Sau 50 năm thống nhất đất nước, xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang từ một vùng căn cứ cách mạng, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nay đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo nông thôn.

Ông Nguyễn Hoàng Phi, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Hưng cho biết, với những nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của nhân dân, xã đã về đích nông thôn mới nâng cao đúng lộ trình đề ra.
Để tạo được niềm tin, sự chung sức, chung lòng của nhân dân trong hiến đất, góp ngày công xây dựng hạ tầng nông thôn, xã Tân Hưng đã thực hiện dân chủ rộng rãi theo phương châm "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"; đồng thời, nâng cao nhận thức cho nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc phát triển giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tạo sự đồng thuận cao.
Trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Tân Hưng đã huy động trên 142 tỉ đồng để thực hiện chương trình, trong đó nhân dân đóng góp trên 63 tỉ đồng, chiếm 44,9%.
Tuyến đường liên xã bờ Đông sông Cái Lân, nối liền Quốc lộ 30 với xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp dài 2,5 km, trước đây thường xuyên bị lầy lội vào mùa mưa, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, vận chuyển, buôn bán hàng hóa luôn bị thương lái ép giá. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Tân Hưng đã quyết định đầu tư, nâng cấp tuyến đường này với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Hưng cho biết, thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung về xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, phát huy hơn nữa vai trò, tiềm lực đóng góp của nhân dân; quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với tái cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, cơ cấu lại nền kinh tế địa phương để phát triển bền vững, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp - nông thôn cùng liên kết theo chuỗi giá trị để mang lại hiệu quả kinh tế vững chắc, các đối tác cùng hưởng lợi, đặc biệt là nông dân.
Ông Trần Văn Bé, ngụ ở ấp 1, xã Tân Hưng, hiến 144 m2 đất, cho biết: "Hưởng ứng chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm trong phát triển giao thông nông thôn, vì lợi ích cộng đồng, gia đình tôi hiến phần đất dài 36 m, ngang 4 m để làm đường giao thông. Đây cũng là hành động thiết thực hưởng ứng phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sau khi con đường mới hoàn thành, người dân trồng cây xanh, hoa kiểng hai bên đường giúp cho bộ mặt nông thôn ngày càng khang trang, xanh đẹp".
Nhờ xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn xã Tân Hưng có nhiều thay đổi, kinh tế phát triển vượt bậc; thu nhập bình quân đầu người vào năm 2024 khi đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao là 75,87 triệu đồng/người/năm, tăng 34 triệu đồng/người/năm so với thời điểm ra mắt xã nông thôn mới vào năm 2018; hộ nghèo chỉ còn 1,04%.
Các tuyến đường giao thông trên địa bàn đều được bê tông hóa, nhựa hóa; các tuyến đường liên xóm, ấp được cứng hóa, đáp ứng yêu cầu đi lại, sản xuất và vận chuyển hàng hóa đạt trên 95%. Trung tâm văn hóa - thể thao xã và nhà văn hóa các ấp được quan tâm cải tạo, nâng cấp, bố trí sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, đảm bảo sạch, đẹp. Xã có Trường Mầm non Tân Hưng đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; Trường Tiểu học Tân Hưng được sự quan tâm, đầu tư kinh phí cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Ông Nguyễn Văn Lý, 70 tuổi, xã Tân Hưng, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, phấn khởi cho biết, người dân xã Tân Hưng rất vui mừng vì sự thay đổi từng ngày trên quê hương mình. Vùng đất từng bị bom cày, đạn xới, tưởng như không còn sự sống trong chiến tranh, nay đã hồi sinh bằng những vườn cây ăn trái trĩu quả, nhà cao tầng chen chúc nhau mọc lên, những con đường quê được nhựa hóa, bê tông hóa.
Bên cạnh đó, thực hiện tiêu chí môi trường, xã đã tăng cường vận động, tuyên truyền trong nhân dân; đồng thời giao nhiệm vụ cho các ngành, đoàn thể, các ấp thường xuyên tổ chức trồng hoa, dọn dẹp vệ sinh môi trường các tuyến đường, khu dân cư, công trình công cộng; thành lập các tổ thu gom rác, tỷ lệ hộ dân đăng ký thu gom, xử lý rác đạt trên 95%. Hằng năm, xã được tái công nhận xã an toàn về an ninh trật tự, xã không có ma túy và trẻ em vi phạm pháp luật, xã an toàn phòng cháy, chữa cháy. Công tác quân sự, quốc phòng địa phương được giữ vững, chỉ tiêu giao quân hằng năm đều đạt, đảm bảo chất lượng.
Đối với phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn, xã có 312 cơ sở kinh doanh, dịch vụ nằm dọc theo khu vực ven Quốc lộ 30, huyện lộ 81, huyện lộ 82 cùng các tuyến giao thông liên xã, liên ấp. Các cơ sở này vừa sản xuất, vừa làm dịch vụ cũng như làm đầu mối tiêu thụ nông sản cho nhân dân, cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và tiêu dùng, tham gia vào một số khâu sản xuất như sấy nông sản, phân loại, đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu…/.