Tỉnh Đồng Nai hiện có 439 sản phẩm của 146 chủ thể được công nhận và xếp hạng từ 3 sao trở lên; trong đó,11 sản phẩm được Trung ương công nhận đạt 5 sao. Các sản phẩm OCOP đều có chất lượng cao, tiêu chuẩn kỹ thuật bảo đảm, bao bì sản phẩm bắt mắt.

Các sản phẩm OCOP đạt chuẩn 5 sao của Đồng Nai nổi bật như hạt điều nhân trắng, hạt điều rang muối và hạt điều không rang muối của Công ty cổ phần Hà Mỵ (xã Đồng Phú); sản phẩm bột ca cao nguyên chất và bột ca cao 3 trong 1 của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (xã Phú Hòa); thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phúc Hưng Long Essential, thực phẩm bảo vệ sức khỏe Phúc Hưng Long Premium của Công ty TNHH Dược liệu Tâm Tâm An (xã Hưng Thịnh)…
Là địa phương có diện tích và chế biến điều lớn với hơn 160.000 ha, chiếm khoảng 50% số diện tích điều cả nước, hạt điều Đồng Nai được xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các thị trường lớn như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu và các nước thuộc khu vực châu Á như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngoài ra, hạt điều của tỉnh còn được xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng khác như Trung Đông, Nga và một số nước ở châu Phi. Việc xuất khẩu hạt điều địa phương được đánh giá cao nhờ vào chất lượng sản phẩm, quy trình chế biến hiện đại và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Với 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến hạt điều, bà Nguyễn Thị Mỵ, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Hà Mỵ (xã Đồng Phú) cho biết, tỉnh Bình Phước (cũ) và Đồng Nai hiện nay có nhiều lợi thế phát triển công nghiệp chế biến điều nhưng chưa được đầu tư đúng tầm. Vì vậy, công ty đã thiết lập vùng nguyên liệu, đầu tư nhà máy chế biến và tìm kiếm thị trường, đối tác tiêu thụ.
Đến nay, công ty đã chủ động nguồn nguyên liệu điều thô, có hàng chục sản phẩm chế biến từ điều nhân, đáp ứng thị trường trong nước, xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Canada… Hiện, công ty hiện có các sản phẩm OCOP: hạt điều nhân trắng, hạt điều rang muối và hạt điều không rang muối đạt 5 sao.
Có nhiều sản phẩm từ hạt điều thương hiệu Vinahe được công nhận OCOP từ 3 đến 4 sao, ông Nguyễn Hoàng Đạt, Giám đốc Công ty TNHH VINAHE (phường Phước Bình, tỉnh Đồng Nai) nhận định những năm gần đây, doanh nghiệp chế biến hạt điều phối hợp với chính quyền và người dân quy hoạch, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu điều trong nước, giúp bảo đảm nguồn cung, hỗ trợ người trồng điều nâng cao thu nhập.
Chính quyền địa phương cũng đã xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP bằng cách hỗ trợ nguồn vốn ưu đãi, máy móc tiên tiến và tăng cường tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP; tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm để đảm bảo uy tín của chương trình.

Hạt điều phô mai của Công ty TNHH Vinahe ở thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước cũ. Ảnh: K GỬIH/TTXVN
Để xây dựng thương hiệu nông sản, nâng cấp sản phẩm OCOP thời gian tới, tỉnh Đồng Nai hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản phẩm mới (sản phẩm từ ý tưởng), sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch nhằm đa dạng hóa sản phẩm, phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề truyền thống và kinh nghiệm sản xuất của địa phương; thúc đẩy, khuyến khích các phong trào phụ nữ, thanh niên, trí thức trẻ, các chủ thể đã có sản phẩm tích cực nghiên cứu phát triển sản phẩm mới đặc thù gắn với địa phương tham gia chương trình OCOP.
Cùng đó, tỉnh triển khai một số mô hình về bảo tồn và phát huy vai trò của các làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phát triển sản phẩm OCOP, dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và diểm du lịch; phát triển các vùng nguyên liệu, xây dựng mô hình chế biến sâu theo hướng áp dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và bảo vệ môi trường, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn nhằm nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị sản phẩm đối với các sản phẩm chủ lực của địa phương gắn với Chương trình OCOP tỉnh Đồng Nai.
Tỉnh hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn các chủ thể có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP về: xây dựng và đăng ký nhãn hiệu, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì đóng gói sản phẩm, in tem OCOP, sử dụng và ghi nhãn sản phẩm theo đúng quy định, ưu tiên lựa chọn, sử dụng các nguyên liệu, sản phẩm tái chế thân thiện với môi trường; xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn; phân tích chất lượng sản phẩm (nhóm thực phẩm, đồ uống, thảo dược), tham gia liên kết chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng; xây dựng sản phẩm OCOP làm quà tặng để giới thiệu với khách hàng trong nước, quốc tế và bán tại các điểm du lịch... theo đúng quy định hiện hành.
Đồng Nai còn tổ chức tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể xây dựng hồ sơ sản phẩm OCOP của tỉnh đáp ứng tiêu chí tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Quốc gia, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu của thị trường khu vực và quốc tế; khuyến khích các chủ thể là tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP và ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP từ các sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm các làng nghề, làng nghề truyền thống. Đồng thời, các địa phương bố trí nguồn lực cần thiết, theo thẩm quyền; sử dụng lồng ghép các nguồn kinh phí theo quy định để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn.
Mặt khác, tỉnh còn tổ chức sự kiện giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền trên địa bàn tỉnh; tham gia và hỗ trợ các chủ thể tham gia một số hội chợ trong nước do Trung ương và các địa phương tổ chức tại các tỉnh, thành phố, trong đó ưu tiên sự kiện do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức; tổ chức các tuần hàng tư vấn, giới thiệu và xúc tiến tiêu thụ sản phẩm: OCOP, làng nghề, nông sản thực phẩm an toàn tỉnh Đồng Nai; hỗ trợ bán hàng trực tuyến (online), bán hàng tương tác trực tiếp (livestream) giúp các tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng nhận diện, kết nối và tiêu thụ sản phẩm OCOP của tỉnh Đồng Nai cũng như các tỉnh thành phố trong cả nước; tham gia Hội chợ thương mại, triển lãm quốc tế để nắm bắt nhu cầu, hội nhập với thị trường trong nước quốc tế.
Ngoài ra, Đồng Nai ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phần mềm quản lý Chương trình OCOP; sản xuất, kết nối thị trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm… hướng tới hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu sản phẩm OCOP của tỉnh.
Các cá nhân, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu và phân phối sản phẩm nông sản cần tham gia cùng với cơ quan quản lý Nhà nước trong đẩy mạnh việc triển khai các chương trình quảng bá - marketing thương hiệu và sản phẩm của riêng mình. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tạo nên giá trị cốt lõi của mình thông qua xây dựng thương hiệu sản phẩm dựa trên chính chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Bởi, sự chủ động nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp chính là một trong những yếu tố nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm vị thế của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế./.