Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long tập trung triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương nhằm tăng cường nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer.

Hạ tầng giao thông từng bước hoàn chỉnh tạo điều kiện đi lại thuận tiện hơn cho người dân vùng đồng bào Khmer.
Với hơn 22.600 người đồng bào Khmer, chiếm 2,21% dân số, sống tập trung ở các huyện Tam Bình, Trà Ôn, Vũng Liêm và thị xã Bình Minh, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long tập trung triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách của Trung ương và địa phương nhằm tăng cường nguồn lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer. Sau 50 năm thống nhất đất nước, người dân đồng bào Khmer của tỉnh đã tận dụng hiệu quả các chính sách hỗ trợ, nỗ lực không ngừng để vươn lên xây dựng cuộc sống mới. Từ những phum sóc còn nhiều khó khăn, đến nay nhiều địa phương đã vươn mình phát triển trở thành những xã nông thôn mới, mang lại cuộc sống ấm no cho người dân.
Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam thực hiện 2 bài viết ghi nhận hiệu quả việc triển khai những chính sách đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Khmer trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, sự đổi thay và phát triển của các địa phương sau 50 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và giải phóng tỉnh Vĩnh Long.
Bài 1: Phát triển toàn diện
Nhằm giúp đồng bào Khmer nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, xây dựng nông thôn mới, tỉnh Vĩnh Long triển khai đồng bộ, phù hợp, hiệu quả các chủ trương, chính sách của Trung ương, của địa phương; quan tâm khơi dậy ý thức tự lực, tự cường trong nhân dân. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần người dân được cải thiện rõ rệt. Người dân có nơi ở ổn định, vốn sản xuất nên có thêm động lực để vươn lên, tạo dựng cuộc sống mới và tích cực đóng góp cho sự phát triển của địa phương.
Phum sóc đổi mới, đời sống người dân phát triển
Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với lồng ghép các chương trình của địa phương, tỉnh Vĩnh Long từng bước tạo nên sự phát triển, đổi mới trong vùng đồng bào Khmer. Đến nay, mức thu nhập bình quân đạt 76,5 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,95%. Toàn tỉnh chỉ còn 2 xã thuộc khu vực đặc biệt khó khăn. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào Khmer được đầu tư khang trang với 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được thảm nhựa; 100% ấp có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố… Đặc biệt, từ nhiều nguồn vốn, giai đoạn 2019-2024, tỉnh xây dựng và sửa chữa 785 căn nhà cho hộ nghèo, khó khăn dân tộc thiểu số, năm 2025 thực hiện hoàn thành 41 căn, cơ bản hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trong đồng bào dân tộc Khmer.
Xã Loan Mỹ (huyện Tam Bình) có 1.430 hộ dân tộc Khmer, chiếm hơn 41% số hộ toàn xã. Địa phương luôn quan tâm thực hiện công tác giảm nghèo trong nhân dân. Thông qua nhiều chính sách ưu đãi về vốn, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, an sinh xã hội đã góp phần giúp nhiều hộ nghèo vươn lên. Đến cuối năm 2024, toàn xã có 33 hộ thoát nghèo, đạt gần 118% so với chỉ tiêu đề ra.
Bí thư Chi bộ, Trưởng ấp Kỳ Son, xã Loan Mỹ Thạch Sô Phát cho biết, thời gian qua, vùng đồng bào Khmer của xã được quan tâm đầu tư nhiều chính sách, qua đó kịp thời giúp hộ dân có điều kiện cải thiện về nhà ở, đất ở, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trà Côn là xã an toàn khu thuộc huyện Trà Ôn - nơi gắn liền với truyền thống đấu tranh cách mạng. Xã có trên 30% dân số là đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Diện mạo xã không ngừng đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần người dân từng bước nâng lên. Xã cơ bản xóa hộ nghèo và đang nỗ lực phấn đấu hướng tới hoàn thành mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Gần 20 năm gắn bó với công tác Trưởng ấp, Ban Công tác Mặt trận ấp Ngãi lộ A, xã Trà Côn, ông Thạch Chuôn đã chứng kiến sự “thay da đổi thịt” trên mảnh đất này. Ông Thạch Chuôn chia sẻ: "Ngày trước mới giải phóng xong cuộc sống rất khó khăn. Nhờ Nhà nước luôn quan tâm hỗ trợ đồng bào Khmer như chính sách vay vốn phát triển kinh tế, giáo dục, xây dựng nhà cửa…nên đời sống người dân ngày càng đổi thay. Ngày nay, nhiều nhà cửa khang trang, mạng lưới giao thông được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh, nổi bật là công trình cầu Trà Ngoa, tuyến đường nhựa liên xã… giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa trở nên thuận tiện hơn, diện mạo địa phương thêm phần tươi mới".
Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn Nguyễn Chí Hiếu cho biết, trong những năm qua, huyện luôn quan tâm thực hiện chính sách của Trung ương, của tỉnh, đặc biệt là thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, thiết chế văn hóa, xây dựng chợ nông thôn cho 2 xã có đông đồng bào Khmer sinh sống, đồng thời dành kinh phí cho vay tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Thực hiện công tác giảm nghèo, đến cuối năm 2024, số hộ nghèo đồng bào dân tộc Khmer của huyện giảm 5,4%, hiện nay toàn huyện chỉ còn 31 hộ Khmer nghèo. Thời gian tới, huyện tiếp tục quan tâm thực hiện các giải pháp, mô hình giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện và động lực để các hộ nghèo, cận nghèo tiếp tục vươn lên.
Đầu tư giáo dục, hướng đến tương lai

