Từng là vùng đất chỉ canh tác ngô, sắn với giá trị thấp và đầu ra bấp bênh, Sơn La ngày nay đang từng bước khẳng định vị thế của một trung tâm nông sản lớn tại khu vực Tây Bắc.

Nhờ chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng vùng chuyên canh lớn, liên kết, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu và tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín, nông nghiệp nơi đây đang từng bước vươn mình mạnh mẽ, góp phần đưa nông sản Việt Nam tiến xa hơn trên thị trường thế giới.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Thành Công, địa phương đang định hình rõ nét chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, thông minh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Việc tổ chức lại sản xuất theo chuỗi từ hộ dân - hợp tác xã - doanh nghiệp không chỉ nâng cao năng suất mà còn ổn định đầu ra trong bối cảnh thị trường nhiều biến động.
Hiện Sơn La đã xây dựng được các vùng trồng cây ăn quả và cây công nghiệp lâu năm với gần 120.000 ha, sản lượng trên 600.000 tấn mỗi năm. Những loại cây chủ lực như xoài, nhãn, mận, cà phê, chè… đều được quy hoạch bài bản, từng bước đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hiện toàn tỉnh đã có khoảng 200 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, hướng tới đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường như EU, Nhật Bản, Trung Quốc...
Không chỉ phát triển sản xuất, Sơn La đặc biệt chú trọng công nghiệp chế biến – khâu then chốt trong chuỗi giá trị. Trên địa bàn cũng có hơn 560 cơ sở chế biến nông sản và gần 3.000 cơ sở sấy long nhãn, cùng với 40 kho lạnh, giúp kéo dài thời gian bảo quản, giảm thất thoát sau thu hoạch và giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm tươi.
Riêng ngành cà phê, Sơn La có 5 nhà máy chế biến quy mô công nghiệp và trên 15 cơ sở sơ chế, đủ năng lực xử lý hơn 50% sản lượng cà phê quả tươi trong tỉnh. Đây là nền tảng quan trọng để mở rộng thị trường cà phê nhân chế biến sâu, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Một trong những điểm sáng đáng chú ý là sự đồng hành chặt chẽ giữa tỉnh và các doanh nghiệp đầu ngành, đặc biệt là Công ty cổ phần Thực phẩm Xuất khẩu Đồng Giao (Doveco). Chỉ sau hơn một năm đi vào hoạt động tại Sơn La, nhà máy của Doveco đã trở thành điểm tựa tiêu thụ ổn định cho các loại nông sản chủ lực như xoài, nhãn, ngô ngọt, rau chân vịt... Doanh nghiệp này đã hỗ trợ tiêu thụ khoảng 10% sản lượng xoài toàn tỉnh và đang hướng tới mục tiêu nâng lên 20% trong thời gian tới.
Không dừng lại ở khâu thu mua, Doveco còn chủ động phối hợp cùng địa phương mở rộng vùng trồng dứa, chanh leo, chuối – những loại cây có tiềm năng kinh tế cao, cho thu hoạch quanh năm. Công ty còn trực tiếp tư vấn kỹ thuật, cung cấp giống, bao tiêu sản phẩm và cùng chính quyền xây dựng chiến lược phát triển lâu dài. Mô hình hợp tác chặt chẽ này giúp hiện thực hóa chiến lược kiến tạo vùng nguyên liệu lớn gắn với chế biến sâu và thị trường tiêu thụ.
Theo ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Doveco, doanh nghiệp không chỉ đầu tư nhà máy mà còn đóng vai trò “hạt nhân” thúc đẩy chuỗi giá trị nông nghiệp. Nhờ sự tham gia của doanh nghiệp, người nông dân không còn canh cánh nỗi lo “được mùa mất giá”, mà mạnh dạn chuyển đổi sang sản xuất an toàn, giá trị cao.
Việc liên kết với doanh nghiệp đã giúp người nông dân Sơn La thay đổi tư duy sản xuất. Điển hình như Hợp tác xã Hữu cơ Trung Hiếu hiện đang liên kết trồng 800 ha ngô ngọt và đậu tương rau, cung cấp cho Doveco từ 6.000 - 8.000 tấn mỗi năm. Nhờ giá thu mua ổn định, thu nhập bình quân sau chi phí đạt khoảng 100 triệu đồng/ha/năm.
Hợp tác với Doveco từ khi doanh nghiệp này chưa có nhà máy chế biến tại Sơn La, ông Dương Văn Cần, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung cho biết, mỗi năm doanh nghiệp hợp tác cùng nông dân cung cấp khoảng 1.000 tấn ngô ngọt, rau đậu cho Doveco. Với việc nhà máy đi vào hoạt động và mở rộng sản phẩm xuất khẩu, ông Cần hi vọng năm 2026, hai bên có thể nâng sản lượng lên 1.500 - 2.000 tấn.
Ông Cần cũng chia sẻ, với khoảng 85 ngày sản xuất ngô ngọt, năng suất có thể đạt 14 tấn/ha, với giá bán ổn định cho doanh nghiệp từ 4.800 - 4.900 đồng/kg, nông dân có thu nhập từ 65 - 70 triệu đồng/ha và thu lợi nhuận khoảng 50%. Trong khi, những hộ sản xuất tự do, không có hợp đồng bao tiêu, thường chỉ bán được với giá 3.000 - 4.000 đồng/kg, phải đối mặt với rủi ro “được mùa mất giá”. Chính vì vậy, nhiều nông dân đang mong muốn mở rộng diện tích liên kết sản xuất, khi nhà máy chế biến đã nằm ngay trên địa bàn.
Đồng hành với doanh nghiệp, tỉnh Sơn La đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ ổn định 90.000 ha cây ăn quả, 25.000 ha cà phê; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng tưới tiết kiệm, mở rộng diện tích đạt chuẩn VietGAP, nâng số lượng mã số vùng trồng... Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Sơn La Cầm Thị Phong kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu “Trái cây Sơn La” và đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Mới đây, Doveco đã đưa vào vận hành dây chuyền đóng hộp giấy công nghệ Thụy Điển - Tetra Recart đầu tiên tại Việt Nam. Công nghệ này cho phép bảo quản rau quả chế biến mà không cần dùng chất bảo quản hay làm lạnh, giúp giữ nguyên hương vị và giá trị dinh dưỡng; đồng thời, tiết kiệm chi phí, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các thị trường như EU và Nhật Bản.
Ông Đinh Cao Khuê cho rằng, dây chuyền mới không chỉ nâng tầm sản lượng, chất lượng và thương hiệu mà còn bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Trần Thanh Nam, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn là yếu tố cốt lõi; làm chủ được vùng nguyên liệu sẽ làm chủ được chuỗi giá trị nông sản. Các tỉnh Tây Bắc cần đẩy mạnh xây dựng chuỗi giá trị nông sản và tăng cường liên kết sản xuất. Dựa trên lợi thế đặc thù của từng địa phương, các tỉnh cần chủ động khuyến khích doanh nghiệp và nông dân hợp tác theo mô hình sản xuất khép kín, bảo đảm đồng bộ từ khâu đầu vào đến đầu ra, thay vì chỉ dừng lại ở hình thức ký kết hợp đồng thu mua đơn lẻ. Chất lượng nông sản sẽ đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường, góp phần hiện thực hóa khát vọng đưa nông sản Việt vươn xa, chinh phục thị trường toàn cầu./.