắt, nhiệt độ cao, đây là điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát triển và lây lan trên diện rộng.

Trước đó, ngay từ đầu vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh và các đơn vị chuyên môn thuộc Sở đã ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây bí xanh. Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng đã chủ động phối hợp với đơn vị chuyên môn của huyện Ba Bể thường xuyên kiểm tra các giai đoạn xung yếu để có hướng dẫn kịp thời trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây bí xanh thơm.
Trong thời gian qua, chi cục đã tổ chức 2 cuộc kiểm tra, xác minh tình hình sinh trưởng, sâu bệnh hại trên cây bí xanh vào các ngày 11/4/2025 và 8/5/2025. Tại các cuộc kiểm tra, chi cục đều có hướng dẫn các biện pháp thực tế tại hiện trường; đồng thời ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết về chăm sóc, phòng trừ từng đối tượng sâu bệnh.
Để giúp người dân áp dụng kỹ thuật trong chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây bí xanh thơm, ngay từ đầu vụ sản xuất, cơ quan chuyên môn của Sở đã tổ chức 9 lớp tập huấn cho khoảng 360 lượt nông dân tại các xã Yến Dương, Địa Linh, Hà Hiệu (huyện Ba Bể) về hướng dẫn chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây bí xanh thơm theo nguyên tắc quản lý dịch hại tổng hợp.

Ngoài ra, để có được các giải pháp nhằm đảm bảo năng suất, nâng cao chất lượng và phát triển bền vững vùng trồng bí xanh thơm, năm 2024 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Sở Nông nghiệp và Môi trường) đã đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ "Thành phần sâu bệnh hại và biện pháp phòng trừ tổng hợp trên cây bí xanh thơm tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn", song đề xuất này không được phê duyệt.
Phóng viên TTXVN đã phản ánh, đầu tháng 5/2025, tại tỉnh Bắc Kạn xuất hiện nhiều giàn bí xanh thơm chỉ còn trơ khung, không có dây bí leo. Thậm chí có những giàn bí dây leo kín nhưng thân, lá bí héo rũ như bị cắt gốc... Bí xanh thơm là một loại cây đặc sản bản địa được trồng chủ yếu ở huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn). Vụ bí này huyện Ba Bể trồng khoảng 170 ha và trồng nhiều ở xã Yến Dương, xã Địa Linh. Bước đầu vùng trồng bí xanh thơm ở xã Yến Dương, xã Địa Linh đã thu hút khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm bí. Từ năm 2020, sản phẩm bí xanh thơm của một hợp tác xã ở xã Yến Dương đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao.../.