Trong không khí phấn khởi và tự hào của các hoạt động chào mừng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4), ngày hội lớn tôn vinh văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc của cộng đồng 54 dân tộc anh em, biểu dương sức mạnh đại đoàn kết và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, ngày 18/4, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác phối hợp huy động đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), để cùng nhìn lại một chặng đường ý nghĩa, trách nhiệm, đầy tâm huyết gìn giữ và phát huy di sản văn hóa dân tộc tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy nhấn mạnh: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chính thức đi vào hoạt động được gần 15 năm kể từ ngày “mở cổng” 19/9/2010. Trong suốt hành trình đó, Làng đã từng bước hiện thực hóa sứ mệnh trở thành nơi lưu giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đa dạng, giàu bản sắc của 54 dân tộc trên khắp mọi miền Tổ quốc.

15 năm hình thành và phát triển được đánh dấu bởi sự khởi sắc trong các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng, với sự hiện diện thường xuyên, ngày một sâu sắc, sống động của các nhóm đồng bào dân tộc đến từ các địa phương. Sức hấp dẫn ấy đã được minh chứng rõ nét bằng lượng du khách trong nước và quốc tế ngày càng tăng, để lại những ấn tượng tốt đẹp, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc tới công chúng.
Trong những năm qua, với hàng chục nghìn lượt đồng bào từ khắp mọi miền đất nước trở về đây, mang theo tiếng nói quê hương, làn điệu dân ca, điệu múa, trang phục truyền thống, nghi lễ đặc trưng của từng cộng đồng… đã góp phần tạo nên không gian văn hóa phong phú, đầy sắc màu khắp các bản, buôn làng, phum sóc.
Đặc biệt, phương châm “chủ thể văn hóa tự giới thiệu về mình” được thực hiện xuyên suốt trong các sự kiện thường niên có ý nghĩa chính trị, văn hóa lớn như Ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc”, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Tuần “Đại đoàn kết – Di sản Văn hóa Việt Nam”… đến những chương trình điểm nhấn, hoạt động hàng ngày như: lễ hội truyền thống, trình diễn trang phục, nghề thủ công, ẩm thực, trò chơi dân gian… Chính điều đó đã “thổi hồn”, thổi màu xanh của sự sống vào từng nếp nhà ở “Ngôi nhà chung” Làng Văn hóa và quan trọng hơn là từng bước làm sống dậy những giá trị văn hóa, đưa văn hóa dân tộc đến gần hơn với nhân dân và du khách, nhất là thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước.

Tính đến năm 2025, Làng đã huy động được 16 nhóm cộng đồng các dân tộc với hơn 120 nghệ nhân, đồng bào về đây sinh sống, duy trì tổ chức hoạt động thường xuyên. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động triển khai hiệu quả Quy chế phối hợp với các địa phương, tăng cường kết nối, đảm bảo nhân lực, nội dung, chất lượng chương trình, để từng hoạt động tại Làng luôn giàu bản sắc và mang dấu ấn riêng.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy khẳng định: Hội nghị không chỉ là dịp tổng kết, đánh giá lại những kết quả đã đạt được, mà còn cùng nhau rút ra những bài học thực tiễn, chia sẻ giải pháp hiệu quả, phù hợp trong tình hình mới.
Nghệ nhân Y Sinh, trưởng nhóm đồng bào dân tộc Xơ Đăng, Trưởng ban đoàn kết cộng đồng các dân tộc đang hoạt động hằng ngày tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vô cùng tự hào và vinh dự khi được đại diện cho cộng đồng dân tộc mình đến sinh sống và hoạt động tại Làng. Đây không chỉ là nơi giúp bà con thể hiện lòng yêu mến và gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc, mà còn là cơ hội để góp phần quảng bá các giá trị văn hóa của dân tộc và địa phương đến với du khách trong nước và quốc tế.

Bên cạnh đó, một số ý kiến tham luận của bà con đồng bào các dân tộc đang sinh sống và hoạt động hằng ngày tại Làng cũng đề cập đến những khó khăn như chất lượng nhân sự tham gia hoạt động còn thiếu kỹ năng giao tiếp, biểu diễn, giới thiệu văn hoá dân tộc; Nguồn hiện vật, ấn phẩm, sản phẩm trưng bày giới thiệu tại Làng chưa phong phú, đa dạng, thiếu cơ chế, nguồn kinh phí đầu tư … Từ đó, các đại biểu có đề xuất một số giải pháp để hoạt động của bà con được hiệu quả hơn như tăng cường chế độ hỗ trợ tài chính cho cộng đồng tham gia sự kiện tại Làng; Có các hoạt động tổ chức lớp tập huấn chuyên sâu về những kỹ năng đặc thù như giao tiếp, giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống của dân tộc; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân các dân tộc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước đối với nghệ nhân, đồng bào các dân tộc thiểu số có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; nâng cao ý thức trách nhiệm và tăng cường sự quan tâm của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, sửa đổi, ban hành chế độ chính sách phù hợp nhằm động viên, khuyến khích đồng bào yên tâm về sinh sống, làm việc và tham gia các hoạt động hằng ngày cũng như các hoạt động định kỳ tại làng…
Thông qua hội nghị đã xác lập một định hướng phát triển lâu dài, bền vững hơn, để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là điểm đến văn hóa hấp dẫn, nhân văn và giàu bản sắc trong lòng công chúng và du khách. Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã và đang thật sự trở thành một biểu tượng của tính thống nhất trong đa dạng của văn hóa các dân tộc Việt Nam, là một địa chỉ nổi bật, nổi tiếng, hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế.
Hoàng Tâm