Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 30/4, toàn tỉnh đã giao chi tiết vốn đến từng dự án gần 6.783 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2025 và giải ngân được hơn 1.384 tỷ đồng (bằng 20,4% kế hoạch). Mặc dù tỷ lệ giải ngân đạt mức khá nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra.

Theo thống kê, tỉnh Đắk Lắk có 8 đơn vị giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh, đặc biệt có 1 đơn vị giải ngân 0% là Sở Nội vụ; Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và Nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh chiếm 47,3% kế hoạch vốn toàn tỉnh nhưng giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh (14,5%).
Về nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, Sở Tài chính cho biết, việc phối hợp của chủ đầu tư với chính quyền địa phương để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng chưa thực sự tích cực. Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư triển khai còn chậm do còn vướng mắc trong một số nội dung như: Xác định tính pháp lý của hồ sơ đất đai; thiếu nền tái định cư; người dân còn khiếu kiện về giá đền bù và chính sách tái định cư. Hiện đang hoàn thiện các khung pháp lý về công tác bồi thường theo quy định của Luật Đất đai năm 2023 có hiệu lực từ ngày 01/8/2024.

Thi công hạng mục tuyến kè ven hồ thuộc Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam, phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2026.
Bên cạnh đó, một số dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng được bố trí trong kế hoạch năm 2025, hiện các chủ đầu tư đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt quyết toán dự án, bảo hành nên không thực hiện giải ngân; trong kế hoạch năm 2025, có khởi công mới một số dự án đang trong quá trình thực hiện đấu thầu xây lắp nên chưa có khối lượng để thực hiện giải ngân. Ngoài ra, việc quy hoạch mỏ đất khai thác thực hiện công trình; điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm.
Theo ông Võ Ngọc Tuyên, Giám đốc Sở Tài chính Đắk Lắk, 2025 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII, do đó kết quả giải ngân vốn đầu tư công góp phần quyết định sự hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng đặt ra. Tuy nhiên, qua thực hiện kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm vẫn chưa đạt.
Để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Sở Tài chính kiến nghị tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các chủ đầu tư phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương sớm xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo tiến độ dự án. Đồng thời rà soát, hướng dẫn, tham mưu giải quyết tình trạng thiếu nguồn vật liệu. Các dự án hoàn thành phải khẩn trương hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu công trình, dự án. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nghiệm thu công trình, dự án, chủ đầu tư phải gửi hồ sơ quyết toán đến cơ quan có thẩm quyền thẩm tra quyết toán để thực hiện việc thẩm định, phê duyệt quyết toán.

Dự án Hồ thủy lợi Ea Tam là công trình trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk đang phấn đấu hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2026.
Để tháo gỡ khó khăn, tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Công Thái yêu cầu các sở, ban, ngành, chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án, hoàn thành thủ tục giải ngân vốn trong thời gian sớm nhất, không để tình trạng tồn vốn xây dựng cơ bản vào cuối năm; trong đó, cần tích cực thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm sớm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công công trình theo đúng tiến độ thực hiện dự án; triển khai rà soát, hướng dẫn hồ sơ khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo quy định. Đặc biệt, có giải pháp cụ thể để giải quyết khó khăn cho từng dự án, đơn cử như công trình trọng điểm quốc gia cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đang thiếu nguồn vật liệu thì phải thực hiện điều hòa hợp lý nguồn vật liệu giữa các dự án thành phần theo đúng quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Công Thái yêu cầu các sở, ban, ngành, chủ đầu tư hoàn thành di dời đường dây điện dân sinh, di dời đường điện 500KV (đoạn qua huyện Krông Pắc)… tạo mọi điều kiện thuận lợi trong thi công để đáp ứng yêu cầu tiến độ. Đối với dự án Cải tạo, nâng cấp Tỉnh lộ 1, ông Thái yêu cầu chủ đầu tư mời các nhà thầu thi công họp cam kết tiến độ, lập biên bản, cam kết thời gian hoàn thành các gói thầu và kiên quyết xử lý nhà thầu chậm trễ ảnh hưởng đến tiến độ dự án./.