Tuy mới bước vào mùa mưa lũ, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã xuất hiện các hình thái thời tiết cực đoan. Hiện tượng dông lốc xảy ra trên hầu hết các địa phương đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt và đời sống của nhân dân.

Để chủ động ứng phó với diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường của thiên tai năm 2025, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hòa Bình đã rà soát, cập nhật, điều chỉnh và chuẩn bị xây dựng mới kế hoạch phòng chống thiên tai tại các cấp ở địa phương và phương án ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai được quy định. Đồng thời, tỉnh Hòa Bình đôn đốc các huyện, thành phố kiểm tra đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng khu tái định cư, Dự án khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai gây sạt lở đất, đá.
Khảo sát tại khu vực xóm Rài, xã Tuân Đạo (Lạc Sơn) do ảnh hưởng thường xuyên của các đợt mưa lũ năm 2017, 2024 có nhiều đợt mưa lớn, xuất hiện nhiều vết nứt, sụt lún kéo dài (có nhiều vết nứt, sụt lún dài từ 1 - 3 m, sâu từ 2 - 3 m và dài khoảng trên 800 m, ngoài ra còn nhiều vết nứt nhỏ, phạm vi ảnh hưởng khoảng 7 ha). Ảnh hưởng đến 111 hộ với 539 nhân khẩu (xóm có 24 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo); trong đó, phạm vi khu vực ảnh hưởng nghiêm trọng đã phải di chuyển khẩn cấp 60 hộ với 278 nhân khẩu ra khỏi khu vực nguy hiểm để đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân.
Dự án xây dựng hạ tầng khu tái định cư khẩn cấp khắc phục hậu quả thiên tai gây sạt lở đất, đá tại khu vực xóm Rài, xã Tuân Đạo, do Ủy ban nhân dân huyện Lạc Sơn làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư hơn 72 tỷ đồng thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, ngân sách tỉnh, huyện và các nguồn vốn hợp pháp khác. Dự án có quy mô khoảng 6ha với 131 lô đất ở (111 lô cho các hộ dân tái định cư sạt lở và 20 lô dự phòng), phục vụ tái định cư cho các hộ bị ảnh hưởng bởi thiên tai trên địa bàn xã. Đến nay, đã có 22 hộ dân đang xây nhà mới, dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2025.
Ông Bùi Văn Thanh, xã Tuân Đạo (Lạc Sơn) cho biết, trước đây căn nhà nằm dưới chân đồi, do mưa lũ đã làm sạt lở khối lượng đất đá vùi lấp một phần diện tích, đồng thời có nhiều vết nứt trên tường nhà và hiện tượng sạt lở tiếp tục diễn ra. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tuyên truyền vận động, hỗ trợ di dời đến nơi ở mới, người dân nơi đây rất phấn khởi, đồng tình ủng hộ. Gia đình cũng cố gắng huy động mọi nguồn vốn, sớm hoàn thiện căn nhà để có nơi ăn, chốn ở an toàn, ổn định cuộc sống, lao động sản xuất.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hòa Bình, Nguyễn Huy Nhuận cho biết, thời gian tới tỉnh tăng cường đôn đốc và hướng dẫn các địa phương kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp xã sau khi thực hiện chính quyền hai cấp. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra và đôn đốc các địa phương trong việc rà soát, xây dựng phương án phòng thủ dân sự trong địa phương; bố trí nhân sự làm công tác phòng chống thiên tai hợp lý để đảm bảo bám sát địa bàn, kịp thời trong công tác tham mưu phòng ngừa và ứng phó với thiên tai khi thực hiện đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình khắc phục hậu quả thiên tai đề đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân và Nhà nước.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hòa Bình, cuối tháng 4, trên địa bàn đã xảy ra các đợt mưa lớn kèm dông lốc gây thiệt hại về nhà ở và hoa màu của nhiều hộ dân; trong đó, toàn tỉnh có 91 hộ dân ở các huyện bị ảnh hưởng như: Đà Bắc, Tân Lạc, Lạc Sơn... bị hư hỏng nhà, tốc mái và hơn 9 ha hoa màu, cây lâm nghiệp bị thiệt hại; 2 đợt nắng nóng diện rộng làm thiệt hại trên 10 ha rừng tại huyện Lạc Thủy, Lương Sơn.
Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hòa Bình, ông Vũ Hồng Quân cho biết, thời tiết năm nay không có nhiều bất thường so với các năm, tuy nhiên không tránh khỏi những diễn biến bất ngờ, phức tạp. Các đợt nắng nóng diện rộng xuất hiện muộn hơn so với năm 2024, nhưng không loại trừ khả năng diễn ra gay gắt hơn. Dự báo lượng mưa có thể lớn hơn mức trung bình nhiều năm và đến sớm, khoảng từ tháng 7 - 8. Thời điểm này đã bắt đầu vào mùa mưa, nên thường xuyên xảy như dông, lốc, mưa đá, sấm sét, mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng của bão dẫn đến lũ ống, lũ quét, sạt lở đất... Vì vậy, chính quyền, người dân không nên chủ quan, cần chủ động các biện pháp ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết.
Trên toàn tỉnh Hòa Bình hiện có 544 hồ chứa thủy lợi các loại, rà soát có 140 hồ bị hư hỏng xuống cấp, 404 hồ còn lại hoạt động bình thường. Số lượng hồ đập hư hỏng xuống cấp chiếm 26% tổng số hồ chứa toàn tỉnh, trong đó có 6 công trình đang được đầu tư sửa chữa; toàn tỉnh có 234 điểm với hơn 5.000 hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ thiên tai cao, cần có phương án bố trí sắp xếp ổn định dân cư. Cụ thể: 143 điểm với hơn 3.000 hộ có nguy cơ sạt lở cần bố trí ổn định dân cư; 21 điểm thường xuyên bị lũ ống, lũ quét với khoảng 167 hộ bị ảnh hưởng; 70 điểm thường xuyên bị ngập úng với hơn 1.700 hộ bị ảnh hưởng.