Trong hai ngày 16 - 17/7, Kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La, khóa XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã thảo luận, thông qua nhiều Nghị quyết thuộc nhiều lĩnh vực.

Trên cơ sở báo cáo kết quả thẩm tra các dự thảo Nghị quyết trình kỳ họp thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, kinh tế - ngân sách, pháp chế và dân tộc của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La, các đại biểu đã biểu quyết thông qua 18 Nghị quyết, gồm: Điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 nguồn ngân sách địa phương cấp huyện vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của ngân sách cấp tỉnh (đợt 1); điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2025 nguồn ngân sách địa phương cấp huyện vào kế hoạch đầu tư công năm 2025 của ngân sách cấp tỉnh (đợt 1); điều chỉnh dự toán thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh theo lĩnh vực năm 2025; điều chỉnh dự toán chi ngân sách Nhà nước cấp huyện còn lại khi thực hiện chính quyền địa phương hai cấp năm 2025 (đợt 2); quy định mức hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch hại thực vật trên địa bàn tỉnh Sơn La; quy định chế độ hỗ trợ kinh phí cho học sinh phải qua sông, suối, hồ để đi học trên địa bàn tỉnh Sơn La...
Theo Nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ cho học sinh ở các địa bàn có điều kiện đặc thù, từ ngày 1/8/2025, học sinh của các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, phải qua sông, suối, hồ bằng phà, thuyền, đò, bè để đi học sẽ được hỗ trợ 280.000 đồng/học sinh/tháng với học sinh phải đi, về hằng ngày; hỗ trợ 50.000 đồng/học sinh/tháng với học sinh không phải đi, về hằng ngày. Thời gian hưởng hỗ trợ 9 tháng/năm. Nguồn kinh phí thực hiện từ ngân sách nhà nước.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La Nguyễn Thái Hưng đề nghị, ngay sau kỳ họp UBND tỉnh, các ngành, địa phương, đơn vị liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, khẩn trương triển khai thực hiện các Nghị quyết đã được thông qua bảo đảm đúng tiến độ, hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật.
Các đơn vị, địa phương tăng cường theo dõi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hoạt động của bộ máy chính quyền xã, phường để kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập, các vấn đề mới phát sinh, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đảm bảo hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin; thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ chính sách đối với những người bị ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy.
Thường trực HĐND các xã, phường cần chủ động phối hợp với UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp chuẩn bị chu đáo cho kỳ họp thường lệ giữa năm của HĐND. Các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ; rà soát lại những việc đã hứa trước cử tri để quyết tâm theo đuổi đến cùng việc giải quyết ý kiến, nguyện vọng chính đáng của cử tri; thực hiện tốt việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp này.

Đặc biệt, từ ngày 1/7/2025, bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào vận hành, đến nay, cơ bản hoạt động thông suốt, ổn định. Đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở nhanh chóng bắt nhịp với công việc, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao hơn, quyết tâm hơn trong phục vụ nhân dân. Việc giải quyết các thủ tục hành chính được thực hiện nhanh chóng, không xảy ra gián đoạn./.