Là cây trồng chủ lực mang lại giá trị xuất khẩu cao nhưng những năm gần đây, sản xuất thanh long tại Lâm Đồng thường xuyên rơi vào “vòng xoáy” khó khăn.
Giá giảm sâu, thị trường tiêu thụ không ổn định, phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu tiểu ngạch cùng với ảnh hưởng của thời tiết cực đoan khiến người trồng không còn mặn mòi. Giá trị ngành hàng thanh long những năm gần đây có xu hướng giảm so với năm trước. Trước thực trạng này, tỉnh Lâm Đồng đang tích cực triển khai nhiều biện pháp tái cơ cấu ngành thanh long theo hướng bền vững hơn - từ quy hoạch vùng trồng, ổn định diện tích, sản xuất xanh, đến đa dạng hóa sản phẩm chế biến nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Sản xuất theo hướng tiêu chuẩn, an toàn

Xác định sản xuất thanh long sạch, an toàn là một hướng đi tất yếu, bắt buộc giúp trái thanh long nâng cao chất lượng cạnh tranh trên thị trường, tỉnh Lâm Đồng đẩy mạnh triển khai chương trình sản xuất thanh long an toàn theo hướng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam (VietGAP) và thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu (Global GAP).
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đã đáp ứng việc nâng cao giá trị sản phẩm thanh long và đáp ứng cho nhu cầu xuất khẩu. Mặc khác, việc sản xuất thanh long an toàn còn góp phần cải thiện môi trường sản xuất; giảm tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, làm tăng uy tín và chất lượng cho sản phẩm thanh long.
Đến nay, toàn tỉnh có 12 chuỗi cung ứng thanh long an toàn; trong đó có 9 chuỗi thanh long tươi với sản lượng 90.600 tấn/năm và 3 chuỗi sản phẩm thanh long chế biến với sản lượng 165 tấn/năm. Diện tích cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp VietGAP đạt hơn 9.230 ha, đạt 35 % so với tổng diện tích. Ngoài ra, tỉnh còn có khoảng 500 ha cây thanh long trồng theo GlobalGAP và 120 ha cây thanh long áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hướng hữu cơ…

Hợp tác xã Thanh long sạch Hòa Lệ, xã Hàm Thuận là một điển hình. Hợp tác xã có 18 thành viên chính thức và 34 thành viên liên kết với diện tích sản xuất thanh long hơn 35 ha; trong đó có 10 ha sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP, diện tích còn lại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, hợp tác xã còn liên kết chuỗi tiêu thụ với các hợp tác xã, hộ nông dân với diện tích 200 ha.
Ông Đỗ Thanh Hiệp, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Lệ cho biết, nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn chất lượng, sản phẩm thanh long của hợp tác xã không chỉ đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước mà còn từng bước chinh phục các thị trường khó tính theo đường chính ngạch như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU... Từ đó giúp hợp tác xã có đầu ra ổn định, giá bán tốt hơn, từ đó nâng cao thu nhập cho các thành viên.
Rõ ràng sản xuất theo hướng VietGAP mở ra một hướng đi an toàn và bền vững cho trái thanh long. Tuy nhiên, thực tế việc tiêu thụ và giá bán thanh long của thanh long VietGAP không có sự khác biệt với thanh long sản xuất theo lối truyền thống đang làm cho người nông dân không còn mặn mà với VietGAP.
Theo anh Huỳnh Công Tuyền, người dân ở xã Hàm Thuận, sản xuất theo VietGAP đòi hỏi quy trình khắt khe, tốn nhiều công sức và chi phí như: tuân thủ quy định vệ sinh, ghi chép nhật ký canh tác, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình… nhưng giá bán không chênh lệch. Thương lái cũng không ưu tiên thu mua vào những lúc cao điểm thu hoạch dẫn đến người trồng không còn tha thiết.
Đề án phát triển bền vững cây thanh long xác định mục tiêu đến năm 2030, địa phương sẽ có từ 70 - 75% diện tích cây thanh long trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Để đạt được mục tiêu trên, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân tham gia và xây dựng các tổ hợp tác, nhóm liên kết, hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP đúng quy định. Trên cơ sở diện tích đã phân bổ, tiến hành vận động, hướng dẫn giúp nông dân tổ chức xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP có quy mô hợp lý để thuận lợi trong quản lý, tổ chức triển khai các hoạt động trong sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm sau này.
Giảm áp lực tiêu thụ trái tươi

