Từ ngày 30/4 đến ngày 4/5, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ giới thiệu không gian văn hóa đậm sắc màu các dân tộc vùng Tây Bắc, Đông Bắc, giới thiệu các đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian đặc sắc phục vụ du khách.
Các hoạt động có sự tham gia của hơn 100 đồng bào của 16 dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại Làng cùng với đồng bào dân tộc Xinh Mun đến từ tỉnh Sơn La và đồng bào dân tộc Hà Nhì đến từ tỉnh Lai Châu.

Hoạt động điểm nhấn của sự kiện là hoạt động tái hiện chợ phiên vùng cao với chủ đề “Điểm hẹn vùng cao”. Phiên chợ đem đến cho du khách cảm nhận không khí chợ phiên vùng cao, thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian do chính những chủ thể vùng cao thực hiện, giới thiệu phục vụ du khách. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không khí xuống chợ, vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Xinh Mun, Hà Nhì, Mông…
Tại không gian chợ vùng cao sẽ có chương trình “Sắc màu chợ phiên” của đồng bào tham gia phiên chợ. Có nhiều tiết mục biểu diễn dân ca, dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc tham gia tại Chợ vùng cao với các tiết mục dân ca, dân vũ mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền và các trò chơi dân gian do đồng bào các dân tộc giao lưu với du khách như: đánh quay (tu lu), đánh pao, đánh yến, đu dây, đẩy gậy... của các dân tộc huy động tỉnh Lai Châu, Sơn La và các đồng bào dân tộc cùng tham gia phiên chợ tạo một không khí vui tươi phấn khởi, đầm ấm, mang đậm nét truyền thống của các dân tộc, thể hiện sự độc đáo trong đa dạng.

Đồng bào dân tộc Mông đến từ tỉnh Lai Châu sẽ trình diễn múa khèn, giã bánh dày và nghệ thuật in sáp ong lên vải độc đáo của dân tộc mình.
Đặc biệt, để giới thiệu những nét văn hóa chuyên biệt đến du khách, đồng bào dân tộc Mông đến từ tỉnh Lai Châu sẽ tái hiện lễ hội Gầu tào để cầu mong cho mưa thuận, gió hòa, mọi người khỏe mạnh, các đôi trai gái và người tham dự lễ hội cầm ô, cầm khèn đi quanh cây nêu bày tỏ lòng thành kính và mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với bản làng mình.
Đồng bào dân tộc Xinh Mun đến từ tỉnh Sơn La tổ chức tái hiện lễ mạng ma của dân tộc mình. Theo tín ngưỡng của người Xinh Mun, mỗi thầy mo thường có một thầy mo cao tay đỡ đầu nên khi bắt đầu hành nghề, mỗi thầy mo đều phải có nghi lễ nhận thầy đỡ đầu cho mình gọi là nghi lễ cầu sức khỏe (Mạng Ma), sau đó cứ khoảng từ 5-10 năm, thầy mo này phải tổ chức nghi lễ Mạng Ma một lần để cầu sức khỏe, cầu giải hạn cho mình và còn cầu cúng cho những người dân trong bản khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu; súc vật không mắc bệnh dịch, sinh sôi nảy nở.

Đồng bào dân tộc Hà Nhì đến từ tỉnh Lai Châu tổ chức tái hiện Tết mùa mưa. Đối với người Hà Nhì, Tết mùa mưa (Dế Khừ Chà) là một lễ Tết quan trọng được tổ chức vào tháng 5 âm lịch hàng năm khi mà công việc mùa vụ mới vừa hoàn tất. Đây là dịp để người Hà Nhì cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển và bản làng đoàn kết…
Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày với việc tái hiện cuộc sống hàng ngày, giới thiệu về văn hóa, ẩm thực, các hoạt động trải nghiệm trò chơi dân gian, ẩm thực vùng cao của đồng bào các dân tộc… mang đến cho du khách những hoạt động văn hóa đầy ý nghĩa và vui vẻ tại “ ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.
Hoàng Tâm