Trường lớp được đầu tư khang trang tạo điều kiện cho học sinh vùng đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long học tập.
Bên cạnh các chính sách về phát triển kinh tế và đời sống đồng bào Khmer, tỉnh Vĩnh Long chú trọng thực hiện chính sách đào tạo và phát triển nhân lực. Toàn tỉnh hiện có 20 trường thuộc các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 14 trường đạt chuẩn Quốc gia.
Trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú (thị trấn Tam Bình, huyện Tam Bình) được xem là “cái nôi” đào tạo nguồn nhân lực vùng đồng bào Khmer trong tỉnh. Trong 10 năm qua, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp Trung học phổ thông luôn đạt 100%, hơn 60% học sinh đỗ đại học nguyện vọng 1. Nhà trường thực hiện kịp thời các chính sách của Đảng, Nhà nước trong chăm lo việc học cho học sinh vùng đồng bào Khmer, vận động thêm nguồn lực để đồng hành, giúp học sinh gắn bó với mái trường và nỗ lực trong học tập.

Trường lớp được đầu tư khang trang tạo điều kiện cho học sinh vùng đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long học tập.
Còn tại Trường Tiểu học Thạch Thia (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình), với sự quan tâm đến việc học của học sinh đồng bào Khmer, nhà trường được trang bị đầy đủ thiết bị, phục vụ tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trường hiện có 26 lớp với 742 học sinh; trong đó có 493 học sinh người dân tộc Khmer. Đến nay, trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2. Đặc biệt, Trường Tiểu học Thạch Thia là một trong những đơn vị đi đầu trong dạy tiếng Khmer cho học sinh, tăng cường tiếng Việt cho các em học tốt. Hiện tại, các em học 3 ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Khmer. Việc được quan tâm đầu tư của Nhà nước tạo điều kiện để học sinh học tốt hơn, có hứng thú và đam mê trong học tập.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Thia Nguyễn Tấn Lực chia sẻ: “Đóng góp cho công tác giáo dục của nhà trường, thời gian qua nhiều giáo viên, nhất là giáo viên người Khmer đã gắn bó, truyền dạy con chữ cho con em trên quê hương mình. Các thầy, cô giáo không ngừng nghiên cứu, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ, vừa là tấm gương sáng cho phụ huynh và học sinh đồng bào Khmer noi theo”.
Nhờ những chính sách, sự đầu tư, hỗ trợ kịp thời, tỉnh Vĩnh Long đạt được nhiều kết quả nổi bật trong giáo dục, trong đó có nâng cao chất lượng giáo dục và trình độ dân trí đồng bào Khmer. Cuộc sống phát triển, điều kiện học tập ngày một tốt hơn, đồng bào Khmer ý thức ngày càng cao trong chăm lo việc học nhằm hướng đến xây dựng tương lai vững chắc cho thế hệ mai sau.

Ông Thạch Luật (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) giới thiệu về những thành tích học tập và công tác của các con.
Gia đình ông Thạch Luật (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) có 3 người con đều tốt nghiệp các trường đại học và có việc làm ổn định. Ông Thạch Luật cho biết: “Dù cuộc sống khó khăn nhưng hai vợ chồng vẫn quyết tâm đầu tư “con chữ” cho các con, bởi chỉ có đi học, có ngành nghề ổn định thì mới xây dựng được tương lai tốt đẹp. Bà con ở đây luôn mong muốn Nhà nước tiếp tục phát triển trường nội trú, có thêm các chính sách phù hợp để tiếp nhận và dạy dỗ con em vùng đồng bào Khmer, giúp các con có điều kiện học tập để sau này trở về, phục vụ cho quê hương”.

Trường lớp được đầu tư khang trang tạo điều kiện cho học sinh vùng đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long học tập.
Theo Quyền Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Vĩnh Long Thạch Dương, từ những chính sách của Trung ương, địa phương và các nguồn lực khác, qua triển khai trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, đời sống đồng bào dân tộc Khmer có những bước thay đổi rõ nét, tích cực. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư khang trang, giao thông được kết nối thông suốt, công tác giáo dục được đầu tư. Tỉnh luôn quan tâm, thông qua các hoạt động lễ hội, các lớp đào tạo nghệ thuật truyền thống… đã tạo được đội ngũ kế thừa góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa vùng đồng bào Khmer. Đặc biệt, từ các nguồn lực, đến nay, tỉnh cơ bản hoàn thành công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, góp phần giúp người dân vùng đồng bào Khmer an cư lạc nghiệp. Các chính sách không chỉ làm thay đổi diện mạo nông thôn, phát triển đời sống vật chất, tinh thần mà còn tạo động lực để người dân phấn khởi vươn lên phát triển kinh tế, góp phần cùng đưa quê hương vùng đồng bào dân tộc Khmer ngày càng phát triển và đổi mới.
Bài cuối: Đồng lòng vì cuộc sống ấm no