Tính đến cuối tháng 6/2025, toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 26.000 ha thanh long, sản lượng thu hoạch đạt hơn 570.000 tấn/năm. Thanh long tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 15% sản lượng, còn lại khoảng 85% được xuất khẩu. Trong xuất khẩu, khoảng từ 2- 3% là chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc. Vào những lúc cao điểm sản xuất, sản lượng nhiều thì áp lực tiêu thụ trái tươi là rất lớn. Giá trái thanh long tại vườn có thời điểm “chạm đáy” với mức 1.000- 2.000 đồng/kg; thậm chí không có người thu mua.
Đầu ra trái tươi gặp khó, thời gian qua, nhiều ý tưởng chế biến sâu trái thanh long đã được không ít doanh nghiệp, hợp tác xã ứng dụng vào thực tế và tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ trái thanh long tươi. Ngoài rượu vang, mứt sấy dẻo, mứt sấy khô, kẹo thì thời gian gần trên thị trường xuất hiện thêm một số sản phẩm như: Kem thanh long, bánh quy, tương, mỳ tôm… được chế biến từ thanh long.
Cơ sở sản xuất - thương mại - dịch vụ Bảo Long Bình Thuận là đơn vị đang sở hữu nhiều sản phẩm chế biến từ trái thanh long ở phường Hàm Thắng, tỉnh Lâm Đồng. Đây cũng là đơn vị thường xuyên tham gia các sự kiện kết nối giao thương, hội chợ, hội thảo xúc tiến thương mại trong và ngoài nước với mong muốn tìm kiếm cơ hội hợp tác phát triển, đưa đặc sản thanh long vươn xa.
Chị Trần Thị Kim Lĩnh, chủ Cơ sở sản xuất - thương mại - dịch vụ Bảo Long Bình Thuận cho biết: Từ năm 2019, sau thành công của nước ép thanh long lên men tự nhiên, cơ sở đã tiếp tục nghiên cứu và cho ra thị trường nhiều sản phẩm khác được chế biến từ thanh long như: Kombucha (trà lên men); siro, mứt, kẹo dẻo, mạch nha, thạch…

Theo chị Lĩnh, nguồn nguyên liệu để chế biến các sản phẩm từ thanh long cũng phải đảm bảo sạch, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật và có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên việc lựa chọn trái không quá khắt khe so với các tiêu chuẩn trái xuất khẩu hoặc vào các thị trường khó tính. Vì vậy, cơ sở có thể hỗ trợ thu mua hết vườn hoặc tiêu thụ những dòng trái sau tuyển chọn cho người dân trong vùng.
Việc tạo ra nhiều dòng sản phẩm chế biến ngay từ vùng nguyên liệu thanh long dồi dào là một hướng đi đúng đắn và mang tính bền vững. Điều này không chỉ góp phần giải tỏa áp lực tiêu thụ trái trong những lúc dư thừa mà còn góp phần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao giá trị kinh tế; gia tăng sản phẩm lợi thế địa phương phục vụ phát triển du lịch. Thế nhưng, hiện nay, phần lớn các cơ sở chế biến thanh long trên địa bàn tỉnh hầu hết đều có quy mô nhỏ, máy móc thô sơ nên chất lượng sản phẩm tạo ra chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng; chưa thực sự tạo dựng được thương hiệu trên thị trường.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, Lâm Đồng sẽ đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ để thu hút các tập đoàn lớn có năng lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ trái thanh long tươi để làm cơ sở đầu tàu dẫn dắt, định hướng và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản lợi thế của vùng. Đồng thời, tỉnh khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thiết bị để chế biến các sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm chuyên ngành thực phẩm trong và ngoài nước ngoài nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm thanh long./.