Với sự phát triển của khoa học công nghệ, thời gian qua, các làng nghề trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất, quảng bá thương hiệu. Từ đó, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước đưa các sản phẩm làng nghề vươn dài ra thị trường thế giới.

Những người thợ làng mộc Bích Chu, xã An Nhân, huyện Vĩnh Tường. Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN
Thích ứng với nhu cầu
Thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên có ba làng nghề mộc truyền thống gồm: Hợp Lễ, Yên Lan và Xuân Lãng với 2.700 lao động làm nghề mộc, đóng góp gần 170 tỷ đồng vào tổng giá trị sản xuất từ các ngành nghề của địa phương hàng năm.
Trước đây, các công đoạn sản xuất nghề mộc Thanh Lãng chủ yếu bằng thủ công, ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, máy móc đã dần được đưa vào quy trình sản xuất, giúp người thợ không còn vất vả như xưa. Những khâu gia công yêu cầu nhiều sức lao động nay đã được máy móc thay thế như rèn bằng đục, máy cắt… Bên cạnh đó, để vận động theo xu thế của thị trường, nhu cầu và thị hiếu khách hàng, nhiều hộ làm nghề mộc Thanh Lãng đã hình thành hai dòng sản phẩm mộc, một là những sản phẩm được sản xuất hoàn toàn bằng các thiết bị máy móc hiện đại, với số lượng lớn, sự đồng đều cao, giá thành hợp lý; hai là các sản phẩm thủ công cao cấp, mang tính nghệ thuật, mang thương hiệu của nghệ nhân, người thợ tay nghề kỹ thuật cao.

Sản xuất đồ gỗ tại làng mộc Bích Chu, xã An Nhân, huyện Vĩnh Tường. Ảnh: Nguyễn Thảo/TTXVN
Gia đình anh Dương Quang Hoạt có 5 đời làm nghề mộc truyền thống Thanh Lãng. Để thay đổi phương thức sản xuất cũ, từ năm 2019, anh Hoạt đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc hiện đại như máy đục, trạm hiện đại… giúp nâng số lượng sản phẩm lên gấp nhiều lần trước đó.
Anh Hoạt chia sẻ, trước đây, để sản xuất ra một sản phẩm gỗ điêu khắc, người thợ phải mất gần một tháng mới hoàn thành xong và phải qua các khâu thủ công như tạo phôi, vẽ, thiết kế... đều làm hoàn toàn bằng tay. Nhưng hiện nay, nhờ máy móc công nghệ, các công đoạn này đều thực hiện nhanh chóng và chỉ mất một tuần là hoàn thành, sản phẩm cũng tinh xảo, sắc nét hơn nên được nhiều khách hàng ưa chuộng. Nhờ áp dụng máy móc, số lượng sản phẩm sản xuất của gia đình anh tăng từ 50 - 80% so với trước, cho thu lãi từ 300 - 500 triệu đồng/năm.
Hội nhập với thị trường

Nghề rèn Bàn Mạch tạo nhiều việc làm cho lao động nông thôn. Ảnh: TTXVN phát
Trong xu thế của hội nhập quốc tế, đặc biệt là thích ứng với sự bùng nổ của công nghệ số, các hộ làm nghề rèn truyền thống Bàn Mạch, xã An Nhân, huyện Vĩnh Tường đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và kết nối giao thương. Nhờ đó, làng rèn Bàn Mạch những năm gần đây có đã có những bước tiến xa.
Là hộ kinh doanh ứng dụng thành công việc đưa sản phẩm dao của làng rèn Bàn Mạch lên sàn thương mại điện tử, anh Phùng Văn Đô cho biết, sau khi xây dựng kênh bán hàng online qua các kênh Shoppe, Zalo, Tiktok … hiện nay gia đình anh đã thu hút được hàng triệu người tiêu dùng.

Anh Phùng Văn Đô cho biết, để sản phẩm được mọi người biết đến, cơ sở làm rèn của anh đã đầu tư hàng tỷ đồng mua các thiết bị máy móc hiện đại nhằm nâng cao năng suất lao động, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, phục vụ cho sản xuất như: máy đột dập, máy cắt lazer, đánh bóng sản phẩm, búa rèn. Ngoài sản xuất các sản phẩm truyền thống, công ty đã nhập khẩu nguyên liệu thép trắng không rỉ từ Nhật Bản về, kết hợp công nghệ khắc chữ tạo điểm nhấn, thành công tạo được niềm tin với khách hàng.
Hiện nay, trung bình mỗi tháng, cơ sở rèn của anh cung ứng ra thị trường khoảng gần 10.000 bộ sản phẩm các loại. Đặc biệt, bộ dao nhà bếp 8 con rèn thủ công thép trắng không rỉ do anh làm đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh vào năm 2021, cấp khu vực phía Bắc năm 2022 và đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2023.

Cùng với việc ứng dụng công nghệ, nhiều hộ gia đình tại làng nghề cá thính Lập Thạch, huyện Lập Thạch đã linh hoạt tìm kiếm thị trường thông qua mạng xã hội và sàn thương mại điện tử. Những hình ảnh, video về quá trình chọn nguyên liệu, chế biến, được người dân tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo… thu hút đông đảo khách hàng, đem lại giá trị cao.
Chị Trần Thị Liên Hoa, chủ cơ sở sản xuất cá thính Dũng Hoa, thị trấn Lâp Thạch, huyện Lập Thạch cho hay: Từ những nguyên liệu đơn giản, dân dã, trải qua quá trình lên men tự nhiên, cá thính đã trở thành một loại đặc sản của vùng quê Lập Thạch, được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến và ưa chuộng. Đặc biệt, để sản phẩm bảo quản được dài ngày hơn, gia đình chị Hoa còn đầu tư mẫu mã, bao bì, tem nhãn, tủ bảo quản lạnh, máy hút chân không, màng bọc. Năm 2021, sản phẩm cá thính của gia đình chị được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Hiện, sản phẩm cá thính của gia đình được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước với sản lượng tiêu thụ từ 80 kg đến 100 kg/ngày, giá dao động từ 70.000 đến 100.000 đồng/kg, tùy loại cá; từ đó góp phần tạo việc làm tại chỗ cho 4 - 5 lao động địa phương.

Làng nghề gốm Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: TTXVN phát
Theo thống kê của Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 28 làng nghề, với trên 8.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho khoảng 55.000 lao động nông thôn.
Để thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực giá trị cạnh tranh cho các sản phẩm làng nghề, tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về vốn, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói đẹp, bắt mắt, thu hút người tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý xuất xứ hàng hoá; hỗ trợ xây dựng bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá... tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường quảng bá sản phẩm làng nghề thông qua các hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm để mở rộng thị trường tiêu thụ; đẩy mạnh phát triển các mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch làng nghề; triển khai các chính sách đối với nghệ nhân, thợ giỏi nghề thủ công mỹ nghệ…/.