Theo Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy (tỉnh Tuyên Quang), trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đạt 312 triệu USD, tăng 132% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là mức tăng trưởng kỷ lục trong nhiều năm qua, cho thấy sự phục hồi và đột phá của hoạt động thương mại biên giới giữa tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc).

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là sầu riêng, hạt cà phê, antimon kim loại và tinh bột sắn. Ở chiều ngược lại, hàng nhập khẩu chủ yếu gồm điện năng, nhôm hợp kim và hoa tươi. Đáng chú ý, mặt hàng sầu riêng chiếm tỷ trọng lớn, với trung bình từ 40–50 xe container xuất khẩu/ngày. Sự tăng trưởng này nhờ phía Trung Quốc đã điều chỉnh rút ngắn thời gian kiểm định tồn dư hóa chất vàng O và cadimi, từ 78 giờ xuống còn 24–48 giờ.
Bà Nguyễn Thị Quỳnh, Phó Đội trưởng Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy cho biết: “Chúng tôi chú trọng cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Thời gian thông quan hàng hóa tươi sống đã rút ngắn đáng kể”.

Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng tăng cường tuần tra, giám sát khu vực biên giới, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần giữ vững an ninh trật tự khu vực cửa khẩu.
Tại khu vực Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy dòng xe container chở hàng nối dài từ bãi chờ lên tận khu vực kiểm hóa. Từng đoàn xe, chủ yếu chở sầu riêng kiên nhẫn xếp hàng làm thủ tục thông quan. Tài xế Nguyễn Văn Minh cho biết: “Trước đó đi xuất khẩu hàng nông sản qua đây khá vất vả, thủ tục nhiều, chờ đợi lâu. Tuy nhiên, nay thông thoáng hơn hẳn, cán bộ cửa khẩu hướng dẫn rất nhiệt tình, thông quan cũng nhanh hơn”.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng thu ngân sách nhà nước tại cửa khẩu đạt hơn 145 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ, đạt 75% chỉ tiêu năm. Đồng thời, có gần 12.000 lượt người làm thủ tục xuất nhập cảnh và hơn 84.000 lượt người xuất nhập biên, phản ánh rõ nét sự sôi động trở lại của giao thương biên giới.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng xác định một số nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tăng thời gian làm việc tại cửa khẩu vào mùa cao điểm; đầu tư nâng cấp bãi kiểm hóa, kho bãi trung chuyển; tăng cường phối hợp với phía Trung Quốc trong tháo gỡ vướng mắc kỹ thuật và kéo dài thời gian thông quan.

Tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của Hiệp hội xuất nhập khẩu, làm đầu mối kết nối doanh nghiệp trong nước với đối tác Trung Quốc; đồng thời nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics phục vụ xuất khẩu nông sản bền vững.
Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy đang dần khẳng định vai trò là điểm kết nối chiến lược của hành lang kinh tế biên giới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi phía Bắc và tăng cường quan hệ hợp tác Việt - Trung trên tuyến biên giới…/.